Phát triển thương hiệu du lịch Việt qua điện ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam có thiên nhiên phong phú, bối cảnh đẹp và đa dạng là chất liệu tuyệt vời cho ngành điện ảnh trong và ngoài nước. Mặt khác, nền điện ảnh đầy triển vọng cũng được xem là một kênh quảng bá du lịch hữu hiệu. Dù vậy, việc khai thác mối liên kết giữa du lịch và điện ảnh vẫn còn là tiềm năng bỏ ngỏ.
Trường quay phim tại Ninh Bình đã trở thành điểm đến hút khách du lịch.
Trường quay phim tại Ninh Bình đã trở thành điểm đến hút khách du lịch.

Kênh quảng bá du lịch hữu hiệu

Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là một giải pháp hữu hiệu tại nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, … để thúc đẩy nhu cầu đi lại của du khách trong nước, thu hút du khách quốc tế. Đơn cử, làn sóng phim Hàn Quốc tại Việt Nam đã góp phần khiến lượng khách Việt Nam tới Hàn Quốc gia tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Còn tại Thái Lan, việc cho phép các đoàn làm phim nước ngoài vào Thái Lan thuê bối cảnh đã giúp ngành du lịch nước này thu hút nhiều du khách quốc tế từ các nước Âu, Mỹ. Một số phim điển hình như “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, “Nhiệm vụ bất khả thi” và bộ phim đạt giải Oscar “Heaven & Earth” …

Việt Nam vốn sở hữu thiên nhiên phong phú, bối cảnh đẹp, có tiềm năng với các đoàn làm phim đến từ những “kinh đô điện ảnh thế giới”. Bằng chứng là năm 2016, đoàn làm phim Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” với hàng trăm người đã dành nhiều tháng để quay bối cảnh tại các tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình và Quảng Ninh. Trước đó, đã có một số phim điện ảnh quốc tế lấy bối cảnh Việt Nam như “Pan” (2015), “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc” (2006), “Người Mỹ trầm lặng” (2002), “Đông Dương” (1992),… Không thể phủ nhận sự đóng góp của những bộ phim điện ảnh quốc tế trong việc quảng bá văn hoá, du lịch và điện ảnh Việt Nam ra thế giới, tuy nhiên số lượng những dự án phim như vậy vẫn còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, phim điện ảnh Việt cũng đã gây được một số dấu ấn trên trường quốc tế. Trên chuyên trang đánh giá phim của Mỹ - Rotten Tomatoes, giới chuyên môn và khán giả quốc tế đã dành nhiều lời khen ngợi cho những bộ phim Việt như “Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống (2021)”, “Hai Phượng (2019)”, Để mai tính (2010), Áo lụa Hà Đông (2006),…

Những bộ phim Việt có bối cảnh đẹp không chỉ tạo nên sức hút cho chính phim đó mà còn thu hút du khách ghé thăm những điểm đến làm bối cảnh phim. Năm 2012, bộ phim “Ngọc Viễn Đông” được vinh danh tại Liên hoan phim độc lập California (CAIFF) tại San Francisco (Mỹ) ở hai hạng mục “Phim có bối cảnh quay đẹp nhất” và “Nhạc phim hay nhất”. Nhiều bộ phim khác cũng được đánh giá là khai thác được những cảnh sắc thiên nhiên “vô cùng đẹp mắt” trên màn ảnh nhỏ như “Mùa len trâu”, “Cánh đồng bất tận”, “Thiên mệnh anh hùng”…

Sản phẩm du lịch từ lễ hội phim, liên hoan phim

Không chỉ có lợi thế về quảng bá, sự bắt tay giữa du lịch và điện ảnh còn góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch mới và có sức hút riêng. Theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL, dự kiến ngày 11-15/5, Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa Hòa tổ chức Tuần lễ liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh lần đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, Tuần lễ nhằm tạo dựng mối liên kết ba bên “Doanh nghiệp - Nhà sáng tạo điện ảnh - Chính quyền địa phương” trong việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tôn vinh, quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam trong nước và nước ngoài; khẳng định tinh thần, ý chí, khát vọng Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa.

Một số cảnh quay của Đông Dương tại vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, Lăng Tự Đức (Huế),...

Một số cảnh quay của Đông Dương tại vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, Lăng Tự Đức (Huế),...

Theo đó, các hoạt động chính trong khuôn khổ Tuần lễ bao gồm: Triển lãm “Du lịch qua những thước phim”; Đại nhạc hội chủ đề “Cất cánh”; Chương trình diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”; Chương trình sản xuất phim tài liệu “Sức hút điện ảnh từ miền đất du lịch Khánh Hòa”; Chương trình chiếu phim kết nối Du lịch - Điện ảnh; Chương trình tham quan du lịch “Trải nghiệm để sáng tác”; Chương trình “Không gian kết nối lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sản xuất phim và nghệ sĩ điện ảnh trong nước và quốc tế: Chung sức, đồng tâm, nâng tầm tác phẩm”.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành điện ảnh và du lịch mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong việc thông qua điện ảnh để phát triển du lịch, thương hiệu Việt Nam.

Trước đó, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI vào tháng 11/2022 cũng đã vượt ra khuôn khổ ngày hội của những người làm điện ảnh, trở thành một sự kiện văn hoá thu hút chú ý của đông đảo công chúng. Liên hoan phim nhận được sự hưởng ứng của nhiều nền điện ảnh trên thế giới, với hàng trăm tác phẩm (sau chọn ra được 123 tác phẩm) đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điều đó cho thấy sản phẩm du lịch gắn với điện ảnh có một sức hút nhất định đối với du khách. Đặc biệt khi ngành điện ảnh Việt Nam càng ghi dấu ấn trên trường quốc tế thì ngành du lịch cũng có thể hưởng lợi từ việc quảng bá được nhiều cảnh đẹp và di sản văn hoá đặc sắc thông qua các bộ phim, góp phần thu hút du khách quốc tế.

Đọc thêm