Phiên xử vụ dự án ngàn tỷ đã bán đấu giá bị “con nợ” đòi lại: Hoãn phiên tòa vì lý do không ai ngờ tới

(PLVN) - Chiều qua (11/3), TAND quận 7, TP HCM tiếp tục mở lại phiên sơ thẩm vụ án cuộc đấu giá Dự án Hòa Lân (diện tích gần 50ha tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) bị kiện đòi hủy kết quả đấu giá.
Tổng số người tham dự phiên tòa ước tính khoảng 30-40 người
Tổng số người tham dự phiên tòa ước tính khoảng 30-40 người

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, nhiều năm trước, “con nợ” là Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đồng ý bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank bán đấu giá trả nợ.

Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐMBTSĐG), bàn giao đất cho bên mua đấu giá trúng là Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM (trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP HCM). 

Sau đó hàng năm trời, khi Kim Oanh đã đầu tư vào dự án này 1.600 tỷ, Thiên Phú bất ngờ “trở cờ”, khiếu nại đòi hủy kết quả cuộc đấu giá. Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc, ra kết luận thanh tra. Bộ Tư pháp có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, cho biết không thể đáp ứng yêu cầu của Thiên Phú vì toàn bộ quá trình phát mãi, bán đấu giá tài sản về cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật. 

Chính phủ sau đó đã đồng ý với nhận định của cơ quan thanh tra. Kết luận thanh tra cũng không bị tổ chức, cá nhân nào khiếu nại.

Thế nhưng, sau đó Thiên Phú vẫn khởi kiện ra tận TAND quận 7 (TP HCM) đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại Dự án Hòa Lân. TAND quận 7 ra “lệnh phong tỏa” với Dự án Hòa Lân khiến chủ đầu tư là Kim Oanh bị “chôn vốn”.

Agribank trong văn bản báo cáo Thủ tướng, đã khẳng định: “Việc Thiên Phú khởi kiện; và TAND quận 7, TP HCM ra quyết định “phong tỏa” Dự án Hòa Lân là không đúng tinh thần xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo các Nghị quyết, Chỉ thị của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Kim Oanh, cũng như quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của Agrinbank”.

Kim Oanh sau đó đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, cho rằng thực chất trong vụ kiện này có dấu hiệu của nhóm “mafia cổ cồn” đứng sau khống chế, “giật dây” Thiên Phú, mở chiến dịch vu khống Kim Oanh trên mạng, hòng chiếm đoạt những gì không thuộc về mình. Kim Oanh cũng cho rằng thẩm phán thụ lý vụ án và TAND quận 7 đã có nhiều vi phạm tố tụng trong tiến trình xử lý sự việc, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Kim Oanh, ảnh hưởng môi trường đầu tư. 

Ngày 5/3, TAND quận 7 đã mở phiên sơ thẩm, sau đó tạm dừng phiên tòa. Ngày 10/3, khi phiên xử mở lại, diễn biến phiên tòa cho thấy nguyên đơn là Thiên Phú có vẻ “đuối lý”, và HĐXX có nhận định “vụ việc đã được KLTT nêu rõ. Nội dung KLTT của Thanh tra Bộ Tư pháp đã nêu ra quá trình, những vấn đề trong quá trình đấu giá” và yêu cầu Agribank cung cấp bản báo cáo với Chính phủ về sự việc.

Hôm qua (11/3), theo nhận định của những người dự khán, đây sẽ là buổi hỏi và tranh luận “gay cấn” giữa nguyên đơn, bị đơn và bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khi HĐXX đang thực hiện khâu hỏi với nguyên đơn Thiên Phú thì một đương sự vẻ hớt hải rời hàng ghế chạy đến trình báo.

Đương sự này cho HĐXX biết vừa nhận được thông báo bằng điện thoại về việc một người cháu của đương sự bị đưa đi cách ly phòng chống dịch nCov, thuộc dạng F2. Phiên tòa trở nên nhốn nháo, nhiều người vẻ lo lắng, một số người tự rời khỏi phòng xử án mà không đợi quyết định của HĐXX. Chủ tọa đã hỏi ý kiến các đương sự và hội ý khẩn cấp để đưa ra quyết định.

