Cả 4 tứ trấn Việt Nam được hình thành và xây dựng theo phong thủy. Không phải các ngôi đền thiêng mà chính các vị thần, thánh ở 3 tứ trấn nổi tiếng: Hoa Lư, Thăng Long và Lạng Sơn mới gánh vác trọng trách trấn giữ các vùng đất thiêng, làm vượng khí các kinh đô, vùng biên ải, tạo dấu ấn tâm linh, hộ dân bảo quốc. Hàng ngàn năm qua, các thánh thần nơi đây được đông đảo người dân thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Trấn yểm bằng thần thánh
Việt Nam hiện có 4 tứ trấn, được xây dựng theo phong thủy, trong đó 3 tứ trấnnổi tiếng là các ngôi đền và các vị thần thánhgồm: Thăng Long, Hoa Lư và Lạng Sơn. Tứ trấn thứ tư thuộc về địa danh, khu vực hành chính là: Trấn Sơn Tây, Trấn Hải Dương, Trấn Sơn Nam và Trấn Kinh Bắc.
Nếu như Thăng Long tứ trấn và Lạng Sơn tứ trấn là 4 ngôi đền, thì tứ trấn Hoa Lư là 4 vị thần. Về nguồn gốc, Thăng Long (Hà Nội) và Hoa Lư (Ninh Bình) là các kinh thành xưa. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam và là quê hương của vị Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh. Suốt 42 năm tồn tại (968-1010), Hoa Lư chủ yếu là đại bản doanh của hai vị vua kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đó cũng là nơi ra đời của một vương triều mới - nhà Lý.
Tượng Đức thánh Trần Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (dân gian gọi Ngài là Đức thánh Trần). |
Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt thời Lý, Trần Lê, Mạc, Lê Trung Hưng (kéo dài qua 8 thế kỷ từ 1010 đến 1788). Còn Lạng Sơn là thành phố trọng điểm nơi biên ải.
Vậy tứ trấn là gì? tại sao đều gọi là tứ trấn lại phân thành hai loại tứ trấn khác nhau? 鎮 (trấn) -từ tiếng Hán có rất nhiều nghĩa, ở đây ta chỉ xem xét các nghĩa sau: Trấn chỉ 1 đơn vị hành chính.
Ngày xưa, một khu đất có từ 5 vạn người trở lên gọi là trấn. Nhà Thanh gọi quan Tổng binh là Tổng trấn. Một cánh quân có đủ 10.562 người gọi là một trấn. Hợp 2 trấn lại (21.124 người) gọi là một quân, bây giờ gọi là sư đoàn. Việt Nam bây giờ vẫn còn tên gọi thị trấn.
Tứ trấn theo địa danh ra đời vào cuối thế kỷ XV, từ đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490), là tên gọi của 4kinh trấn (còn gọi là nội trấn bao quanh kinh thành Thăng Long), còn gọi là Tứ trấn, các xứ khác ở xa hơn gọi là Phiên trấn... Tứ trấn này nằm ở ngoại vi kinh thành như lớp vỏ bảo vệ với:
Trấn Kinh Bắc, bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên sau này, gồm 4 phủ (20 huyện). Trấn Kinh Bắc còn gọi là trấn Bắc hay trấn Khảm (theo phong thủy Bát quái là Thủy - nước)
Trấn Sơn Nam, tương tương các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên sau này, gồm 11 phủ (42 huyện). Trấn lị nằm ở phía Nam kinh thành nên được gọi là trấn Nam, hay trấn Ly (theo phong thủy Bát quái là Hỏa-Lửa).
Trấn Hải Dương, bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An sau này, gồm 4 phủ (18 huyện). Trấn lị nằm ở phía Đông kinh thành nên được gọi là trấn Đông hay trấn Chấn (theo phong thủy Bát quái là Mộc (cây) ứng với Sấm chớp).
