Phát triển ngành công nghiệp ô tô để người dân được mua xe với giá rẻ

(PLO) - Đó là chia sẻ của ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) trong Hội nghị Công bố chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do bộ Công thương tổ chức.
90% người dân muốn mua ô tô. Ảnh internet.
90% người dân muốn mua ô tô. Ảnh internet.

Theo đó, hầu như người dân nào khi được hỏi có muốn mua ô tô không, ai cũng trả lời là muốn. Ở nông thôn, người dân muốn mua xe tải hoặc xe con. Tương tự, ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chỉ cần phỏng vấn vài nghìn người thì đến 90% các gia đình muốn mua ô tô. Thế nhưng vấn đề làm sao mua được ô tô bởi giá bán quá đắt. Vậy làm thế nào có ô tô giá rẻ cho người dân?

Với những người giàu, có trong tay hàng chục triệu đô, hàng trăm triệu đô… thì việc mua xe, nhất là những xe đắt tiền trị giá vài chục nghìn đô la trở lên không là vấn đề gì. Nhưng với người nghèo, người có thu nhập trung bình… việc dành dụm mua được một chiếc xe ô tô làm phương tiện đi lại vô cùng khó.

Cách đây 2 – 3 năm, người ta luôn hạn chế tiêu dùng ô tô thì nay có nhiều chính sách ủng hộ tiêu dùng ô tô. Tuy nhiên cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa phát triển, giá bán xe ô tô vẫn đắt, người dân khó lòng có thể mua ô tô…
Ông Bùi Ngọc Huyên, giám đốc Công ty ô tô Vinaxuki. Ảnh internet.
 Ông Bùi Ngọc Huyên, giám đốc Công ty ô tô Vinaxuki. Ảnh internet.
Để người dân có thể mua ô tô với giá rẻ, ông Bùi Ngọc Huyên cho rằng cần có những chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trước hết cần có chính sách ưu đãi đồng bộ, theo đó, đồng bộ giữa nhà sản xuất và hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng Việt Nam, chủ yếu là ngân hàng thương mại chỉ cho vay vốn ngắn hạn từ 1 – 3 năm, làm ô tô mà vay vốn kiểu này thì không thể làm được. Đồng bộ về thuế. Doanh nghiệp đề xuất lên bộ Tài chính xin giảm thuế, bộ Tài chính “lắc đầu” vì thuộc thẩm quyền của thường vụ Quốc hội. Thay vì “lắc đầu”, bộ Tài chính cùng với doanh nghiệp đề xuất lên Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế cho các nhà sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó là chính sách thuế và khuyến khích tiêu dùng. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, nếu không đưa ra những vấn đề cụ thể về thuế để khuyến khích nhà sản xuất và tiêu dùng thì ngành công nghiệp ô tô khó phát triển được. Đặc biệt là việc thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Khi đầu tư vào Việt Nam, những nhà sản xuất này sẽ tính toán bao nhiêu năm thì thu hồi được vốn, mỗi năm lời lãi được bao nhiêu, làm việc ở thị trường Việt Nam có lợi hơn so với thị trường ASEAN và thị trường Trung Quốc không… Thế nên cải tiến các chính sách, có như thế mới thu hút được các nhà sản xuất và nhập khẩu.

Ngoài ra là vấn đề vốn, công nghệ, kỹ năng… Phải có vốn mới mua được công nghệ của nước ngoài và đào tạo con người. Đào tạo nhân lực cũng là vấn đề nan giải. Hiện nay các trường đại học của nước ta không có trường nào đào tạo về sản xuất ô tô, cũng không đào tạo về sản xuất phụ tùng ô tô, chỉ đào tạo chung chung. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có tuyển vào đào tạo thì chỉ một thời gian sau những nhân lực được đào tạo ấy bị doanh nghiệp nước ngoài thu hút.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - bộ Công thương cho biết: Người dân muốn có ô tô để đi thì chỉ cần nhập khẩu là xong. Ở đây không phải ô tô cho người dân mà chính là phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Bởi công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Đọc thêm