Phát hiện nguyên nhân bất ngờ khiến hóa đơn tiền điện tăng vùn vụt

(PLO) - Thời tiết mùa hè đang chuyển dần sang trạng thái oi nóng và nhiệt độ tăng cao từng tuần. Đến hẹn lại lên, chủ đề hóa đơn tiền điện lại thu hút đông đảo sự quan tâm của khách hàng sử dụng điện trên khắp cả nước. Nhưng ít người để ý, có những “thủ phạm” vô tình gây nên tình trạng này. 
Trong tháng 6/2018, có ngày tiêu thụ điện ở Hà Nội đạt đến con số hơn 70 triệu kW/ngày.
Trong tháng 6/2018, có ngày tiêu thụ điện ở Hà Nội đạt đến con số hơn 70 triệu kW/ngày.

Sản lượng điện tăng kỷ lục

Thông tin từ Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN HANOI), cho biết, 3 tháng gần đây, sản lượng điện tiêu thụ luôn tăng cao với mức tăng khoảng 20%/tháng. Nếu tháng 5, sản lượng tiêu thụ đạt đỉnh mới với trên 60 triệu KW/ngày thì tháng 6 đã có ngày tiêu thụ đến trên 70 triệu kW/ngày (ngày 8/6/2018), là mức tiêu thụ điện cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.

Do đó, EVNHANOI luôn thực hiện nhắc nhở khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bằng việc hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm từ 11h00-14h00 và từ 18h00-23h00 hàng ngày. Điều quan trọng hơn, để đảm bảo tiết kiệm điện tiêu thụ, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến, EVNHANOI đã đưa thông tin, khuyến cáo người sử dụng về những “thủ phạm vô hình”, tiếp tay cho việc làm tăng tiền điện đáng kể, đặc biệt trong những tháng mùa hè. 

Đại diện EVNHANOI cho biết, toàn Tổng công ty luôn trong tư thế sẵn sàng nói chuyện về sử dụng điện tiết kiệm với bất kỳ một khách hàng nào. Tổng công ty luôn chú ý nội dung tuyên truyền đến từng hộ gia đình và các cơ quan đoàn thể. Tuy nhiên, số lượng khách hàng thực sự hiểu về sử dụng điện tiết kiệm để có được hiệu quả hợp lý chắc không có nhiều. 

Trong khi đó, theo EVNHANOI, không quá khó để phát hiện ra các lỗ hổng gây nên tình trạng lãng phí điện năng. Đó chính là việc sử dụng các thiết bị điện, điện tử. Thông thường, các đồ điện đều có thông số ghi công suất tiêu thụ năng lượng riêng. Tuy nhiên khi không sử dụng mà vẫn cắm vào nguồn, chúng cũng âm thầm tiêu tốn điện năng khiến khách hàng phải trả thêm một khoản tiền “vô nghĩa” cho hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Những “thủ phạm vô hình” gây tăng hóa đơn

Đó chính là các thiết bị điện, điện tử xuất hiện ở bất cứ một hộ gia đình nào. Cụ thể, các bộ sạc điện thoại luôn được cắm 24/24, dù không cắm điện thoại để sạc nhưng bộ sạc vẫn kết nối với nguồn điện, nó sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng. Tuy lượng điện năng tiêu thụ không đáng kể, khoảng 1,2W nhưng nếu cứ cắm liên tục thì chúng cũng là nguyên nhân làm tăng giá hóa đơn tiền điện hàng tháng của khách hàng.

Hầu hết mọi người đều có thói quen tắt tivi bằng điều khiển cho thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Khi tắt bằng cách này, thiết bị sẽ được chuyển sang chế độ chờ và vẫn liên tục tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ. Qua các thí nghiệm, con số lãng phí này có thể lên đến hơn 24W mỗi ngày. Đặc biệt, năng lượng tiêu hao sẽ còn nhiều hơn đáng kể với các loại tivi được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và có kích thước lớn.

Tương tự, máy tính để bàn và laptop sẽ vẫn hoạt động ngầm, ngay cả khi chúng được tắt bằng lệnh “Turn off”. Trung bình, các thiết bị này sử dụng khoảng 96W mỗi ngày, tức là mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ của cả gia đình sẽ bị đội lên khoảng ba số điện cho mỗi chiếc máy tính trong nhà. Ngoài ra, con số này sẽ còn cao gấp 1,5 lần nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ chờ “Standby”.

Theo các chuyên gia về thiết bị điện, đứng đầu trong danh sách tiêu hao điện năng trong gia đình chính là những thiết bị có màn hình hiển thị giờ vốn được tích hợp trong rất nhiều món đồ gia dụng thế hệ mới như: máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, bếp từ, nồi cơm điện… . Những màn hình hiển thị này lại sử dụng đến 108W điện trong 24 tiếng bởi ngoài chức năng hiển thị nó còn giữ một sự kết nối đến toàn bộ hệ thống của thiết bị.