Trấn Sơn Tây, tương đương với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Sơn Tây sau này, gồm 6 phủ (24 huyện). Trấn lị nằm ở phía Tây kinh thành nên còn gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (theo phong thủy Bát quái là Kim (vàng) ứng với Đầm, vùng trũng).
Như vậy, các trấn này đều được đặt tên theo Bát quái. Cơ bản Bát quái gồm tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, nghĩa là “tám biểu tượng” là 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo như là đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bát quái không chỉ dừng lại trong phong thủy mà còn được sử dụng, ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực của nền cổ học phương Đông. Tiêu biểu là trong các lĩnh vực thiên văn học, chiêm tinh học, địa lý, giải phẫu học, gia đình và nhiều lĩnh vực khác.
Từ ‘trấn’ còn có nghĩa đen là đè, chặn và nghĩa rộnglà áp chế, đàn áp, canh giữ. Các nghĩa này phù hợp với Hoa Lư tứ trấn, Thăng Long tứ trấn và Lạng Sơn tứ trấn với nghĩa là đè chặn, canh gác và trấn giữ các vùng đất.
Một thuật ngữ trong phong thủy gắn với hai từ trấn yểm, mô tả một phương pháp làm cho cái xấu, hoặc tốt không phát huy được. “Trấn” có nghĩa như trên, còn “yểm” là giấu đi đồng nghĩa với ếm, ém, nghĩa đen là làm cho một đối tượng bị ếm, ém, yểm không phát triển được. Tuy nhiên, “trấn” và “yểm” là hai khái niệm khác nhau. Trấn là đặt các vật khí phong thủy hiện hữu trên mặt đất và nhìn thấy được còn yểm là các vật đó được đem chôn dưới đất, được gói bọc kín.
Ở đây, các tứ trấn đơn thuần là vật khí phong thủy (đền) trấn giữ trên mặt đất, không có bùa chú kỳ bí chôn dưới đất để yểm. 3 tứ trấn Việt Nam là Thăng Long, Lạng Sơn và Hoa Lư được xây dựng trấn giữ 4 phía: Đông, Tây, Nam, Bắc khi các kinh đô, thành phố ra đời nhằm mục đích sử dụng phong thủytrấn trạch, với nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ các vùng đất kinh thành, biên ải xưa.
Tuy nhiên, các ngôi đền chỉ là nơi ở của các thần, thánh, những thiên thần và nhân thần lĩnh trọng trách canh giữ kinh đô, thành phố. Về mặt tâm linh, chính các vị thần, thánh đó mới đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phong thủy các vùng đất. Hàng ngàn năm qua, người dân Việt luôn thành kính thờ cúng các vị thần này. Việc thờ cúng thần thánh mang đậm tín ngưỡng dân gian của người Việt. Và như vậy, với người Việt, 3 tứ trấn nổi tiếng vừa thực hiện nhiệm vụ phong thủy, vừa là nơi thờ thần thánh theo tín ngưỡng dân gian. Tứ trấn còn lại cũng mang ý nghĩa phong thủy là nơi bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa.
Đền thờ và tượng đài Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên vương). |
Tín ngưỡng dân gian trong văn hóa
Những hình thức tín ngưỡng sinh hoạt tâm linh mang mầu sắc bản địa, luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đại bộ phận cư dân Việt. Với 54 tộc người cộng cư, phong tục tập quán, trình độ phát triển xã hội, trình độ dân trí và bản sắc văn hoá của các tộc người rất khác nhau. Điều đó không chỉ tạo ra sự đa dạng văn hoá mà còn tạo ra sự đa dạng tín ngưỡng.
Chừng mực nào đó, văn hoá tín ngưỡng không chỉ làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm, tâm thức và tâm linh của văn hoá mà còn góp phần tạo nên bản sắc và sức sống lâu bền của văn hoá các dân tộc. Mỗi tín ngưỡng đều có nhiều biến thể, trong quá trình biến đổi và giao thoa, được chia thành 4 nhóm chính gồm:
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Thờ cúng tổ tiên gia tộc, dòng họ là một tín ngưỡng cơ bản và phổ biến của người Việt ở mọi vùng văn hoá. Tuy nhiên, không phải dân tộc nào cũng có tín ngưỡng thờ tổ tiên. Mỗi dân tộc lại có sắc thái khác nhau trong tín ngưỡng này.
