Công trình toà thành quân sự, hành chính của Nhà nước phong kiến Việt Nam trong lịch sử trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đã mất đi nét rêu phong cổ kính khiến người dân quê hương cách mạng Tân Trào và du khách phải ngẩn ngơ tiếc nuối mỗi khi tới thăm tòa thành…
“Phên dậu thép” của quốc gia một thời
Trong chuyến công tác tại Tuyên Quang vào cuối tháng 11/2015, chúng tôi may mắn gặp được anh lái xe taxi Đặng Văn Dũng (34 tuổi, nhà ở phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang) rất vui vẻ, nhiệt tình và am hiểu về lịch sử mảnh đất nơi anh sinh sống.
Anh Dũng tình nguyện làm “hướng dẫn viên” du lịch đưa chúng tôi đi thăm thú các di tích, thắng cảnh của thành Tuyên, trong đó có thành Tuyên Quang (tức thành nhà Mạc).
Thành cổ Tuyên Quang xưa nằm ở vị trí biên viễn, có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng an ninh, đặc biệt giai đoạn dưới triều Nguyễn. Thành vốn có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thủy bộ thuận lợi, từng gắn bó và trực tiếp chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang.
Với vị trí của mình, thành cổ Tuyên Quang từng được coi là “phên dậu của kinh thành Thăng Long”, là “bức thành thép của quốc gia” như nhiều sử gia đã nhận xét.
Không ai biết chính xác thành được khởi công xây dựng năm nào, chỉ biết rằng đây là dấu tích kiến trúc quân sự thời Nguyễn được kế thừa trên cơ sở của thành trì nhiều thời kì trước để lại. Dựa vào những sự kiện được chép lại trong “Đại Việt sử kí toàn thư”, “Kiến văn tiểu lục” (Lê Quý Đôn), “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn), “Tuyên Quang tỉnh phú” (Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân) thì có thể thành Tuyên Quang được ra đời trong thời điểm những cuộc hành quân Bắc chinh của nhà Mạc lên Tuyên Quang, cụ thể vào những năm 1553 - 1578.
Thành ban đầu được xây trên địa hình khá bằng phẳng, nằm ở trung tâm của xã Ỷ La (huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình); có núi cao che chở, sông Lô bao bọc, thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ.
Theo lời kể của anh lái xe taxi, việc xây dựng thành cổ Tuyên Quang đến nay còn để lại nhiều truyền thuyết ly kỳ; tương truyền có thần linh phù hộ nên thành chỉ xây trong một đêm đã hoàn tất, trường tồn, vững chãi đến mấy trăm năm sau.
Anh Dũng giới thiệu làu làu những thông tin về thành cổ bằng sự say mê và rất đỗi tự hào: “Thành Tuyên Quang cấu trúc theo kiểu hình vuông, mỗi bề tường dài 275m; cao 3,5m, dày 0,8m, diện tích 75.625m2.”
Theo sử sách chép lại, ở giữa mỗi mặt thành có một vành bán nguyệt, giữa vành bán nguyệt đó là cửa, trên cửa xây tháp, mái ngói. Trong tường có một con đường nhỏ xung quanh dùng làm đường tiếp đạn lên thành.
Bao bọc tường thành là một lớp hào sâu ngập nước theo kiểu phòng thủ “thành cao, hào sâu” thời trung cổ. Gạch xây thành là loại có kích thước lớn hơn nhiều so với gạch chỉ hiện nay, làm bằng thứ đất có nhiều quặng sắt rất rắn - đó là đặc trưng của kiểu gạch thời Lê.
|
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Thành Tuyên Quang ngày 27/11/2015. |
Đến đầu đời Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm bằng loại gạch nhỏ. Trong thành chếch hướng bắc là núi Thổ (Thổ Sơn - núi đất) cao 50m, dốc đứng, phải qua 193 bậc đá mới lên tới đỉnh. Thổ Sơn cũng chỉ đắp trong một đêm, toàn bộ Thổ Sơn nằm gọn trong thành, phạm vi kiểm soát của cao điểm rất rộng. Cửa đông khống chế đường bộ duy nhất thời đó và sông Lô là tuyến đường thuỷ quan trọng khi chưa có phương tiện cơ giới trên bộ.
Sử cũ chép lại, khi công cuộc Bắc phạt không thành công, chúa Bầu cho xây dựng căn cứ ở Đại Đồng (nay thuộc xã An Khang, Yên Sơn) thì thành nhà Mạc bị bỏ trống. Sang đầu thời Nguyễn, nhà Nguyễn vẫn sử dụng thành nhà Mạc xưa làm cơ sở cho bộ máy quan lại phong kiến đương triều.
Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã cho tu sửa lại nhiều phần cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, đồng thời với việc đổi tên xứ Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang. Từ đây, thành nhà Mạc cũng được đổi tên, gọi là thành Tuyên Quang (còn gọi là thành Tuyên).
Chứng nhân lịch sử
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, thành cổ Tuyên Quang đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng, từ cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan đánh thực dân Pháp năm 1884 đến khí thế vũ bão sục sôi những ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 lịch sử, buộc phát xít Nhật phải đầu hàng, giải phóng hoàn toàn thị xã Tuyên Quang.
Ngày 21/8/1945, tại thành Tuyên, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã lãnh đạo nhân dân biểu tình buộc Nhật phải buông súng đầu hàng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành cổ Tuyên Quang còn hai lần chứng kiến thất bại của quân Pháp vào năm 1947 và năm 1949.
Ngày 20/3/1961, lần đầu tiên kể từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển từ Thủ đô Kháng chiến (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) về Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại quê hương cách mạng Tuyên Quang. Người đã có buổi nói chuyện với toàn thể nhân dân tỉnh Tuyên Quang ở sân vận động phía bắc Thổ Sơn ngay trong thành cổ.
Thành cổ chỉ còn trong ký ức?
Thành cổ Tuyên Quang còn khá nguyên dạng cho đến cuối thế kỷ 20 và đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 30/8/1991. Trong quá trình xây dựng, phát triển của TX Tuyên Quang (nay là TP Tuyên Quang), một số trục đường của thị xã chạy qua vị trí thành cổ nên hiện nay thành cổ Tuyên Quang bị chia cắt.
Hiện chỉ còn lại hai cổng thành phía bắc và phía tây. Đoạn tường thành còn lại duy nhất nằm trên góc đường Bình Thuận và Cổng Lấp, dài chưa đến 100m…
Thành Tuyên Quang ngày nay nằm ở vị trí đắc địa ngay giữa trung tâm thành phố, gần công viên thành phố Tuyên Quang thơ mộng, hữu tình nên trở thành địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ lựa chọn chụp ảnh đám cưới, các bạn học sinh chụp ảnh lưu niệm dịp ra trường.
Hình ảnh tòa thành cổ kính rêu phong với cây si cổ thụ xanh um, chùm rễ cuồn cuộn bám vào những viên gạch cổ đỏ như son dù đã trơ gan cùng tuế nguyệt gần 500 tuổi, cạnh đó là cây hoa sưa mùa xuân trổ bông trắng muốt mơ màng đẹp như trên phim ảnh từng ghi dấu giờ phút hạnh phúc trọng đại nhất cuộc đời của nhiều đôi lứa nơi đây.
Rất nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia cũng lấy tòa thành cổ này làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và rinh về nhiều giải thưởng.
|
Thành Tuyên Quang cổ kính rêu phong trước khi được trùng tu. (Ảnh chụp năm 2009).Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Thành Tuyên Quang ngày |
Có điều, hình ảnh cổ kính nên thơ ấy giờ đã chỉ còn lại trong ký ức. Bởi từ năm 2010, sau đợt trùng tu với kinh phí gần chục tỷ đồng, tòa thành trên 400 năm tuổi của Tuyên Quang đã “lột xác” hoàn toàn và trở nên lạ lẫm như một lò gạch mới xây bằng đá ong kiên cố, trơ trọi giữa phố.
“Đến giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của lần đầu tiên nhìn thấy tòa thành cổ được trùng tu với diện mạo mới quá lạ lẫm, khác xa với tòa thành cổ thân thương gắn bó với bao thế hệ người thành Tuyên, lúc đó tôi nghẹn ngào chỉ chực khóc…”- anh lái xe taxi Đặng Văn Dũng nặng lòng gắn bó với thành Tuyên tâm sự.
Còn bà Trần Thanh Hằng (69 tuổi, ở phường Tân Quang, TP Tuyên Quang) nguyên là cán bộ văn hóa, sống ở dãy phố đối diện với thành cổ thì cho biết: Thành cổ là một địa chỉ văn hóa du lịch không thể bỏ qua đối với du khách đến Tuyên Quang. Bà Hằng cho biết từ trước đến nay vẫn có rất nhiều đoàn khách đến tòa thành tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm.
Tuy nhiên, theo bà Hằng thì sau khi tu bổ, lượng các bạn trẻ đến chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm tại tòa thành thưa vắng hẳn chứ không còn nhiều như trước kia.
“Biết làm sao được khi mà tòa thành sau khi tu bổ đã không còn nguyên vẹn cổ kính uy nghiêm như trong ký ức và tình yêu của dân chúng”- bà Hằng thở dài nói như tự sự…/.