Bản luận tội dài gần 100 trang của VKSND tỉnh Đắk Nông thể hiện, trong khoảng thời gian từ 9/1/2017 đến ngày 30/5/2019, Trịnh Sướng, GĐ Cty TNHH Mỹ Hưng (tỉnh Sóc Trăng) đã tổ chức sản xuất ra tổng cộng hơn 137 triệu lít xăng giả các loại (A95, A92, E5 RON 92), tương đương với số lượng hàng thật trị giá gần 2.500 tỷ đồng.
Sướng được xác định là đối tượng cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán xăng giả . Với sự giúp sức của nhiều đối tượng, thông qua hàng trăm cửa hàng xăng dầu, Sướng đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính với tổng số tiền khoảng 110 tỷ đồng.
Theo VKSND, dù đã khắc phục số tiền hơn 1 tỷ đồng nhưng bị cáo này phạm tội trong thời gian dài, thu lợi bất chính với số tiền lớn, VKS đề nghị TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt bị cáo 12- 13 năm tù. Sướng là bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất trong vụ án này.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị tịch thu 12 chiếc xe ô tô, 9 tàu thủy cùng toàn bộ tang vật khác phục vụ việc mua bán, sản xuất xăng giả của Sướng.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (PGĐ Cty TNHH MTV Phạm Sơn, TP Cần Thơ), từ năm 2017 đến khi bị phát hiện, Hòa đã bán ra hơn 20 triệu lít dung môi cho một số đối tượng để phục vụ việc sản xuất xăng giả. Hòa bị VKS đề nghị 7,5 -8 năm tù.
Đối với bị cáo Đinh Chí Dũng, từ ngày 12/6/2018 đến ngày 26/5/2019, đã nhiều lần sản xuất và bán ra thị trường hơn 2,5 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá gần 52 tỷ đồng. VKS đề nghị xử phạt 7-8 năm tù giam.
Bị cáo Lê Châu Phương Hưng, người trước đó có chứng nhận bệnh tâm thần, vắng mặt trong phiên tòa xét xử, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo này 3-3,5 năm tù giam.
Ngoài các bị cáo nêu trên, 35 bị cáo khác cũng bị đề nghị mức án từ 3 năm đến 8 năm tù về hành vi sản xuất, mua bán xăng giả.
Trước đó, TAND tỉnh Đắk Nông đã tách riêng các bị cáo thành 4 nhóm khác nhau, xét xử theo cách "cuốn chiếu".
Bị cáo Sướng |
Sướng được xác định là chủ mưu nên bị xét xử đầu tiên. Sướng tỏ ra thản nhiên, liên tục cười trước bục khai báo khi được Hội đồng xét xử hỏi về hành vi. Trong quá trình xét hỏi, HĐXX phải liên tục nhắc nhở để Sướng có thái độ chuẩn mực.
Sướng khai nhận, thành lập Cty TNHH Mỹ Hưng vào năm 1996, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, vận chuyển xăng dầu. Đến đầu năm 2017, Sướng mua hóa chất để pha trộn xăng giả.
"Xăng giả được pha trộn theo tỉ lệ 40% xăng nền và 60% là dung môi... Sản phẩm thu được là đạt chất lượng lên đến 90% so với xăng thật", Sướng biện bạch.
Cũng theo Sướng, xăng pha trộn được bán cho những người tiêu dùng trong nông nghiệp, thủy sản, xe cơ giới. Sướng sử dụng sà lan, tàu của Cty TNHH Mỹ Hưng để vận chuyển xăng giả.
Xăng giả A92 lời 400 đồng/lít, xăng A95 lời 800 đồng/lít. Trong đó, xăng A95 chỉ sản xuất 30% số lượng do nhu cầu của người tiêu dùng muốn giá thấp, giảm chi phí.
Sướng khai, Cty Mỹ Hưng mua hóa chất, dung môi từ bị cáo Mai Trung Hậu (Cty Thành Long, tại Cần Thơ) và Cty TNHH Thương mại dịch vụ Tấn Phúc (chi nhánh Vĩnh Long). Các bên mua bán bằng hình thức thanh toán chuyển khoản, mỗi lần giao dịch đều có nội dung ghi chuyển khoản "mua bán xăng dầu".
Tại tòa, Hậu khai quen biết Sướng từ năm 2014. Sau đó, Hậu đã nhập dung môi từ Cty cổ phần dầu khí Bình Minh (tại TP HCM) và của nhiều doanh nghiệp khác để bán cho Trịnh Sướng, hưởng lợi 50 đồng/lít từ 2017. Hậu khai “không nhớ đã bán cho Sướng bao nhiêu lít và cũng không biết Sướng mua để làm gì”.
Tương tự, bị cáo Hồ Xuân Cường (Cty Tấn Phúc) khai đã ủy quyền cho chi nhánh mua bán dung môi với Trịnh Sướng. Cường và Sướng không có thỏa thuận mua bán dung môi. Sau khi giám đốc chi nhánh báo giá, Cường chỉ đạo bán cho Sướng nhưng không có hóa đơn.
Cường bán dung môi cho Sướng hưởng chênh lệch 150 đồng/lít dung môi mua vào và 50 đồng/lít ghi trên hóa đơn GTGT. Theo cáo trạng, Cường đã xuất khống 38 hóa đơn GTGT với số tiền hơn 348 tỷ đồng, tương ứng với hơn 17 triệu lít xăng giả và được hưởng lợi hơn 3,2 tỷ đồng.
"Bị cáo chỉ biết bán dung môi cho Sướng chứ không biết để làm gì ?", Cường trả lời trước tòa.