Trả lời HĐXX, Trần Thị Thanh Vân, GĐ Cty Vân Trúc (Bình Dương) cho biết, quá trình điều tra đã nộp 20 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cơ quan công tố sau đó xác định số tiền bị cáo thu lợi bất chính từ buôn lậu xăng là 18 tỷ đồng nên "đề nghị tòa cho xin lại số tiền 2 tỷ nộp dư".
Vợ chồng Vân là “đại gia” xăng dầu có tiếng tại Bình Dương. Theo cáo trạng, năm 2006, Vân cùng chồng là Lê Thanh Tú thành lập Cty Vân Trúc với ngành nghề kinh doanh là xăng dầu, trụ sở tại TP Thuận An.
Cuối 2019, Hữu (người cầm đầu đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng) đến Bình Dương đặt vấn đề bán xăng nhập lậu cho vợ chồng Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 3.000 đồng/lít. Vợ chồng Vân đồng ý. Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, vợ chồng Vân đã mua tổng cộng 35 triệu lít xăng lậu, thu lợi bất chính 17,9 tỷ đồng.
Tại tòa, nữ GĐ thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. "Hữu nói sẽ làm hợp đồng mua bán xăng dầu, nếu cần hóa đơn thì bị cáo Hữu cũng xuất hóa đơn cho. Lúc đó, bị cáo cũng nhận thức nguồn xăng này là không chính thống", bị cáo khai và một lần nữa đề nghị tòa "cho xin lại số tiền dư".
"Vì sao lúc đó nộp nhiều vậy, hay thấy lời quá tính không nổi?", HĐXX thẩm vấn. Bị cáo nói: "Buôn bán khi lời, khi lỗ, tại lúc đó chưa tính được nguồn lợi bất chính nên nộp như vậy, nếu thiếu bị cáo cũng nộp thêm".
Trong những ngày làm việc trước đó, Đào Ngọc Viễn, chủ tàu biển chở 200 triệu lít xăng lậu, thừa nhận việc buôn xăng lậu "rất lời" và tố bị cáo Nguyễn Minh Đức (người cùng góp vốn) khai "bị lỗ" là không đúng.
Cáo trạng xác định, ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Cường có nhiệm vụ liên hệ với đầu mối tại Singapore, còn Đức lo tiêu thụ xăng. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Từ tháng 2 - 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, Đức cho biết đã góp 7,7 tỷ đồng với Viễn mua tàu và xăng về bán nhưng "hoàn toàn không biết nguồn gốc, giá mua hàng". Do vậy, bị cáo nói mình không phạm tội buôn lậu, nếu có chỉ có thể là phạm tội trốn thuế, nên đề nghị HĐXX xem xét.
Đức cũng cho rằng cáo trạng cáo buộc mình thu lợi 2.500 đồng một lít, trong khi Viễn chỉ thu lời 2.000 đồng một lít là vô lý. Cùng một hành vi nhưng CQĐT lại áp 2 giá khác nhau để tính tiền thu lợi bất chính cho bị cáo là không không phù hợp.
"Số tiền thu lợi bất chính phải được tính sau khi trừ đi các chi phí mới đúng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo. Thực tế mỗi lít xăng bị cáo chỉ lời 1.200 đồng. Nhưng số tiền chi phí lại rất nhiều, bao gồm thuê cầu cảng, nhân công... Tính ra bị cáo đã lỗ nặng chứ không hề thu lợi bất chính", Đức trình bày.
Được gọi lên đối chất, Viễn phản đối lời khai của Đức, nói "buôn lậu lời rất nhiều". Quá trình tàu vận chuyển xăng lậu từ Singapore về Việt Nam từng bị cảnh sát biển Malaysia bắt và đóng phạt hơn 40.000 USD (gần 1 tỷ đồng), Viễn phải chi trả số tiền này trong khi các bị cáo khác không hỗ trợ. Do đó, số tiền thu lợi bất chính thực tế của Viễn thấp hơn Đức.
Viễn cho rằng Đức khai gian dối, chối tội. Số tiền thu lợi bất chính, chiết khấu theo cách tính của cơ quan điều tra là đã có lợi cho các bị cáo.
Đại diện VKS sau đó đã công bố lời khai của Đức tại CQĐT và phân tích từng số liệu, xác định số tiền thu lợi bất chính đối với các bị cáo là thấp nhất, tính toán số liệu có lợi nhất cho các bị cáo.
Đối với một số bị cáo là người giúp sức cho Viễn và Đức, khi trả lời thẩm vấn của tòa đều cho rằng bản thân đi làm thuê, được trả lương, không biết hành vi của mình là vi phạm. Họ đề nghị tòa xem xét tách phần tiền lương khỏi khoản thu nhập bất chính.
Tuy nhiên, đại diện VKS nhận định, dù các bị cáo làm thuê nhưng lại làm việc bất chính, nên tiền lương và tất cả các khoản tiền nhận được trong quá trình phạm tội đều được xem là tiền thu lợi bất chính và bị tịch thu.
Sau hơn một tuần làm việc, phiên xử đại án đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng vẫn tiếp tục với phần xét hỏi nhóm thuyền viên.
Theo kế hoạch, phiên xử sẽ kéo dài 45 - 60 ngày.
Con trai “ông trùm” xin lại hai căn nhà
Trả lời HĐXX trong phiên làm việc ngày 1/11, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con trai Hữu) khai được cha giao nhiệm vụ đi thu tiền bán xăng và chuyển tiền cho nhiều người. "Số lượng người chuyển rất nhiều, do thời gian lâu nên bị cáo không nhớ. Bị cáo làm nghề buôn bán môtô, vì cha nhờ chuyển tiền nên bị cáo làm mà không nhận thức được hành vi này là phạm tội", Hoàng Anh nói.
Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận đã nhận chuyển khoản từ Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh 366 tỷ đồng, Lê Thanh Trung 159 tỷ đồng, Phạm Thị Hương 483 tỷ đồng và nhận 521 tỷ đồng tiền mặt của nhiều người. Ngoài ra, bị cáo còn chuyển khoản 281 tỷ đồng tiền lợi nhuận từ bán xăng nhập lậu và phí thuê tàu vận chuyển cho Phạm Hùng Cường.
Về số tài sản bị thu giữ, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh đề nghị HĐXX trả lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Trong đó có còn căn nhà là tài sản của người mẹ và của ông bà ngoại tặng mình, không liên quan đến vụ án này. Bị cáo cũng xin nhận lại 24 tỷ đồng trong tài khoản đang bị kê biên, vì cho rằng đây là tiền làm ăn với bạn bè, không liên quan đến buôn xăng lậu.