Tín ngưỡng vòng đời người bao gồm: Tín ngưỡng và nghi lễ liên quan tới sự sinh nở, thờ cúng ông tơ bà nguyệt, thờ bản mệnh, lễ tang ma và thờ cúng người chết...
Tín ngưỡng nghề nghiệp bao gồm: Tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ tổ nghề, thờ thần tài, thờ cá ông.
Tín ngưỡng thờ thần gồm có: Thờ Thành hoàng làng, thờ mẫu, thờ các anh hùng dân tộc, thờ thổ thần (thổ công), sơn thần, thuỷ thần (hà bá, long vương).
Qua đó, ta thấy sự hiện diện của những hình thái sơ khai nguyên thủy như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các tín ngưỡng thờ sinh thực khí, các tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên như Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, chớp), tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ động vật, thờ nhân thần...
Chùa Dâu thờ nhiên thần Pháp Vân (thần Mây). |
Vì vậy, ta có thể phân loại các tín ngưỡng theo cách khác như: Tín ngưỡng phồn thực (Thờ sinh thực khí, thờ việc sinh đẻ và lễ hội phồn thực); Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên (tín ngưỡng thờ động vật, thờ cây cối); Tín ngưỡng thờ người (gồm tín ngưỡng thờ hồn vía, tổ tiên, thờ Tổ nghề, Thành hoàng, giỗ Tổ Hùng Vương, Tiên hiền); Tín ngưỡng thờ Thần; Tín ngưỡng thờ Mẫu (Thờ Tam phủ, Tứ phủ và Tứ pháp).
Việc phân chia này có khác nhau vì thờ Thành hoàng nơi thì thuộc tín ngưỡng thờ thần, nơi thì thuộc tín ngưỡng thờ người. Tuy nhiên, hầu hết các vị thần là các nhân thần, có nguồn gốc là người.
Thời xa xưa, người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc thờ cúng các vị thần tự nhiên (nhiên thần) đã sớm gần gũi với họ. Trên vùng đất mới của buổi đầu lập ấp nơi rừng thiêng nước độc, thiếu cả công cụ, phương tiện lao động, vì thế tôn giáo, tín ngưỡng như một nhu cầu lớn lao, là chỗ dựa về mặt tinh thần không thể thiếu để chống chọi lại bao tai ách, biến động của tự nhiên và xã hội. Con người tin vào thần linh, có thể là linh hồn người chết, cây cối, con vật hay bất kì thứ gì trong tự nhiên. Từ sự sợ hãi với thiên nhiên, dần người ta sinh ra sự sùng bái và tin tưởng, tín ngưỡng dân gian hình thành.
Tín ngưỡng bản địa Việt Nam chủ đạo là tín ngưỡng đa thần với đặc trưng sùng bái vật linh. Bắt nguồn từ tín ngưỡng ấy nên ở khắp các cộng đồng cư dân, người ta thờ cúng thần tự nhiên, đó là các thần động vật với nhiều chủng loại khác nhau, trong đó có thần thuộc thế giới bầu trời như: các loài chim thần, có thần thuộc thế giới mặt đất với các loài vật linh như: hổ, trâu, gà, gấu; có thần động vật thuộc thế giới mặt nước như: rắn, giải, giao long, thuồng luồng, rồng, rùa, cá; các loài thực vật được linh thiêng hóa thành thần như: cây cối, hạt lúa, hạt ngô, củ khoai, quả bầu; các dạng vật linh như: nước, đất, đá, rừng, núi, lửa; các hiện tượng linh như: mây, mưa, gió, sấm, chớp, sóng...
