Phiên xử vụ kiện liên quan “khu đất lịch sử” tại Long Khánh: UBND tỉnh Đồng Nai vắng mặt, tòa hoãn để bổ sung hồ sơ

(PLO) - Sáng qua (27/09), TAND Cấp cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc (cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiện UBND tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, phiên xử phải hoãn vì UBND tỉnh Đồng Nai vắng mặt và tòa yêu cầu Tân Lộc bổ sung thêm một số hồ sơ.
Giám đốc Công ty Tân Lộc (bên trái) và Chủ tịch Công đoàn tại TAND Cấp cao tại TP HCM sáng 27/9
Giám đốc Công ty Tân Lộc (bên trái) và Chủ tịch Công đoàn tại TAND Cấp cao tại TP HCM sáng 27/9

Theo đơn khởi kiện do ông Phan Ngọc Mậu (Giám đốc Công ty Tân Lộc) đứng đơn:  “Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định thu hồi phần đất 16.210 m2 tại thị xã Long Khánh của Tân Lộc để xây dựng Đền thờ liệt sĩ. Cho rằng việc thu hồi của UBND tỉnh Đồng Nai là trái luật, Tân Lộc khởi kiện. Trong năm 2013, bản án sơ thẩm tại Đồng Nai và phúc thẩm ở Tòa án Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Đồng Nai với Tân Lộc”.

Bản án có hiệu lực. Thực hiện quyết định cổ phần hóa của cơ quan chủ quản, Tân Lộc có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng không được UBND tỉnh Đồng Nai chấp nhận. Tân Lộc khởi kiện “hành vi hành chính về việc UBND tỉnh Đồng Nai không thực hiện nhiệm vụ cấp giấy CNQSDĐ cho Tân Lộc” tại TAND tỉnh Đồng Nai.

Trong lúc tòa án đang thụ lý vụ án hành chính trên, ngày 5/6/2017, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra Quyết định số 1853/QĐ-UBND về việc thu hồi phần đất 16.210 m2 của Tân Lộc. UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra lý do thu hồi là thực hiện theo kiến nghị từ kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra Tân Lộc.

Tân Lộc tiếp tục khởi kiện hành chính “Quyết định thu hồi đất 1853” và được TAND tỉnh Đồng Nai thụ lý, gộp chung vào vụ khởi kiện “không cấp sổ đỏ” thành một vụ án khởi kiện hành chính. Tuy nhiên, ngày 3/5/2018, TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “từ ngày 1/1/2016, ông Mậu đã nghỉ hưu, không còn là người đại diện theo pháp luật của Tân Lộc. Việc ông Mậu ký đơn khởi kiện và ủy quyền cho người khác là không đúng quy định tại Luật Tố tụng Hành chính năm 2015”.

Không đồng ý với quyết định đình chỉ của TAND tỉnh Đồng Nai, Tân Lộc kháng cáo. Trong đơn kháng cáo, Tân Lộc nêu rõ: “Tại Điều 3, Quyết định 2838 ngày 2/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu Giám đốc (tức ông Mậu) và các chức danh khác có liên quan của Tân Lộc vẫn tiếp tục điều hành, quản lý công ty cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai cho Công ty cổ phần (Tân Lộc được phép cổ phần hóa). Do đến nay, việc cổ phần hóa chưa hoàn thành nên Tân Lộc vẫn đang tồn tại và ông Mậu vẫn là Giám đốc - người đại diện theo pháp luật”. Ngoài ra, dù chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho việc cổ phần hóa Tân Lộc, nhưng trong nghị quyết đại hội cổ đông và biên bản họp cổ đông ngày 22/10/2015, ông Mậu được bầu làm Giám đốc công ty cổ phần. Như vậy, dù ở cương vị người đứng đầu Tân Lộc (công ty nhà nước) hay công ty cổ phần, ông Mậu đều là người đại diện theo pháp luật.

Tân Lộc cho rằng việc đình chỉ của TAND tỉnh Đồng Nai là trái quy định nên kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM hủy quyết định đình chỉ, buộc TAND tỉnh Đồng Nai phải thụ lý và đưa ra xét xử vụ án hành chính nêu trên.

Phiên xử này, UBND tỉnh Đồng Nai có đơn xin vắng mặt. Tại tòa, HĐXX cũng yêu cầu Tân Lộc bổ sung một số hồ sơ chứng cứ, quyết định hoãn phiên xét xử. Dự kiến, sau khi Tân Lộc bổ sung hồ sơ, “phiên họp các thẩm phán” (thường là 3 thẩm phán) để xem xét quyết định đình chỉ của tòa cấp dưới sẽ không cần có mặt của các bên liên quan. HĐXX nói rằng, trước khi “họp các thẩm phán”, các đương sự có quyền xem hồ sơ vụ án, có quyền gặp thẩm phán hoặc có văn bản trình bày quan điểm của mình.

Như PLVN đã phản ánh, khu đất nêu trên, năm 1975 chính là nghĩa trang liệt sỹ tạm, nơi chôn cất các liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Xuân Lộc. Khi cải táng các liệt sỹ đưa về nghĩa trang liệt sỹ mới, các đối tượng được giao thực hiện công việc đã chỉ rút bia, ủi nấm, cố tình giấu lại hàng trăm hài cốt liệt sỹ. Tới những năm 1990, khi Công ty Tân Lộc xây dựng công trình, mới phát hiện ra sự việc và Đồng Nai đã khai quật được 208 liệt sỹ trên khu đất này. Tuy nhiên, cũng từ hàng chục năm nay, khu đất gần như bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên quốc gia khi Đồng Nai và Công ty Tân Lộc mâu thuẫn về quyền sử dụng khu đất này, dẫn đến việc kiện tụng triền miên hàng chục năm như đã nói ở trên.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm