Theo thời gian, mỗi chặng đường, tầm nhìn mở rộng ra, nội tâm sâu sắc dần. Thời tuổi trẻ, hăm hở đọc những trang lịch sử, tôi say mê trước những chiến công oanh liệt của dân tộc dưới sự lãnh đạo của vị vua anh minh. Rồi sau đọc thơ ngài, tôi ngưỡng mộ tâm hồn một thi nhân đích thực. Bây giờ đến tuổi nghe trong dòng thời gian có tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi, tôi suy tư, chiêm nghiệm và áp dụng những tư tưởng thiền của ngài vào cuộc sống hàng ngày.
Hơn 10 năm trước, tôi được tặng cuốn “Hương thiền ngàn năm”. Cuốn sách gần 700 trang khổ lớn là công trình dịch thuật đồ sộ của nhà sư Thích Giác Toàn, bút hiệu Trần Quê Hương. Hàng trăm bài thơ của các thiền sư thời Lý Trần, được dịch sang thơ lục bát. Nhà thơ Phạm Thiên Thư cảm thán bày tỏ: “Đêm miền Nam gió xanh/ Cảnh chùa thiền sư viết/ Hương thiền ngàn năm bay/ Lục bát thơm Cổ Pháp”.
|
Tôi dừng lại rất lâu trước bài “Xuân vãn” của Trần Nhân Tông:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Bản dịch thơ lục bát của Trần Quê Hương:
Tuổi trẻ chưa rõ sắc không
Xuân về hoa nở rộn lòng mừng vui
Chúa Xuân nay tỏ ngộ rồi
Giường thiền tĩnh tọa quán soi xuân hồng.
“Xuân vãn” nghĩa là cuối xuân. Nhưng với bài thơ này, đất trời đã hòa trộn với cuộc đời của chính tác giả. Khi viết bài thơ này, những cuộc chiến tranh đã thôi gào thét, giáp sắt đã cởi bỏ, hoàng bào đã trao lại cho thái tử, ngai vàng, lầu son gác tía đã là quá khứ. Chỉ còn lại một vị thiền sư khoác áo nâu sồng, một mình chống gậy bước đi trên non cao Yên Tử mờ sương.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: ngài hấp thụ được tinh anh thánh nhân, hình dung uy nghiêm, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, được Thái thượng hoàng Trần Thái Tông gọi là Kim tiên đồng tử. Sách Thánh đăng ngữ lục viết: bản chất ngài thông minh hiếu học, có nhiều tài năng, xem khắp hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển.
Vậy mà, thật gần gũi và cảm động với bộc bạch sâu kín của tác giả. Thời niên thiếu ngài cũng như tất cả mọi người chúng ta, nhất Xuân tâm tại bách hoa trung, những ảo ảnh trần thế đã từng cuốn hút ngài.
Câu thơ cuối nói về sự chứng ngộ của ngài. Thoạt nghe thật giản dị, đó là việc ngồi yên lặng trên đệm cỏ nhìn những đóa hồng rơi rụng. Tuy vậy càng đọc càng thấm thía, rụng hồng có nghĩa thật rộng, đó là sự thăng trầm, tụ tán, thành hoại của cuộc đời. Tất cả được đón nhận với tâm thiền.
Tâm trí chợt lâng lâng thi hứng, tôi cầm bút viết nhanh bản dịch lên giấy nháp. Đọc và sửa lại chút ít, tôi nắn nót ghi dưới bài dịch thơ của Trần Hương Quê, coi đó như chút tri ngộ riêng tư với người dịch.
Thời gian trôi qua, mãi miết với nhiều bận rộn khác, dần dần tôi quên rằng mình từng là một “dịch giả”. Gia tài chỉ duy nhất một bản dịch chưa ai từng đọc qua.
Đến một ngày ngẫu nhiên xảy ra một chuyện mà tôi coi đó là một phép màu của đời mình.
Là dịp đầu năm mới của bốn năm trước, tôi lên núi vãn cảnh chùa Đa Bảo. Ngôi chùa ở lưng chừng núi nhìn xuống vịnh Nha Trang. Tôi đang đi dưới hàng mai vàng rực ngoài vườn, nhìn thấy một vị sư già bước ra từ chánh điện. Áo nâu, nón lá, vai khoác chiếc túi vải cũ, vị sư có dáng đi khệnh khạng hiền lành hơi giống đức Đạt Lai Lạt Ma. Mấy đứa nhỏ chạy lại rúi rít vái chào “Thưa ông… A di đà Phật…”. Nhà sư cũng vui vẻ cúi người vái lại, đoạn móc trong túi vải một xấp bưu thiếp. Trân trọng trao những tấm bưu thiếp vào từng bàn tay chìa ra. Người tặng, người nhận đều A di đà Phật. Vị sư vui vẻ bước tiếp.