Các câu chuyện kể về những vị thần tự nhiên này đã tạo ra một hệ thần thoại hết sức phong phú. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian và trải qua chiều rộng của không gian, các truyện kể này không còn nguyên hình, nguyên dạng như khởi nguyên nữa, một bộ phận nhân vật nhiên thần không nhỏ đã có sự chuyển hóa thành nhân thần và nửa nhiên thần, nửa nhân thần. Sự chuyển hóa đó làm cho biến đổi về mặt thể loại của truyện cổ, thể loại thần thoại đã được truyền thuyết hóa một cách mạnh mẽ.
Hơn nữa, Việt Nam lại là ngã ba đường nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Hai yếu tố đó làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng.
Tính đa thần ấy không chỉ biểu hiện ở số lượng lớn các vị thần mà các vị thần ấy cùng đồng hành trong tâm thức một người Việt. Điều đó dẫn đến một đặc điểm của đời sống tín ngưỡng - tôn giáo của người Việt đó là tính hỗn dung tôn giáo. Vì vậy, phần đông người Việt không là tín đồ thành kính của riêng một tôn giáo nào. Một người vừa có thể đến chùa, vừa có thể đến đình, đền, phủ, miếu... miễn là việc làm ấy mang lại sự thanh thản về tinh thần cho họ.
Và như vậy, tín ngưỡng dân gian là tập hợp những niềm tin hình thành và phản ánh ước nguyện của một cộng đồng người. Các tín ngưỡng này dựa trên các quan niệm nhân gian. Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người và của cộng đồng người ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một thái thiêng liêng, cái cao cả, cái đáng sùng kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó.
Tín ngưỡng và tôn giáo có sự khác biệt nhau về hình thức và trình độ tổ chức. Đặc điểm này không chỉ quy định sự khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo, mà còn xác định bản chất và đặc trưng dân gian của tín ngưỡng. Về bản chất, tín ngưỡng khi chưa thành tôn giáo sơ khai hay tôn giáo dân gian thì bản thân nó là tín ngưỡng dân gian. Dù không có tổ chức nhất định nhưng số lượng người tin theo tín ngưỡng dân gian lại chiếm đa số.
Độc đáo tín ngưỡng thờ thần thánh
Tục thờ thần, thờ thánh thể hiện tính chất tín ngưỡng đa thần đã có từ xa xưa. Hai chữ thần thánh được nhiều người nhắc nhưng thực tế dù có tra cứu từ điển, cắt nghĩa thì khái niệm này cũng vẫn mông lung, mơ hồ. Thần hay thần linh là hữu thể có tính chất thần thánh hoặc linh thiêng.
Covington Scott Littleton - nhà nhân chủng học người Mỹ, Giáo sư và Chủ nhiệm Khoa Nhân học tại Cao đẳng Occidental, chuyên gia về Thần thoại Ấn - Âu và Thần đạo định nghĩa rằng thần “là hữu thể có năng lực lớn hơn người phàm, nhưng tương tác với con người, theo cách tích cực hay tiêu cực, mang con người tới một tầm mức nhận thức mới, nằm ngoài những suy nghĩ của cuộc sống phàm trần”.
Còn trong Từ điển Tiếng Việt, Giáo sư Hoàng Phê định nghĩa: “Thần” là “lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ, coi là linh thiêng, có sức mạnh và phép lạ phi thường, có thể gây họa hoặc làm phúc cho người đời, theo quan niệm mê tín hoặc theo quan niệm tôn giáo”.
Khái niệm Thánh, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam là danh hiệu để chỉ những người tài giỏi, sáng suốt, đức độ, có công trạng, sau khi qua đời, những người đó được thờ cúng coi như các vị thần linh. Đạo Khổng tôn Khổng Tử là Thánh. Đạo giáo gọi đức Trần Hưng Đạo, Mẫu Liễu Hạnh là Thánh. Dân gian đã tạo ra tín ngưỡng rồi lấy chính tín ngưỡng đó làm chỗ dựa để tạo ra sức mạnh tinh thần, niềm tin cho chính mình.
