Trang DigitalTrends đưa tin một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie vừa phát hiện ra 2 hành tinh mới bên ngoài hệ Mặt Trời có khả năng tồn tại sự sống. Chúng được đặt tên lần lượt là GJ180 d và GJ229A c. Hai siêu Trái Đất này nằm cách Trái Đất của chúng ta khoảng 19 và 39 triệu năm ánh sáng.
Hai hành tinh này quay quanh một ngôi sao lùn đỏ, lạnh hơn so với Mặt Trời. Chúng nằm trong khu vực "có thể tồn tại sự sống". Đây là khu vực xung quanh một ngôi sao mà tại đó nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt của hành tinh.
GJ180 d được cho là đặc biệt hơn bởi nó không bị khóa chặt vào ngôi sao lùn kia. Hành tinh này có kích thước lớn hơn một chút so với Trái Đất. Khoảng cách của nó tới ngôi sao lùn đỏ đủ xa để sự sống có thể tồn tại. Hành tinh này có khối lượng gấp 7,5 lần Trái Đất và quỹ đạo của nó là 106 ngày.
"GJ180 d là siêu Trái Đất ôn đới gần nhất với chúng ta mà không bị khóa chặt với ngôi sao chủ. Điều này làm tăng khả năng nó có thể duy trì sự sống", nhà nghiên cứu Fabo Feng cho biết.
Trong khi đó, GJ229A c có khối lượng gấp 7,9 lần Trái Đất với quỹ đạo 122 ngày.
"Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu tiếp theo là xác định sự sống trên các hành tinh quay quanh những ngôi sao giống như thế này", Feng nói.
Đến nay, NASA đã xác nhận sự tồn tại của hơn 4.000 hành tinh nằm bên ngoài hệ Mặt Trời.