Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

(PLVN) - “Tiềm năng và cơ hội phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh còn rất lớn, khả năng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo là hoàn toàn có cơ sở”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết.
Hội thảo khoa học nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Thế mạnh điện mặt trời, điện gió

Từ 2018 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư 50 dự án điện mặt trời, tổng công suất 3.120MW trên diện tích đất 4.349ha, tổng vốn đầu tư 76.089 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.510MW trên diện tích đất 286,67ha, tổng vốn đầu tư 36.185 tỷ đồng.

Tỉnh đã lắp đặt và đưa vào vận hành 25 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.561MW (so với toàn quốc 6.025MW, chiếm 25,9%). Ngoài ra, Ninh Thuận đã có 1.607 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt và đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 84.432kWp.

Dự kiến đến cuối năm 2020, Ninh Thuận sẽ có 37 dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành với tổng công suất 2.473,6MW, trong khi nhu cầu điện của tỉnh về công suất dao động 110 - 115MW, còn lại đóng góp cho điện lực quốc gia.

Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện của Ninh Thuận sẽ đạt khoảng 13.717MW, sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 34,8 tỷ kWh. Riêng về điện mặt trời, tỉnh dự kiến phát triển công suất đạt 8.442MW, khi thực hiện thành công sẽ chiếm 42% trong tổng số 20.050MW tổng công suất lắp đặt điện mặt trời của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư các dự án năng lượng tái tạo cũng gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công ty tư nhân đang nỗ lực xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ giải tỏa hết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo.

 Ninh Thuận hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đây cũng mới chỉ là giải pháp tình thế đối với khoảng 2.000MW điện năng lượng tái tạo đang phát triển hiện nay. Để có thể hấp thụ công suất các dự án năng lượng tái tạo được triển khai trong các năm tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường dây truyền tải điện mới.

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Tiềm năng và cơ hội phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh còn rất lớn, khả năng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo là hoàn toàn có cơ sở”.

Cần giải tỏa hết công suất năng lượng tái tạo

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học năng lượng đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo gồm 4 nội dung như sau: 

Lập quy hoạch phát triển trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia; xây dựng cơ chế thiết lập khu vực hạ tầng lưới điện dùng chung tại trung tâm năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng cơ chế dùng chung lưới điện phù hợp với cơ chế thị trường; tạo động lực thu hút đầu tư vào trung tâm năng lượng tái tạo.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến tính hiệu quả, đóng góp của dự án năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; những tác động tới đời sống, việc làm người dân vùng dự án; quy trình xử lý thiết bị điện, pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Các nhà đầu tư đề nghị tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch đã duyệt để giải tỏa hết công suất.

Đồng thời, cho kéo dài thời gian hưởng ưu đãi chính sách giá điện cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng giao đất “sạch” cho doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải, xem xét điều chỉnh cho một số dự án được tăng công suất, quan tâm đào tạo nhân lực ngành điện cho các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.

“Tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo và có văn bản đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ cập nhật và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII. Đây là cơ sở quan trọng để Trung ương hoạch định, ban hành các chính sách góp phần thực hiện hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, ông Phạm Văn Hậu cho biết.

Xây dựng đô thị thông minh, hiện đại

Bên cạnh mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Ninh Thuận cũng chú trọng nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh. Ngày 23/10 vừa qua, UBND tỉnh đã khai trương thí điểm Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin và điều hành đô thị thông minh. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Nghi thức ấn nút khai trương Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin và điều hành đô thị thông minh.

Trung tâm có chức năng giám sát, phát hiện, xử lý và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh như: giao thông, y tế, du lịch, quy hoạch… Thông qua ứng dụng này, người dân có thể phản ánh các thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh chóng, tiện lợi; các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời các ý kiến của người dân trong thời gian sớm nhất.

Hệ thống điều hành có khả năng giám sát, thu thập và xử lý thông tin từ các hệ thống chuyên ngành, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh nhấn mạnh, việc đưa vào vận hành Trung tâm là một trong những chủ trương nhằm phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ một cách toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời, thúc đẩy tạo ra một môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại tại Ninh Thuận.

Đọc thêm