Phơi nhiễm HIV nghề nghiệp, phòng tránh thế nào?

 Số liệu thống kê từ 46 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy: Năm 2010 có tổng số 411 ca phơi nhiễm HIV. Từ trước cho đến nay, các nhà chuyên môn cho biết, tuy chưa có ca nào bị nhiễm HIV do phơi nhiễm nghề nghiệp, nhưng công tác phòng tránh phơi nhiễm vẫn phải  được hết sức coi trọng.

Số liệu thống kê từ 46 tỉnh, thành trong cả nước cho thấy: Năm 2010 có tổng số 411 ca phơi nhiễm HIV. Từ trước cho đến nay, các nhà chuyên môn cho biết, tuy chưa có ca nào bị nhiễm HIV do phơi nhiễm nghề nghiệp, nhưng công tác phòng tránh phơi nhiễm vẫn phải  được hết sức coi trọng.

Khám bệnh cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện 09
Khám bệnh cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện 09
Phơi nhiễm HIV/AIDS – không thể tránh khỏi

Bác sĩ (BS) Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia khẳng định, là BS chuyên môn, khó mà tránh khỏi bị phơi nhiễm HIV nghề nghiệp. Cách đây không lâu, BS Lâm cho biết, một kỹ thuật viên khoa xét nghiệm, Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia bị phơi nhiễm khi đưa ống máu của bệnh nhân (BN) AIDS vào máy xét nghiệm sinh hóa, do sơ ý làm giá đựng huyết thanh va vào thành máy, làm cho huyết thanh trong ống nghiệm bắn vào mặt và mắt. Sau khi tiến hành rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%), xét nghiệm HIV xác định âm tính, kỹ thuật viên này đã được điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng lamivudin + zidovudin.

Mới đây (ngày 28/2/2011), sau khi tiêm thuốc kháng sinh cho một BN đã được xác định nhiễm HIV, điều dưỡng Nguyễn Đăng C, khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Việt Đức cũng đã sơ ý để kim tiêm đâm xuyên qua da (mặc dù có đeo găng) vào đốt 1 ngón 4 tay trái của mình và gây chảy máu. Sau khi được xử lý ban đầu, lập biên bản  thông báo tai nạn nghề nghiệp và xét nghiệm HIV sau phơi nhiễm (âm tính), điều dưỡng C đã được dùng thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.

…ThS.BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (nơi chuyên điều trị và chăm sóc cho BN HIV/AIDS) cũng bị phơi nhiễm HIV trong một tình huống cực kỳ oái oăm. Đó là vào thời điểm năm 1999, khi anh còn làm công tác điều trị cai nghiện cho người nghiện chích ma túy. Trong lúc đang tiêm thuốc cắt cơn cho BN thì BN bị lên cơn vật thuốc nên đã gồng mình, đá chân và gạt tay làm cho xi lanh đang tiêm tĩnh mạch cho BN quay ngược trở lại cắm vào tay của anh.

3 tháng sau đó BS Hưng mới biết BN đó đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối nên đã rất lo sợ và  liên tục đi xét nghiệm HIV. Kết qủa xét nghiệm sau 6 tháng thông báo âm tính mà anh vẫn không tin, cứ nghĩ biết đâu mình đang trong giai đoạn cửa sổ mà chưa phát hiện ra. 1-2 năm sau đó, kết quả xét nghiệm khẳng định vẫn là âm tính anh mới hoàn hồn…

Bình tĩnh xử trí...

BS Nguyễn Tiến Lâm cho biết, các hành vi gây phơi nhiễm HIV trong ngành y tế thường là do sơ ý trong tiêm truyền đường tĩnh mạch hoặc bắp thịt, sơ ý trong lấy máu, làm xét nghiệm, làm các thủ thuật... Bởi vậy, đối tượng dễ bị phơi nhiễm HIV trong ngành y tế thường là: Điều dưỡng trực tiếp chăm sóc, điều trị cho BN HIV/AIDS; nhân viên trong kíp mổ; nhân viên y tế làm việc tại các khoa cấp cứu và điều trị tích cực; nhân viên khoa xét nghiệm giải phẫu bệnh hoặc BS nội khoa làm thủ thuật cho BN AIDS (chọc dịch màng não, chọc dịch màng bụng, màng phổi...). Ngoài ra, trong ngành công an, lực lượng truy bắt tội phạm cũng dễ bị phơi nhiễm với HIV.

Theo bác sĩ Lâm, khi xảy ra phơi nhiễm HIV người bị phơi nhiễm không nên quá lo lắng, mà nên bình tĩnh xử trí theo qui trình sau: Thứ nhất, xử lý vết thương tại chỗ. Cụ thể, để máu chảy tự nhiên, không nặn bóp tránh làm đụng dập tại chỗ vết thương. Sau đó, xối vết thương dưới vòi nước sạch, rửa sạch bằng xà phòng. Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc, nhỏ mắt liên tục bằng nước muỗi sinh lý hoặc xúc miệng, họng bằng nước muối sinh lý. Khi xử lý tại chỗ xong phải báo cáo cho người phụ trách, ghi rõ thời gian, hoàn cảnh xảy ra phơi nhiễm; đồng thời gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ vết thương, xác định mức độ nguy cơ phơi nhiễm và làm làm thủ tục xét nghiệm HIV. Kết quả âm tính sẽ điều trị bằng thuốc kháng virus dự phòng trong thời gian 4 tuần. Sau 3 và 6 tháng cần thử lại HIV một lần nữa. Trường hợp nguồn gây phơi nhiễm chưa biết được tình trạng HIV cần xét nghiệm mẫu máu, dịch cơ thể của người gây phơi nhiễm…

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Lâm khẳng định, cho đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm HIV do nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhà nước đã có chế độ, chính sách rất cụ thể, rõ ràng đối với người bị phơi nhiễm HIV nghề nghiệp hoặc bị nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp. Và, trong năm 2010, BN nhiễm HIV/AIDS nghề nghiệp còn được xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định và đề xuất bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam…

Tuy vậy, “phòng bệnh” vẫn hơn “chữa bệnh”. Theo BS Lâm, để phòng, tránh phơi nhiễm HIV nghề nghiệp cần sử dụng các phương tiện dự phòng phổ cập như mũ, áo, khẩu trang, găng tay, áo choàng, ủng, đeo kính hoặc tấm kính che mặt; thực hiện đúng qui trình thao tác chuẩn trong quá trình làm thủ thuật liên quan tới vật sắc nhọn, máu và dịch cơ thể của BN; sắp xếp nơi làm các thủ thuật y tế gọn gàng, khoa học và thực hiện đúng các qui định về loại bỏ các vật sắc nhọn sau khi sử dụng.

Ngoài ra, để phòng, tránh phơi nhiễm HIV nghề nghiệp, BS Lâm lưu ý, nên cố gắng hạn chế sử dụng thuốc tiêm truyền đối với BN AIDS (Ví dụ, trong phác đồ điều trị lao có streptomycin (là thuốc tiêm) nhưng có thể thay thế thuốc này bằng loại thuốc uống khác); khi chăm sóc BN AIDS nên chọn những dụng cụ hỗ trợ giảm thiếu nguy cơ như dùng kim, bơm tiêm an toàn...

Trà Long

Đọc thêm