Có cặp tình nhân nắm tay nhau bối rối cúi chào. Vị sư già trao vào mỗi cô cậu một tám thiệp đỏ. Tôi hơi nép bên lối đi, cũng chắp tay. Vị sư nhìn tôi, lại trân trọng cúi người tặng tôi tấm bưu thiếp. Tôi đón lấy, miệng A di đà Phật. Nhà sư nhẹ nhàng bước qua, phút chốc chỉ thấy chiếc nón lá ánh lên trong nắng sớm từ sau mấy rặng cây phía dưới đồi. Đôi tình nhân đang líu ríu nói cười, tranh nhau chỉ trỏ vào từng tấm thiệp Xuân của người kia. Cô gái cất giọng lảnh lót:
- Anh xem này, thực sự là Đức Đạt Lai Lạt Ma viết riêng câu này cho em đấy.
Rồi cô hắng giọng trịnh trọng đọc to:
- Hãy nhớ rằng im lặng, thi thoảng, là câu trả ời tốt nhất.
Người con trai dí ngón tay vào mũi bạn nói:
- Em hiểu thi thoảng là thế nào không? Cả ba ngày liền im lặng như con ốc sên mà dám nói là thi thoảng à?
Cặp chim non hớn hở dắt tay nhau vào chùa. Tôi cầm tấm thiệp, ngắm nhìn hình một nhà sư đang chắp tay ngồi trên đỉnh núi mờ sương. Phía cuối đường chân trời, vầng mặt trời đỏ ối đang nhô lên. Tôi lật ra mặt sau, thốt nhiên ngồi bật dậy, dợm bước chạy xuống núi. Được một quảng, tôi dừng lại, ngồi xuống ghế đá bên đường.
Trên tay tôi, tấm bưu thiếp viết bài thơ “Xuân vãn” của Trần Nhân Tông.
Tôi quay về nhà, như đi trong mơ. Trên giá sách, tôi lấy xuống tập thơ, cuống quýt dò tìm. Bài thơ tôi viết 8 năm trước. Tôi xin chép ra đây:
Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không
Xuân đến lòng theo trăm đóa hồng
Gương mặt chúa Xuân giờ đã thấu
Nệm cỏ, giường thiền, ngó rụng hồng.
Người ta nói nhiều về sự nhiệm màu.
Với riêng tôi, nhiệm màu có hai dạng thức tồn tại, ở nội tâm và ở ngoại cảnh.
Ngoài cuộc sống, sự nhiệm màu có khắp mọi nơi. Chỉ cần mở cửa bước ra sân, hít thở hương thơm của khóm hoa dại bên lối đi là ta đang chạm vào sự màu nhiệm. Chẳng phải vậy sao? Mới mấy tháng trước, lên vãn cảnh chùa, hái ít bông hoa tàn bỏ vào túi. Ta về nhà vùi hoa xuống đất ẩm. Bông hoa chứa những hạt nhỏ màu đen như hạt cải. Sau một tuần tưới nước, những mầm non tơ bắt đầu nhú lên. Rồi một vạt hoa dại đua nhau khoe sắc. Sáng nay, ta cúi xuống bên hoa, có những nụ non bỡ ngỡ, có những bông hoa tàn héo.
Bông hoa héo tàn đó đang âm thầm cất giữ những hạt giống của sự sống mới. Đó chẳng phải là sự màu nhiệm sao? Ta nhìn lên những tia nắng sớm mai, làn mây trắng nhẹ bay, ngọn gió xao động cành lá… Một ngàn năm trước cũng vậy, một ngàn năm sau những tia nắng vẫn bừng sáng, những làn mây vẫn lững lờ trôi, và những cơn gió thoảng hương vẫn miệt mài thổi. Hết thảy những điều đó chẳng phải là sự màu nhiệm sao?
Sự màu nhiệm trong nội tâm là một báu vật vô giá, đó là những khoảnh khắc khi ta tỉnh thức nhìn rõ bản chất vô thường của sự vật và từ đó tâm hồn trở nên tĩnh lặng an nhiên.
Tôi đặt tấm thiệp của vị sư già vô danh trước bàn viết. Mỗi ngày đều để tâm nhìn ngắm và suy tư. Khi gặp những buồn phiền, những biến động của cuộc đời, tôi lại tưởng nhớ đến vị Phật hoàng Trần Nhân Tông, và nhẩm câu kệ của riêng mình, “thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”. Những lúc đó tôi như chạm vào một phép màu trong nội tâm mình. Tôi gọi đó là phép màu Trần Nhân Tông.