Đặc biệt, các chuyên gia này cũng lưu ý, bộ phát sóng wifi chính là thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều nhất. Một bộ phát sóng wifi tiêu tốn từ 2W-20W và thường được bật 24/24. Nếu lấy công suất tiêu thụ trung bình là 6W, như vậy, bật cả ngày trong một năm, thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 368kWh, nhân với giá điện trung bình trong nước là 1.549 đồng/kWh thì bạn cần chi trả hơn 570 ngàn đồng tiền điện một cách lãng phí. 

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc thiết bị vẫn ngốn điện như vậy là do bộ phận biến áp bên trong vẫn còn hoạt động. Biến áp hoạt động sẽ tiêu thụ một lượng điện nhất định. Hiện tượng này được gọi là công suất không tải, công suất này chiếm khoảng 5-10% công suất tiêu hao điện của thiết bị. 

Điều này vô tình làm tăng tiền điện, cũng như tác động xấu tới môi trường. 

Tắt các thiết bị điện thôi, chưa đủ… 

Bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, hóa đơn tiền điện của mọi nhà thường bắt đầu tăng cao, nhẹ thì tăng gấp 1,5 lần, nặng hơn thì tùy từng gia đình sử dụng điều hòa nhiều, ít ra sao. 

Ông Lê Thanh Tùng (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) là một trong những người đầu tiên thắc mắc về hóa đơn tiền điện tháng 5 khi lên đến gần hai triệu đồng dù mới chỉ là thời điểm đầu hè. Sau khi gọi điện đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVN HANOI, ông Tùng đã giải đáp được các khúc mắc trong quá trình sử dụng điện tại gia đình.

Ông Tùng cho biết, từ hồi mua điều hòa đến nay cũng được 3 năm nhưng không bảo dưỡng định kỳ vì vẫn chạy tốt, máy giặt lồng ngang thường giặt chế độ nước nóng 33 - 40 độ do khi hậu ngoài Hà Nội độ ẩm tăng cao nếu giặt nước nóng quần áo khi phơi sẽ thơm hơn là nước thường. 

Anh Trần Văn Lê, một nhân viên kỹ thuật điện lạnh ở một siêu thị điện máy cho biết, máy điều hòa không được bảo dưỡng định kỳ là sai lầm phổ biến trong cách sử dụng điều hòa của mọi nhà. Bởi trong điều kiện không khí ẩm, nhiều bụi, điều hòa bị giảm công suất liên tục trong quá trình sử dụng, chủ yếu do bụi bám vào các tấm lọc, cánh quạt, trục quay quạt. Chính đây là yếu tố gây nên những hao hụt về tiện ích của điều hòa. 

Anh Lê cho rằng, nếu khách hàng sử dụng điện có thực hiện bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, điều hòa vận hành tốt hơn, tiết kiệm điện năng cho gia đình.

Theo thông tin từ một cơ quan chuyên về tiêu chuẩn đo lường, máy giặt lồng ngang sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn nếu người dùng sử dụng chế độ giặt nước nóng, chế độ sấy, bởi máy phải tiêu hao nhiều điện năng làm nóng nước, sấy khô quần áo.

Đa số các hộ gia đình sử dụng điện đều cho rằng hành động tắt các thiết bị khi không sử dụng là việc làm tiết kiệm điện, tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần để có thể giảm lượng điện tiêu thụ trong gia đình. Điều kiện đủ còn khá nhiều, buộc người sử dụng phải tăng ý thức tiết kiệm điện. 

Ví dụ, nếu sử dụng điều hòa ở mức dưới 20 độ liên tục trong thời điểm nắng nóng, điều chỉnh chế độ giặt bằng nước nóng 40 độ C trong tất cả các mùa thì sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng gây ra tình trạng “hóa đơn tiền điện tăng cao mà vẫn cho rằng đã tuân thủ tiết kiệm điện”.

Cũng trong những tháng mùa hè, học sinh, sinh viên được nghỉ cũng sẽ là đối tượng sử dụng điện chủ đạo. Do đó cũng cần nắm bắt các cách sử dụng điện hợp lý, hiệu quả để tránh tăng chi phí tiền điện cho gia đình.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cao điểm mùa nắng nóng năm 2018 sẽ diễn ra trong các tháng 5, 6, 7; nhiệt độ cao nhất tại các tỉnh Bắc Bộ có thể đạt mức 38-39 độ C và dự báo, sản lượng tiêu thụ điện cũng sẽ tăng cao. 

EVN HANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết. Đồng thời đề phòng nguy cơ cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư, không vi phạm khoảng cách an toàn đến đường dây thiết bị lưới điện, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Khi gặp sự cố hoặc muốn biết thông tin về sử dụng điện, khách hàng có thể liên hệ Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN HANOI (Tổng đài 19001288 - 024.22222000 phục vụ 24/7) để được tiếp nhận tư vấn và giải đáp. 

Đọc thêm