Phòng ngừa hiệu quả bệnh vàng lá, thối rễ ở cây có múi

(PLVN) -Vàng lá, thối rễ là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên cây có múi như cam, quýt, bưởi... Bệnh có khả năng lây lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế nên bà con cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp canh tác, phòng trừ hợp lý.

Bệnh vàng lá thối rễ do nấm Fusarium solani gây hại. Bệnh thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa, ở những vùng đất bị ngập nước, thoát nước kém và phát triển mạnh trên những vùng đất có pH thấp (pH thấp từ 3,9-4,5); những vườn thiếu chăm sóc, sử dụng nguồn cây giống trôi nổi... Ở những vùng đất có tuyến trùng thì bệnh càng trầm trọng hơn.

Biểu hiện bệnh hoàn toàn có thể phát hiện bằng mắt thường. Ban đầu, triệu chứng đầu tiên là lá chuyển màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng khi bị lay nhẹ. Các lá già rụng trước sau đó đến các lá trên. Lúc đầu chỉ có vài nhánh biểu hiện lá vàng, cây vẫn sống nhưng ở phần rễ cây thì bị thối, từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi bệnh nặng, tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.

Biểu hiện bệnh vàng lá trên cây bưởi

Để có biện pháp canh tác hợp lý, bà con cần hiểu rõ nguyên nhân phát sinh bệnh. Theo đó, vườn trồng cây có múi đất phải cao ráo, thoát nước tốt. Nếu vườn thấp phải làm bờ bao để kiểm soát nước trong mùa mưa lũ. Để giảm thiểu bệnh hại, bà con cần chọn cây giống sạch bệnh kết hợp tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thường xuyên cắt bỏ những cành già yếu, sâu bệnh; sớm loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, tiến hành xử lý đất trước khi trồng cây mới.

Vào đầu mua mua, các vườn cần được bón để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Khi cây chớm bệnh, cần cắt bỏ rễ bị bệnh (bôi thuốc vào vết cắt để hạn chế bệnh lây lan) giúp cây phục hồi trở lại; kiểm tra vườn thường xuyên nhằm phát hiện sớm nhất bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, nhằm có biện pháp quản lý kịp thời.

Bệnh vàng lá thối rễ rất khó chữa trị nên bà con cần lưu ý theo dõi vườn và dùng thuốc phòng ngừa bệnh sớm. Hiện nay, hai phương pháp phòng trừ bệnh có thể áp dụng là phương pháp sinh học và phương pháp hóa học. 

Đối với giải pháp sinh học, nhà nông có thể sử dụng thuốc Zianum 1.00WP theo hai thời điểm khác nhau.

Vào đầu mùa mưa, bà còn dùng thuốc Wellof 3 G với hàm lượng 25-50g/gốc, rải quanh vùng rễ cây và tưới ướt đẫm để trừ tuyến trùng và các côn trùng hại rễ. Sau đó, bà con cần bón nhiều phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng hoai mục (20-40kg/gốc) kết hợp với thuốc trừ bệnh Zianum 1.000WP (Trichoderma) với liều dùng 50g/10 lít nước (tưới 5 lít nước/gốc).

Vào giai đoạn giữa mùa mưa, bà con xử lý lần 2 như cách xử lý lần 1. Trong đó, Zianum 1.000WP chỉ sử dụng trong điều kiện bệnh chưa xuất hiện (phòng bệnh) hoặc sau khi xử lý thuốc trừ bệnh (cây bị bệnh) 1 tháng.

 Manozeb 80WP, Bonny 4 SL và Simolex 720WP, các loại thuốc được nhiều nhà vườn tin dùng

Đối với thuốc hoá học, vào đầu mùa mưa, bà con sử dụng thuốc Wellof 3 G tương tự như biện pháp sinh học, sau đó sử dụng thuốc Manozeb 80WP với hàm lượng 20g/gốc.

Vào giữa mùa mưa, bà con tiếp tục sử dụng thuốc Wellof 3 G như lần một, kết hợp Bonny 4 SL và Simolex 720WP theo công thức (10 ml Bonny 4 SL + 15g Simolex 720WP)/5 lít nước/tưới cho 1 gốc. Cuối mùa mưa lại tiếp túc dùng thuốc Manozeb 80WP hàm lượng 20g/gốc.

Đọc thêm