Ở Việt Nam thời xưa, nhà vua thường có tục phong thần, nhất là thần Thành hoàng cho các bậc tiền nhân có công với nước. Các vị thần này cũng cùng gốc như Thánh nhưng không rõ vì sao lại gọi là thần, nên thường có một thuật ngữ ghép là thần thánh. Theo tín ngưỡng dân gian, trong một số trường hợp, nếu một người nào đó xúc phạm đến nơi thờ cúng, đến các thánh thần sẽ bị Thánh trừng phạt (Thánh vật), người nhà phải dâng lễ tạ tội mới mong qua khỏi.
Thần có 3 loại là thiên thần, nhân thần và nhiên thần. Thiên thần là thần trời thường có nguồn gốc do trời, thần thánh sinh ra hay là con của Ngọc Hoàng thượng đế như Phù Đổng Thiên Vương, mẫu Liễu Hạnh... Các thần này còn được gọi là thánh. Thiên thần có nhiều trong truyền thuyết được thờ rất nhiều ở Việt Nam. Sơn thần (thần núi) và Thủy thần (thần sông, đầm lầy, thần biển) được thờ nhiều hơn cả. Trong số Sơn thần thì thần núi Tản Viên có địa vị cao nhất.
Trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, và ở những vùng trũng, vùng ven biển... có tục thờ Thủy thần. Thủy thần được thờ phổ biến là Long Vương (Vua Rồng), như Đông Hải Long vương, Nam Hải Đại vương, Sát Hải Đại vương. Một nữ Thủy thần cũng được thờ là Ngọc Thủy Tinh công chúa, liên quan đến Thủy thần là các thần cá, thần rắn.
Thành hoàng của xã Phù Sa (Hưng Yên) được phong với tên nôm na khá dài Đương Cảnh Thành hoàng Đức Vua Rí Cửa Cống vốn là một con cá chép. Nhiều ngôi đình làng ven biển miền Trung, miền Nam có tục thờ cá voi mà người dân kính cẩn gọi bằng cá Ông, dưới tên gọi Đông Hải Đại Vương...
Nhân thần bao gồm các vị vua, hoàng hậu, quý phi... các vị anh hùng, các nhân vật lịch sử của Quốc gia như Lý Bôn, Đinh Tiên Hoàng... Những người có công với đất nước trong việc chống giặc ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định....
Nhân thần còn là các nhân vật lịch sử địa phương, từ các vị văn thần, võ tướng, các nhà khoa bảng, nhà ái quốc, các tổ nghề, tổ khai cơ, khai canh, có công mở mang các vùng đất mới như Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Cư Trinh, Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương là 2 ông hoàng con vua Lý Thái Tổ... đến những người thường sau khi chết được tôn làm thần...
Ngoài phúc thần là thiên thần và nhân thần, người dân khi xưa cũng còn thờ những hiện tượng tự nhiên thường gây tai họa cho con người khiến họ sợ hãi gọi là nhiên thần, như Mây, Mưa, Sấm, Chớp, với hình thức nữ thần. Chùa Dâu thờ Pháp Vân (Mây) nên gọi là Bà Dâu. Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Mưa) nên gọi là Bà Đậu. Chùa Tướng thờ Pháp Lôi (Sấm) nên gọi là Bà Tướng. Chùa Dàn thờ Pháp Điện (Chớp) nên gọi là Bà Dàn.
Ngày xưa trong dân gian còn thờ tà thần hay yêu thần, gồm những thần như thần ăn trộm, ăn cướp, thần ăn mày, thần gắp phân, thần dâm bôn... Những thần này thường không rõ tên tuổi, chỉ thấy sách vở ghi chép có khi đi ăn trộm, ăn cướp bị dân làng đánh chết, khi chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ...
Cùng với tín ngưỡng phồn thực thờ sinh thực khí (nõ nường, chày cối) là những tín ngưỡng nguyên thủy rất rõ nét còn sót lại trong dân gian, người Việt còn thờ các dâm thần.
(Còn nữa)