Phê bình công việc chứ không được phép xúc phạm nhân phẩm con người

(PLVN) -Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: phê bình công việc chứ không được phép xúc phạm nhân phẩm con người; phê bình nghiêm khắc nhưng luôn bao dung, giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình…
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Hôm nay (12/6), tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

Muốn nêu gương phải xuất phát từ động cơ trong sáng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau một thời gian đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một số nơi, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng, còn hình thức và mờ nhạt.

Do đó, buổi Tọa đàm hôm nay là để thêm một lần nữa chúng ta không chỉ học lại tấm gương sáng ngời về nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn tìm ra những giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Tham luận tại tọa đàm, GS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, suốt cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì nước, vì dân. Người là hiện thân của đức hy sinh và lòng dũng cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. 

GS Hoàng Chí Bảo phát biểu tại Toạ đàm.
 GS Hoàng Chí Bảo phát biểu tại Toạ đàm.

Nêu gương đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Hồ Chí Minh, nét văn hóa điển hình trong lãnh đạo và quản lý, trong giao tiếp và ứng xử của Người. Bác từng căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, bởi vậy gương mẫu là cách lãnh đạo, quản lý tốt nhất trong thời đại ngày nay.

 Cùng với đó, phải biết kết hợp lãnh đạo bằng khoa học (tức trí tuệ của người lãnh đạo) với đạo đức và hành động. Nhưng muốn nêu gương được thì hành động phải xuất phát từ động cơ trong sáng và nhân đạo. Nêu gương Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là việc tôn trọng Nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, trong việc dùng người, có lẽ không ai có biệt tài như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác không câu nệ người đó là đảng viên hay không đảng viên, quan trọng là phải có “thực đức, thực tài, thực tâm”.

Những người Bác quy tụ để giúp đỡ cách mạng đều là những người tài đức vẹn toàn và họ đều được sử dụng vào những vị trí phù hợp, giúp họ phát huy được hết khả năng vốn có. Do đó, theo GS Hoàng Chí Bảo, cán bộ, đảng viên cần phải thực học để có thực lực, từ đó mới có thực tài; phải chú trọng tự nêu gương và nêu gương.

Đặc biệt, trong công việc, Bác luôn thể hiện phong cách khoa học và biết trọng nhân cách con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phê bình công việc chứ không được phép xúc phạm nhân phẩm con người; phê bình nghiêm khắc nhưng luôn bao dung, giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình….

Và, suy cho cùng, sự nêu gương, noi gương cuối cùng cũng có thước đo, đó chính là lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước và sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước. 

Quy định rõ điều kiện, cơ chế nêu gương

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, một quan điểm hết sức quan trọng trong việc thực hành nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu, đó là “cán bộ xung trước, làng nước theo sau; việc khó đến đâu cũng làm được hết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có tư tưởng về nêu gương mà cuộc sống hàng ngày của Người đã là một tấm gương sáng ngời để mọi người học tập, noi theo. 

Còn TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, muốn nêu gương cần phải có điều kiện, hoàn cảnh để nêu gương; cần phải có cơ chế và phải đảm bảo để người nêu gương được phát triển, không bị triệt tiêu. 

Theo TS Quyền, trong hoạt động công vụ, trách nhiệm luôn gắn với quyền lợi, vậy cơ chế nào để kết nối giữa quyền và lợi ích để người cán bộ, đảng viên nêu gương? Đó chính là việc xây dựng thể chế minh bạch, khách quan cả trong thể chế của Đảng và thể chế của Nhà nước.

Do vậy, cần phải có một cơ quan tham mưu để quy định rõ điều kiện, cơ chế nêu gương.  Đặc biệt, cần giáo dục một số kỹ năng nêu gương đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện các chuẩn mực xã hội ngày nay khác xưa rất nhiều.

TS Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại tọa đàm.
TS Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại tọa đàm. 

GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cũng cho rằng, tấm gương sáng ngời của Bác trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Trong công tác tổ chức và biên chế, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu là quan trọng, người đứng đầu phải có phương án để tinh giản biên chế; phải dám nhận biên chế thấp “để đỡ lương cho nhà nước và thêm người cho sản xuất” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. 

GS. TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, người tốt không cần nêu gương thì họ vẫn là người tốt, người không tốt có gắn vào người một tấm gương thì cũng chẳng ai soi.

Do đó, trình độ, năng lực và phẩm chất thể hiện hàng ngày là yếu tố quyết định thành công trong khuôn khổ, phạm vi trách nhiệm của người quản lý.

Trách nhiệm nêu gương thuộc về đạo đức công vụ, còn phương pháp, kinh nghiệm thuộc về kỹ năng là những yếu tố chủ quan hết sức quan trọng đối với người đứng đầu ở mọi cấp.

Đọc thêm