Vẫn biết rằng, Phật giáo đề cao việc phóng sinh bởi phóng sinh là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống như trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện đã dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”. Tuy nhiên, nếu phóng sinh mà thiếu hiểu biết thì sẽ là hành vi gây lỗi với môi trường và trong lịch sử đã từng xảy ra nhiều câu chuyện như vậy.
Biến thiện thành ác vì thiếu hiểu biết
Tại Hồng Kông, trong các dịp lễ Phật đản, Tổ chức Năng Lượng Xanh (Green Power) đã từng đưa ra lời cảnh báo rằng, việc chọn không đúng loại cá để phóng sanh trong ngày Phật đản có thể gây hại nhiều hơn là lợi cho môi trường sống. Ví dụ như việc phóng sinh loài cá mú khổng lồ Sabah. Đây là một loài cá được nuôi trong các trang trại cá ở Malaysia, loài cá này chủ yếu là nuôi để cung cấp thực phẩm cho con người. Nhưng nó đã trở thành một loài sinh vật được nhiều người chọn để phóng sinh vì to và khá rẻ. Nhưng theo Tổ chức Năng Lượng Xanh, nếu phóng sinh loài cá này vào những vùng nước ở Hồng Kông thì sẽ gây bất lợi cho hệ sinh thái ở địa phương vì loài cá này rất háu ăn. Nó phải ăn đến 4kg cá nhỏ để phát triển thêm được 1kg đồng thời có thể cắn người khi đói.
Còn ở Singapore, Ban quản lý Công viên quốc gia Singapore cũng đã nhắc nhở người dân không phóng sinh các loài động vật vào công viên và các khu vực tự nhiên khác. Vì trong số những loài động vật được phóng sinh, có một số loài là những con vật nuôi và chắc chắn chúng khó có thể sống sót trong môi trường tự nhiên. Một số loài động vật khác có khả năng thích ứng với môi trường mới thì có thể phá vỡ cân bằng sinh thái khi chúng cạnh tranh với các loài bản địa về nguồn thức ăn hoặc phát tán các loài virus mới vào tự nhiên.
Về vấn đề phóng sinh gây nguy hại đến môi trường và phóng sinh động vật hoang dã (ĐVHD) Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng đã nhiều lần đề cập. Theo ENV, mua và phóng sinh ĐVHD tại đền chùa theo tín ngưỡng từ lâu đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. ĐVHD cũng thường được nuôi tại đền chùa để làm cảnh. Trong thời gian qua, ENV đã chuyển giao nhiều vụ việc vi phạm về nuôi nhốt trái phép ĐVHD tại đền chùa đến các cơ quan chức năng địa phương. Cụ thể, ngày 15/2/2016, một tình nguyện viên đã thông báo tới ENV qua đường dây nóng về một cá thể rùa núi viền (Manouria impressa) bị nuôi nhốt tại một ngôi chùa ở Thái Bình. Ngày 13/5/2016, cơ quan chức năng đã tịch thu cá thể rùa này (Hồ sơ vụ việc số 9319/ENV). Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất ít những vụ vi phạm tại đền chùa được cơ quan chức năng địa phương xử lý thành công. Rất nhiều vụ việc tương tự đã không được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Theo ENV, nhiều loài rùa trên thực tế khó tồn tại trong môi trường ao chùa. Những loài như rùa núi viền, rùa núi vàng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ. Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng phóng sinh ĐVHD xuống ao chùa là việc thiện thì đây trên thực tế lại là một cách giết hại ĐVHD. Nếu muốn bảo vệ ĐVHD thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên của chúng và đảm bảo chúng không săn bắt. Làm nhiều việc thiện để tích đức cho con cháu bằng cách giúp ĐVHD được sống trong môi trường tự nhiên chứ không phải mua chúng rồi phóng sinh bừa bãi tại nơi cái chết đang chờ chúng.
Cần có hướng dẫn, cảnh báo cụ thể
Trong số cá được phóng sinh xuống sông Hồng ngày 5/2 vừa qua có cá chim trắng Colossoma brachypomum, một loài cá ăn thịt đáng sợ trong họ cá hổ Characidae du nhập từ Nam Mỹ. Loài cá này được đánh giá là mối nguy hại cho môi trường bản địa, bởi với tính háu ăn của mình chúng là nỗi khiếp sợ của các loài lưỡng cư, bò sát và ngay cả một số loài thú nhỏ.
Ở góc độ pháp luật, Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT, ngày 26/9/2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Theo danh sách thì cá chim trắng Colossoma brachypomum thuộc Nhóm 1. Việc nuôi thương phẩm loài cá này đã được khuyến cáo là chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn kỹ lưỡng bằng đê bao, đăng, lưới. Không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và đặc biệt là không được phát triển cá chim trắng ở những vùng nhạy cảm về sinh thái.
Đây không phải là lần đầu tiên môi trường sinh thái của Việt Nam đối diện với nạn xâm hại của động vật ngoại lai, trước đó nạn ốc bươu vàng, rùa tai đỏ đã cho thấy nhiều hậu quả với môi trường. Thời gian gần đây, truyền thông cũng đã nhắc đến câu chuyện tôm hùm đất xuất hiện ở Đồng Tháp là một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Vì thế, thiết nghĩ nên chăng cần có sự hướng dẫn, cảnh báo cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước và sự phối hợp của các cơ sở tôn giáo, các nhà tu hành đối với việc phóng sinh, để không xảy ra tình trạng làm việc thiện mà gây lỗi với môi trường như vậy. Linh Thụy
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên kêu gọi, không mua rùa để phóng sinh vì mua bán ĐVHD sẽ gia tăng tình trạng săn bắt ĐVHD trong tự nhiên; khuyến khích các nhà sư không cho phép phóng sinh ĐVHD tại ao chùa; thông báo đến ENV khi phát hiện các loài ĐVHD bị nuôi nhốt tại đền chùa. ENV sẽ làm việc với các nhà sư và cơ quan chức năng địa phương để xử lý triệt để vấn đề này.