Phát triển nông sản theo chuỗi: Nông dân khó chen chân!

(PLO) - Sản xuất nông sản “sạch” đòi hỏi suất đầu tư và quy mô sản xuất lớn đang khiến “sân chơi” này vẫn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. 
Ảnh minh họa

Tỷ lệ “sạch” quá ít

Trong khâu sản xuất nông sản, nhiều địa phương đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch vào trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm. 

Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là một trong những mô hình được cho là đã mang lại hiệu quả nhờ tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho xuất khẩu và các phân khúc thị trường cao cấp trong nước. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) chỉ ra tỷ lệ nông phẩm đạt tiêu chuẩn này còn rất nhỏ trong nền nông nghiệp. Sản xuất lúa gạo, tuy đã phát động phong trào “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước để sản xuất theo GAP nhưng diện tích khoảng 20 ngàn ha trong tổng 4 triệu ha trồng lúa, cung cấp 120 ngàn tấn lúa, tương đương 60 ngàn tấn gạo “sạch” hiện còn là con số không đáng kể. 

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, song theo cơ quan này, hiện cũng chỉ mới có 0,14% diện tích trong tổng số 300 ngàn ha cây ăn trái được chứng nhận sản xuất theo quy trình Gap. 

Việt Nam được ghi nhận là nước sản xuất chè lớn thứ 2 thế giới và là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, có 70% các hộ trồng chè đã học hoặc biết trồng chè theo hướng sản xuất an toàn. Tuy nhiên, đa số vẫn làm theo thói quen ngay cả với việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu. 100% doanh nghiệp chế biến chè đã ý thức được việc áp dụng ISO và HACCP nhưng tỷ lệ đạt chứng nhận chưa cao, chỉ 30% việc áp dụng các chứng nhận quốc tế về sản xuất bền vững và an toàn như: VietGAP, UTZ, RFA. 

“Tiến trình mở rộng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ở ta hiện đang gặp nhiều trở ngại lớn như: sản xuất nông sản “sạch” đòi hỏi suất đầu tư lớn, đòi hỏi quy mô lớn, đòi hỏi trình độ tổ chức sản xuất cao, sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật. Và nông sản “sạch” hiện có giá thành cao trong khi chưa có hệ thống kinh doanh riêng phù hợp nên hạn chế cho người nông dân nhân rộng”- Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết. 

Rất khó cho nông dân

Theo chuyên gia Tuấn Anh, chưa nói đến việc đầu tư trang bị sản xuất theo phương thức công nghiệp ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các cánh đồng do nông thực hiện GAP, chi phí sản xuất sạch thường cao hơn sản xuất theo cách thức thông thường. Chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng lớn” do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Khoản này “đội” giá thành lên vài trăm đồng trên mỗi kilôgam thóc. 

“Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP như lúa, cây ăn trái, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường, vì vậy cũng chỉ bán với giá thông thường.”- TS. Anh nói.    

Theo ông Tuấn Anh: “Đầu ra tiêu thụ” là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản “sạch”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp lớn mới có thể xây dựng và kiểm soát được tiêu chuẩn thực phẩm an toàn trong toàn bộ chuỗi: nuôi trồng-sản xuất-chế biến-buôn bán, cung ứng thực phẩm. 

Vị này dẫn chứng, đã có một số chuỗi khép kín do các công ty lớn làm chủ đạo, kiểm soát và áp đặt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật cho toàn bộ các khâu trong chuỗi như chuỗi chăn nuôi-chế biến thịt của các công ty liên doanh và công ty thực phẩm Vissan, Đức Việt… 

Theo chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tổ chức có thể thích hợp với nhiều mặt hàng và ở mọi nơi là các siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn giữ vai trò chủ đạo, hợp đồng liên kết với người nông dân, các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ vận tải, chế biến, thương nghiệp để khớp nối toàn bộ chuỗi liên kết. 

“Mô hình này đã chứng tỏ là khả thi và đang phát huy hiệu quả tốt như trường hợp mô hình “cánh đồng mẫu lớn” do Công ty Bảo vệ thực phẩm An Giang, mô hình liên kết trồng mía-sản xuất đường do Công ty Mía đường Lam Sơn Thanh Hóa, mô hình chăn nuôi bò-sản xuất sữa do Vinamilk tổ chức”- ông Tuấn Anh kỳ vọng. 

Theo Bộ Công Thương, các kênh phân phối hiện đại tổ chức theo chuỗi hiện chiếm khoảng trên 25% lượng tiêu thụ nông sản tươi sống và đang phát triển mạnh cùng với sự ra đời của các cơ sở phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm chuyên doanh và các chương trình kết nối cung cầu do bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức. Dự báo đến năm 2020 nông - lâm - thủy sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm 40% thị phần trong nước. 

Đọc thêm