Khởi đầu đầy bất ngờ và hành trình đến với nghề
Câu chuyện nghề nghiệp của Phó Chi cục trưởng Trần Quốc Tuyến, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum bắt đầu từ một cơ hội tình cờ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Quốc Tuyến trở về quê và chưa xác định được công việc tương lai. Rồi một ngày, tình cờ biết được thông tin tỉnh Kon Tum đang xét tuyển công chức ngành Thi hành án dân sự. Sau khi tìm hiểu và hoàn thiện hồ sơ, anh được nhận vào làm việc tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Glei vào tháng 7 năm 2008 (nay công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum).
Sau gần 17 năm công tác, anh Trần Quốc Tuyến đã trải qua nhiều vị trí, từ Cán sự, Thư ký thi hành án, Chấp hành viên sơ cấp cho đến Phó Chi cục trưởng. Qua đó, anh không chỉ học hỏi được những kiến thức chuyên môn mà còn nhận thấy được vai trò và trách nhiệm của ngành Thi hành án dân sự đối với xã hội. Tuy nhiên, cũng không ít lần anh phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, từ việc bị lăng mạ, thậm chí là hăm dọa, cho đến việc phải tìm cách giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến quyền lợi các bên.
Với vai trò Chấp hành viên, anh Trần Quốc Tuyến hiểu rằng công việc của mình không chỉ đơn thuần là thực thi các bản án mà còn là việc phải thuyết phục các bên liên quan tự nguyện thi hành án, hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Đặc biệt, những vụ án liên quan đến quyền nuôi con sau ly hôn luôn mang tính đặc thù và có nhiều yếu tố cảm xúc phức tạp. Công việc này đòi hỏi sự nhạy bén và khả năng xử lý tình huống linh hoạt, giúp bảo vệ quyền lợi của đương sự nhưng vẫn phải đảm bảo tính công bằng và tuân thủ quy định pháp lý.
Trải nghiệm đáng nhớ với việc "Giao quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn"
Thi hành án dân sự về “Giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên mà tại thời điểm yêu cầu thi hành án, người được thi hành án không trực tiếp nuôi dưỡng” luôn mang tính đặc thù riêng, bản chất riêng, quá trình tổ chức thi hành án của đội ngũ Chấp hành viên ngành thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, thử thách đòi hỏi Chấp hành viên phải có tính kiên nhẫn, có năng lực và hội tụ được nhiều khả năng vận động, thuyết phục người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, các tổ chức chính trị nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội… để đạt được kết quả cao nhất và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đây cũng là một trong những vụ việc không thể quên đối với Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến là trường hợp thi hành án giao quyền nuôi dưỡng con cho người cha sau khi ly hôn.
Người vợ không thể rời xa con, đặc biệt là khi đứa trẻ đang học lớp 3 và rất gắn bó với mẹ. Khi thực hiện thi hành án, chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi người mẹ và con trai ôm nhau khóc nức nở, không muốn chia xa.
Trong trường hợp này, người vợ phải giao con cho chồng được nuôi dưỡng và chăm sóc. Tuy nhiên, nhận thấy con không thể rời mẹ, chị không thể xa em, ông bà không thể xa cháu… bởi cháu đang học lớp 3, người mẹ đã chuyển về ở gần bố mẹ đẻ của mình, khoảng cách với trụ sở Chấp hành viên được phân công khoảng 80km (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai).
Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến cho biết, sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh làm rõ thông tin nơi cư trú của cháu và người mẹ, phải tìm đến địa chỉ chỗ ở của 3 mẹ con. Được biết, 3 mẹ con đang ở nhà thuê, lụp xụp, xuống cấp nhưng nơi đây vang những tiếng nói trẻ thơ, nụ cười hàng ngày.
Thời điểm tiếp cận được người phải thi hành án vào khoảng 9 giờ thì 2 cháu đang đi học ở trường (cháu gái học lớp 5; cháu trai học lớp 3 là người phải giao), sau thời gian dài vận động thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện giao con. Người mẹ đã đến trường xin phép cô giáo cho cháu nghỉ và đón về nhà làm việc cùng Chấp hành viên.
Thời điểm này cháu đang chuẩn bị thi cuối kỳ 1, tránh việc ảnh hưởng đến tâm lý của người con nên bà mẹ đã khóc nức nở, van xin, quỳ lạy người chồng cho con ở lại thêm thời gian để con được tham gia thi cuối kỳ, trong tình cảnh đau thương này hai mẹ con ôm chặt lấy nhau cùng khóc mà vẫn không nhận được sự đồng ý của người bố.
Hết giờ học, tan trường cùng là lúc chị gái đi học về thấy cảnh mẹ và em trai đang ôm nhau khóc, cháu gái không rõ chuyện gì cũng ôm chầm lấy mẹ và em trai khóc nức nở, không thể rời xa em. Sau thời gian dài chỉ biết khóc mà không nói nên lời, người mẹ hỏi ý kiến con trai: Con có về ở với bố không? Con trai mới chỉ 3 tuổi, rơm rớm nước mắt trả lời: Con chỉ ở với mẹ và chị gái thôi, con không ở với bố đâu.
Chứng kiến cảnh tượng này, Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến cùng các thành phần tham gia Thi hành án dân sự cũng đã không thể cầm được nước mắt, đồng cảm với cảnh tượng 3 mẹ con đang vui vẻ hàng ngày bên nhau, giờ em phải giao cho bố chăm sóc, nuôi dưỡng.
“Công việc không chỉ là thực thi phán quyết của tòa án mà còn là nhiệm vụ giải quyết nỗi đau của những con người đang bị chia cắt. Trong trường hợp này, đứa trẻ đã rất buồn khi phải rời xa mẹ và gia đình, sau nhiều giờ động viên và thuyết phục kéo dài đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, người mẹ đã đồng ý giao con trai để chồng nuôi dưỡng trong bối cảnh đầy nước mắt, tâm lý của cháu dần ổn định và cháu đã về sống với bố. Tuy không thể giải quyết mọi vấn đề một cách dễ dàng, nhưng sự đồng cảm và hiểu biết về tâm lý con người là rất quan trọng trong nghề này.
Đây là một trong những ký ức không thể nào quên trong sự nghiệp của Chấp hành viên khikhông chỉ thực hiện nhiệm vụ pháp lý mà còn góp phần giúp trẻ em có một môi trường sống ổn định hơn”, Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến bộc bạch.
Thi hành án dân sự: Công việc đầy thử thách
Chia sẻ với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến cho biết nghề Thi hành án dân sự không chỉ đòi hỏi kiến thức pháp lý vững vàng mà còn là một công việc đầy thử thách, đòi hỏi người làm nghề phải đối diện với các tình huống phức tạp và đôi khi là sự hy sinh. Những vụ việc như tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn thường kéo dài và gây đau khổ cho các bên liên quan, đặc biệt là trẻ em. Sự thiếu vắng một quy định pháp lý rõ ràng, chi tiết cho từng trường hợp cũng khiến công việc thi hành án càng trở nên khó khăn.
|
Cán bộ Chi cục THADS huyện Đăk Tô thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. |
Bên cạnh đó, công việc thi hành án còn yêu cầu khả năng xử lý tình huống linh hoạt và sự kiên nhẫn, đặc biệt là trong các vụ việc tranh chấp phức tạp, liên quan đến tài sản, quyền lợi cá nhân, hay các vấn đề nhạy cảm khác. Người Chấp hành viên không chỉ phải đối diện với các tình huống căng thẳng từ đương sự mà còn phải cân nhắc đến yếu tố nhân văn trong mỗi quyết định của mình.
Qua gần 17 năm làm việc trong ngành Thi hành án dân sự, anh Trần Quốc Tuyến nhận thấy công việc này không chỉ có sự vất vả về thể chất mà còn là một hành trình đầy cảm xúc và thử thách. Mỗi vụ việc, mỗi bản án là một thử thách lớn, yêu cầu người làm nghề phải không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình. Tuy không phải là một ngành nghề phổ biến trong xã hội, nhưng Thi hành án dân sự là một phần quan trọng trong hệ thống tư pháp, bảo đảm tính công bằng và thực thi pháp luật.
“Dù có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng luôn tự hào với công việc của mình, vì mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, đều cảm nhận được giá trị lớn lao của nghề nghiệp, khi giúp cho công lý được thực thi và quyền lợi của công dân được bảo vệ.
Ngành Thi hành án dân sự dù ít được chú ý nhưng lại có một sứ mệnh quan trọng: bảo vệ sự công bằng và giúp những người dân có thể nhận được những quyền lợi hợp pháp mà họ xứng đáng. Chính vì vậy, phải luôn tin tưởng vào ý nghĩa của nghề và sẵn sàng tiếp tục cống hiến, dù công việc có thể sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tương lai”, Chấp hành viên Trần Quốc Tuyến cho biết.
Chí Bình - Nguyễn Luật