Phổ biến các nội dung lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS sửa đổi

(PLO) - Cuối tuần qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho các báo cáo viên pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Công khai, minh bạch, huy động trí tuệ nhân dân 
Phát biểu tại Hội nghị, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, việc lấy ý kiến nhân dân có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự (BLDS) thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, có tính khái quát, dự báo và khả thi để bảo đảm tính ổn định, đáp ứng được kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. 
Theo Thứ trưởng, việc lấy ý kiến này cần sự đóng góp của đội ngũ cán bộ pháp chế Trung ương và địa phương vì đây chính là hạt nhân quan trọng giúp Bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến được tốt nhất. “Việc lấy ý kiến nhân dân cần đảm bảo công khai, minh bạch cũng như huy động trí tuệ, các quyền của công dân” - Thứ trưởng lưu ý.
Được xác định sửa đổi cơ bản, toàn diện, Dự thảo BLDS (sửa đổi) gồm tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, Dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng chia sẻ một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng BLDS (sửa đổi). 
Đáng chú ý là hệ thống các văn bản luật điều chỉnh các quan hệ dân sự hiện nay có nhiều “tầng lớp”, “cấp độ” văn bản khác nhau, lại bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập về sự chồng chéo, mâu thuẫn và trùng lắp trong quy định của pháp luật. “Việc sửa đổi BLDS đặt ra yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dân được góp ý bằng nhiều hình thức
Hội nghị đã nghe các chuyên gia giới thiệu về những nội dung cơ bản của 6 phần Dự thảo sửa đổi, về 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân của Dự thảo Bộ luật này từ Quy định chung; Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Điều khoản thi hành đến Kỹ thuật trình bày các quy định của BLDS. 
Trong đó, nội dung được chú trọng là những quy định liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự khi quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; cụ thể hóa các quyền nhân thân, quy định phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật các quyền nhân thân về dân sự...
Đối với hình thức sở hữu sẽ lấy ý kiến nhân dân với hai phương án bao gồm phương án 1 là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2 chỉ quy định hai hình thức sở hữu gồm sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó sở hữu toàn dân là một dạng đặc biệt của sở hữu chung. 
Dự thảo BLDS (sửa đổi) được đăng toàn văn trên Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Việc lấy ý kiến được thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác. 
Ý kiến của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi gửi đến cơ quan, tổ chức hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp tại địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử boluatdansu@moj.gov.vn. Cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem. 

Đọc thêm