Phòng chống nhập lậu đường: Buôn lậu 'trinh sát'… lực lượng chức năng

(PLVN) - Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng cầm đầu các đường dây nhập lậu đường tổ chức “canh” lực lượng chức năng từ trụ sở rồi báo lên biên giới, để ngưng “đánh hàng” vào nội địa, khiến việc kiểm soát mặt hàng này càng trở nên khó khăn. 
Các đường dây buôn lậu thường thu gom bao bì của các thương hiệu đường trong nước để đóng gói, hợp thức hóa cho đường nhập lậu
Các đường dây buôn lậu thường thu gom bao bì của các thương hiệu đường trong nước để đóng gói, hợp thức hóa cho đường nhập lậu

Nhiều “chiêu”…

Tình hình vận chuyển, buôn bán, kinh doanh đường nhập lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, đường nhập lậu chủ yếu qua địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung như Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... Lợi nhuận cao từ mặt hàng này đem lại chính là lý do khiến các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi cách để né tránh lực lượng chức năng, tuồn hàng vào sâu trong nội địa. 

Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng buôn lậu là thay đổi vỏ bao bì, sử dụng bao bì của các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước để vận chuyển đường nhập lậu và nhập vào các cơ sở chế biến, các kho đường nằm sát biên giới. Cụ thể, khi hoạt động các đối tượng thường đóng kín các cơ sở chế biến, các kho đường và tổ chức lực lượng canh gác khá nghiêm ngặt. 

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng từ việc mua đường của các nhà máy đường hoặc các DN kinh doanh đường trong nước để hợp thức hoá nguồn gốc đường nhập lậu. Chúng thường sử dụng những loại hóa đơn này vận chuyển đường nhập lậu nhiều lần hoặc mua bán lòng vòng qua nhiều DN nhằm mục đích hợp thức hóa đường lậu, gây khó khăn cho việc xác định đường trong nước sản xuất và đường nhập lậu.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho hay, với đường cát nhập lậu, các đối tượng còn gia cố, cất giấu kỹ, lẫn lộn đường cát Thái Lan với các hàng hoá khác có hoá đơn chứng từ hợp pháp trên xe tải, xe chở khách để vận chuyển hoặc xé lẻ rồi gùi cõng qua đường mòn, lối mở nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Khi bị bắt giữ, cư dân biên giới sẵn sàng nhận tội nên rất khó tìm ra và xử lý các đối tượng cầm đầu. 

Thậm chí, để vận chuyển đường nhập lậu không bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi tuyến đường, điểm tập kết, thời gian vận chuyển không theo quy luật cụ thể, thường lợi dụng đêm tối, giờ nghỉ trưa, những lúc không có lực lượng chống buôn lậu tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt, chúng còn thuê người theo dõi, “thám thính” ngay từ trụ sở các cơ quan chức năng để tìm cách báo tin cho các đối tượng trong đường dây ở biên giới đối phó.  

Trong nội địa cũng rất khó kiểm soát do đường cát nhập lậu được chia nhỏ sang túi nilon có khối lượng từ 1 - 2 kg để lẫn cùng với hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp bán cho các cửa hàng tạp hoá hoặc người dân để tiêu thụ nên rất khó để tìm ra đường lậu. 

Kiểm soát bao bì để chống “rửa” đường  

Theo đại diện Tổng cục QLTT, hiện nay, lực lượng này tại các tỉnh biên giới Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang vẫn đang tìm mọi cách, phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, chú trọng các địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh nhằm ngăn chặn việc buôn lậu, tàng trữ và vận chuyển đường nhập lậu vào nội địa. 

Trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra các điểm tập kết, điểm bán buôn, phát luồng hàng hoá, các cơ sở đóng gói, kinh doanh đường nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời đường nhập lậu; kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, chế tài xử phạt đối với các hành vi liên quan đến nhập lậu đường nhằm kéo giảm tình trạng mang vác, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu.

Đặc biệt, lực lượng chức năng luôn tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển các loại bao bì cũ của các nhà máy đường trong nước lên khu vực biên giới nhằm sang bao để hợp thức hoá cho đường nhập lậu... Ngoài ra, việc tăng cường công tác trao đổi thông tin về quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, địa bàn trọng điểm buôn lậu, vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu với Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các lực lượng chức năng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng để cũng được tiến hành thường xuyên. 

Ngoài những biện pháp này, Tổng cục còn kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, thiết bị chuyên dùng cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; kiến nghị chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là tại địa bàn biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng không tham gia buôn lậu, vận chuyển đường nhập lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu. 

Đọc thêm