Theo tìm hiểu của PV và thông báo từ tòa thì cháu đương sự này có tiếp xúc với một người từng đi trên chuyến bay có “bệnh nhân thứ 17”. Vào ngày 8/3 vừa qua, đương sự có ăn bữa cơm gia đình với người cháu. Đến nay, cháu của đương sự đã bị đưa đi cách ly bắt buộc. Tính ra, đương sự là F3 và những người có mặt tại phiên tòa là F4.

Trong phiên xử ngày 10/3, đương sự chưa phát biểu gì và đeo khẩu trang từ khi có mặt. Những người có mặt tại tòa cũng đeo khẩu trang suốt phiên xử. Chủ tọa đã yêu cầu thư ký ghi danh sách, địa chỉ và số điện thoại liên lạc những người có mặt tại tòa. Thư ký giải thích rõ việc ghi lại thông tin này nhằm mục đích cung cấp cho cơ quan chức năng đúng theo quy định về phòng chống dịch bệnh.

HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian xét xử lại sẽ được thông báo sau. HĐXX căn dặn những người có mặt tại tòa phải giữ gìn sức khỏe, nếu có biểu hiện lạ thì báo ngay cho cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp y tế và tiện việc kiểm soát với những người khác.

Quan sát về việc phòng chống dịch Covid-19 tại TAND quận 7, nhận thấy được thực hiện rất nghiêm chỉnh, chu đáo. Tất cả mọi người ra vào tòa đều buộc phải đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt. Tại cửa ra vào, bố trí nước rửa tay khô, luôn có một bảo vệ hoặc nhân viên túc trực để yêu cầu mọi người rửa tay trước khi vào tòa.

PLVN cố gắng liên lạc với đương sự qua điện thoại để tìm hiểu thêm sự việc và thông tin chính xác hơn nhưng điện thoại không được kết nối.

Lập luận kiểu “lạ đời” của nguyên đơn

Một tình tiết khá “kỳ khôi” trong vụ kiện này, là Dự án Hòa Lân có một diện tích Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. Khi phát mãi dự án, các văn bản giấy tờ, biên bản bán đấu giá và HĐMBTSĐG đều nêu rõ diện tích này chỉ bàn giao. Thiên Phú đồng ý trong tất cả các văn bản, nhưng sau đó lại cho rằng với phần đất này thì Thiên Phú “vẫn có quyền sử dụng, quyền định đoạt”.

Tại phiên tòa hôm 10/3, người đại diện theo ủy quyền của ông Bùi Văn Sơn (chủ Công ty Thiên Phú) phát biểu: “Tại thời điểm bán tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất (QSDĐ) không thu tiền, các bên đã lách luật. Thiên Phú cũng lách luật. Sau này, Thiên Phú thấy sai nên mới khởi kiện để tránh hậu quả pháp lý về sau”. Khi được hỏi nếu nói như vậy, thì ông Sơn có biết việc thế chấp QSDĐ là không đúng hay không, người đại diện theo ủy quyền của ông Sơn nói: “Ông Sơn biết nhưng vẫn thế chấp”.

Một luật sư nhận xét, kiểu “lập luận” như trên bị đánh giá là “cãi cùn”, “rũ rối”; “có vấn đề” khi người được ủy quyền lại đi tố cáo… người ủy quyền, và có những phát ngôn như trên liệu có vượt quá thẩm quyền đã được ủy quyền hay không? Phải chăng đúng như Kim Oanh tố cáo, trong vụ kiện này có dấu hiệu của nhóm “mafia cổ cồn” đứng sau khống chế, “giật dây” Thiên Phú, nên người được ủy quyền mới có những lập luận “lạ” như trên?  

“Lập luận” của Thiên Phú cũng bị Kim Oanh phản bác tại tòa. “Việc Thiên Phú đòi tách QSDĐ phần diện tích Nhà nước giao không thu tiền ra là không đúng. Ngay trong quyết định “phong tỏa”, TAND quận 7 đã phong tỏa cả 49ha. Như vậy, TAND quận 7 cũng thừa nhận sự toàn vẹn của dự án, thừa nhận tính chất không thể tách rời của Dự án”, đại diện Kim Oanh nói.

Đọc thêm