Trong buổi sáng, nhiều đại điện của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế được triệu tập đến tham dự nhằm làm sáng tỏ quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc Capicitabine 500mg chữa bệnh ung thư về Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc, vì sao bị cáo lại chỉ đạo xóa bỏ toàn bộ các file được lưu trong máy tính của công ty liên quan tới lô thuốc này, cũng như lý do vứt bỏ 12 con dấu của công ty vào sọt rác trước lúc cơ quan điều tra tiến hành vụ án, bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) biện minh rằng, do những file đó đã cũ, các con dấu cũng không còn sử dụng nên bị cáo chỉ đạo anh em… “dọn dẹp” cho gọn gàng.
Kiểm sát viên phản bác lại: “Con dấu không phải là tài sản của bị cáo, mà là tài sản của công ty. Việc sử dụng, bàn giao con dấu cho ai suốt quá trình trước đó được diễn ra hết sức nghiêm ngặt, có biên bản bàn giao cụ thể. Vậy mà bị cáo nói vứt bỏ một loạt con dấu vào sọt rác dễ dàng như vậy? Các file tài liệu cũng thế, bị cáo không phải là người quản lý công nghệ thông tin ở công ty, sao biết mà chỉ đạo nhân viên xóa các file liên quan tới số thuốc này?...”.
Về nguồn gốc của 12 con dấu mà các bị cáo đã sử dụng vào việc làm hồ sơ tài liệu, bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, không biết những con dấu này, bởi chức năng nhiệm vụ được giao cho phòng nghiên cứu phát triển của công ty…
Về số tiền 7,5 tỷ đồng được cho là dùng để chi hoa hồng cho các bác sĩ khi tiến hành bán thuốc nói trên, đại diện VKS cũng đã đi sâu và cho các bị cáo đối chất ngay tại phiên tòa. Bị cáo Hùng cho rằng số tiền đó tồn tại trong công ty từ lâu và dùng để phục vụ công tác bán hàng, chứ không phải chi hoa hồng. Tuy nhiên cũng có bị cáo cho rằng dùng để chi có các bác sĩ. Kiểm sát viên đề nghị HĐXX cho công bố lời khai của một dược sĩ làm trong công ty VN Pharma về quy trình chi tiền hoa hồng cho bác sĩ.
Theo đó, việc chi hoa hồng dựa trên kinh nghiệm bán hàng của người này, sau đó sẽ trình lên phòng quản lý, sau đó lên phòng tổ chức kiểm soát rồi đến phòng kế toán, sau đó mới trình lên Ban Tổng giám đốc. Khi được sự đồng ý của Ban cao nhất này thì kế toán mới được chi. Đại diện VKS nhận định đó là quy trình hết sức chặt chẽ nên không thể rút số tiền lớn ra một cách dễ dàng như các bị cáo khai…
Đại diện VKS đã nhiều lần mời đại diện một số phòng của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, để làm sáng tỏ từng vấn đề một. Theo đó, đại diện các phòng của Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế khẳng định chắc chắn như “đinh đóng cột” rằng, đã làm đúng trách nhiệm, đúng quy trình. Việc khẳng định này được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần, có lúc họ "quên" việc trả lời trực tiếp vào các câu hỏi của đại diện VKS.
Đặc biệt, là trong các biên bản về đánh giá tính pháp lý, đánh giá chất lượng thuốc… của các nhóm như: Nhóm chất lượng; nhóm dược lý lâm sàng; nhóm pháp lý thuộc Cục quản lý Dược- Bộ Y tế lại có nhiều điểm hoài nghi, bởi trong biên bản họp thì nhóm nào cũng có trường hợp có cán bộ tham gia họp, nhưng không ký tên, không có ý kiến là đạt hay không đạt theo quy định, thậm chí là không có ngày, tháng của biên bản…
Giải thích về việc không có ý kiến trong biên bản (theo quy định bắt buộc phải có), đại diện Cục Quản lý Dược cho rằng không nắm rõ. Tiếp tục bị truy hỏi, đại diện này nói đã làm “đúng quy trình” và viện dẫn nhiều thông tư, nghị định. Tuy nhiên xem ra không thuyết phục nên đại diện VKS tiếp tục truy vấn.
Liên quan tới diễn biến vụ án, trước lúc diễn ra phiên tòa, HĐXX hỏi về bị cáo Hùng về tình hình sức khỏe. Bị cáo Hùng cho biết đã bình tĩnh, ổn định hơn và đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa. Trước đó, vào chiều 23/10 hai bị cáo đầu vụ là Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị bắt tạm giam thời hạn 90 ngày sau một thời gian được tại ngoại.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2013, Nguyễn Minh Hùng (nguyên chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty Hàng hải Quốc tế H&C) đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix Pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư ở người.
Khi Công ty Cổ phần VN Pharma nhập hơn 9 ngàn hộp thuốc Capicitabine 500mg về kho, do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, ông Hùng đã chỉ đạo hai nhân viên viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg để hợp thức hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành loại thuốc này.
Trên cơ sở hồ sơ của công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược đồng ý cho nhập đối với đơn hàng trên. Tháng 4/2014, Công ty VN Pharma đã mở tờ khai hải quan nhập khẩu hơn 9 ngàn hộp thuốc H-Capita 500mg về Việt Nam và đã được thông quan thành công. Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình. Sau đó tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc.
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2013 đến tháng 9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu hơn 9 ngàn hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Quá giám định cho thấy loại thuốc này không đủ chất lượng để chữa bệnh cho người được.
Với hành vi đó, cuối tháng 8/2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường mỗi bị cáo 12 năm tù về tội Buôn lậu.
Bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma) 4 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng Công ty Cổ phần VN Pharma) 3 năm tù cùng tội danh trên.
Riêng bị cáo Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco) 2 năm tù treo; Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù; Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần VN Pharma) 1 năm 6 tháng tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù treo về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau án sơ thẩm, có 6 bị cáo kháng án. Bên cạnh đó, VKS cũng có kháng nghị nhiều nội dung.