Phát triển du lịch: “Sản phẩm không tốt thì không thể đón khách quay lại”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch Việt Nam gần đây ngày càng khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn những điểm tham quan du lịch biến mất dần theo tốc độ đi lên của ngành Du lịch.
Hình ảnh Đà Lạt bị “bê tông hóa”, mất nhiều điểm đến hấp dẫn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Asui.com)
Hình ảnh Đà Lạt bị “bê tông hóa”, mất nhiều điểm đến hấp dẫn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Asui.com)

Nhiều sản phẩm du lịch “mất chất”

Trong Tọa đàm “Giải pháp để ngành Du lịch tạo đột phá” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ: “Tôi vừa đi Đà Lạt về, các điểm tham quan ở đây đang mất dần theo tốc độ phát triển kinh tế. Sản phẩm không tốt thì không thể đón khách quay lại lần 2, lần 3”.

Thời điểm nghỉ lễ 2/9 năm ngoái, thông tin Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thưa thớt khách du lịch ngay trong mùa cao điểm khiến nhiều người bất ngờ. Truy tìm nguyên nhân sâu xa, các chuyên gia nhận định, Phú Quốc vốn có thế mạnh về sinh thái với đường biển đẹp, khí hậu ôn hoà, cảnh sắc thơ mộng. Tuy nhiên, bởi tâm lý “ăn xổi”, đầu tư vội vã vào nhà nghỉ, khách sạn, biển Phú Quốc trở thành một “thành phố bê tông” với những ngôi nhà cao chót vót che tầm nhìn ra biển. Những cơ sở sản xuất nước mắm, ngọc trai hiện nay còn phục vụ việc kinh doanh, giá bán cao, hoạt động mờ nhạt, không thể hiện được văn hóa truyền thống của địa phương. Chính vì vậy, nhiều du khách đặt chân đến Phú Quốc bày tỏ thất vọng với một địa điểm du lịch đã mất đi cảnh quan và các sản phẩm độc đáo.

Nhiều địa điểm khác đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Như thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vốn thu hút du khách nhờ vẻ đẹp sương khói, thơ mộng, thanh bình ở trong những đồi thông thanh mát, đồi Cù nằm ngay bên cạnh Hồ Xuân Hương vốn ghi điểm với không gian non nước hữu tình, nay đã bị phá vỡ cảnh quan. Hàng loạt cây thông già cao cả chục thước bị đốn hạ, công trình sân golf 18 lỗ xây dựng không phép, chưa được tháo dỡ ngổn ngang, loang lổ bê tông cốt thép. Một điểm đến vốn coi là trái tim của Đà Lạt, nay chỉ còn lại vẻ đẹp trong ký ức những người khách tham quan. Hay những tòa biệt thự cổ, một trong các sản phẩm du lịch độc đáo của Đà Lạt cũng dần xuống cấp. Nhiều mặt đường được nâng cao che khuất những ngôi biệt thự. Việc cơi nới cho phép xây các nhà hàng, khách sạn đã thu hẹp diện tích, phá vỡ cấu trúc cổ điển của những biệt thự kiểu Pháp ngày xưa.

Các sản phẩm du lịch “mất chất”, hoặc thậm chí biến mất, khiến du khách rất thất vọng khi quay trở lại. Trong khi đó, dù hiện nay du lịch Việt Nam đang phát triển nhưng số lượng du khách Nhật Bản, Trung Quốc - hai thị trường lớn ở châu Á chưa coi Việt Nam là điểm đến trọng tâm. Ngược lại, du khách nội địa lại có xu hướng tìm đến các chuyến du lịch nước ngoài.

Việc thiếu vắng sản phẩm độc đáo, gắn liền với văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan môi trường đang khiến ngành Du lịch Việt Nam khó giữ chân du khách. Đơn cử, câu chuyện mới đây nhất, một nữ du khách nước ngoài đã chia sẻ hình ảnh đầy rác thải ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), trái ngược với kỳ vọng của cô. Hay vài năm trước, du lịch Sa Pa nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cả du khách nội địa và nước ngoài khi Sa Pa xây dựng những công trình “kỳ lạ” lai tạp văn hóa, phá vỡ cảnh quan như tượng Nữ thần Tự do, tượng Nữ hoàng băng tuyết Elsa... Một Sa Pa mơ mộng, thân thiện với du khách dần biến mất, thế chỗ bằng công trình thiếu thẩm mỹ, văn hóa và cơ sở hạ tầng chắp vá, xây đi đập lại liên tục.

Cần kế hoạch xây dựng và quản lý tốt điểm đến

Câu chuyện các sản phẩm du lịch mất dần theo tốc độ phát triển kinh tế không có gì lạ. Vào năm 2018, Chính phủ Philippines phải ra quyết định đóng cửa đảo ngọc Boracay (Philippines) trong 6 tháng để dọn rác. Hòn đảo này từng bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sự gia tăng lượng khách du lịch là một trong những nguyên nhân chính khiến hòn đảo sở hữu những bãi biển đẹp nhất hành tinh bị phủ đầy rác, nước biển xanh trong bị ô nhiễm bởi chất thải. Venice (Italia) là một địa điểm đang “mất chất”, với sự xuống cấp nghiêm trọng của các di sản. Được biết, Venice đã phải đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt để hạn chế số lượng du khách, tránh việc các khách sạn, nhà nghỉ liên tiếp “mọc” lên.

Gìn giữ, bảo vệ các sản phẩm du lịch, địa điểm du lịch là vấn đề quan trọng để hướng đến phát triển du lịch bền vững. Trong đó công tác xây dựng và quản lý điểm đến, cải thiện hạ tầng du lịch, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ và bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch tại điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt. Hiện nay, rút kinh nghiệm từ những tỉnh địa phương khác, nhiều nơi đã thực hiện quy hoạch du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, dân tộc, không để phá vỡ cảnh quan môi trường.

Như huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã phát triển bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, bằng cách giữ gìn vẻ đẹp của làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông. Đồng hành với phát triển du lịch, huyện Mèo Vạc đã thực hiện quy hoạch đồng bộ và bảo vệ cảnh quan thiên hoang sơ, hùng vĩ vốn có. Đây cũng là hướng đi tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số tại miền đất cực bắc của Tổ quốc.

Đồng thời, để thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam, vấn đề quy hoạch thị trường khách hiện nay cũng cần được chú ý, vì nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Trong kết nối du lịch để tạo sản phẩm cũng đang hạn chế ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo, chưa đủ rẻ và hấp dẫn để thu hút khách. Vì vậy, cần sự phối hợp của các công ty du lịch lữ hành với những doanh nghiệp tổ chức lớn mạnh trong ngành Du lịch...

Trong hai tháng đầu năm 2024, dù lượng khách du lịch quốc tế tăng cao hơn 1,5 triệu lượt khách/tháng nhưng lượng khách mua tour du lịch không cao. Nhiều doanh nghiệp du lịch chưa khai thác được lượng du khách mới, trong khi du khách cũ rất ít quay trở lại, mặc dù chi phí để khai thác một khách cũ quay lại chỉ bằng 1/5 so với khai thác khách mới.

Đọc thêm