Các vị thần trong văn hóa làng
Văn hoá Việt Nam xét về bản chất là nền văn hoá xóm làng. Làng Việt Nam từ lâu đã là nơi sinh ra và bảo lưu văn hoá làng - văn hoá dân tộc. Cho đến nay, văn hoá làng vẫn tồn tại trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hoá dân gian...
Theo tín ngưỡng dân gian, làng ở Việt Nam thờ Thần làng và Thành hoàng. “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, thường thì mỗi làng chỉ có một Thành hoàng (nhưng cũng có khi một làng thờ hai, ba vị hoặc hai ba làng thờ một vị). Chẳng hạn, làng Bình Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại thờ tới hai vị Thành hoàng là Lạc Long Quân và Linh Lang Đại vương. Các làng Bảo Tháp, Cứu Sơn, Yên Việt, Hương Vinh, Hiệp Sơn (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), làng Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng thờ Lê Văn Thịnh. Các làng Lũng Khê, Thanh Tương, Tam Á, Đề Cầu huyện Thuận Thành; làng Đại Trung huyện Tiên Du, Bắc Ninh cùng thờ Sỹ Nhiếp...).
Do có chung một thành hoàng, nên những làng đó kết chạ với nhau. Từ tục kết chạ, các làng lại xuất hiện tục lệ đón rước, tiếp đãi chạ anh - chạ em và những phong tục giao tiếp, ứng xử, quan hệ giữa các thành viên của hai chạ.
Số lượng thần làng còn nhiều hơn. Có làng thờ tới 10 thần làng như hai làng Yên Định và Hiền Lương, huyện Phú Lương, Bắc Ninh. Theo PGS. Nguyễn Duy Hinh, phổ thần làng bao gồm: Thần Tự nhiên (nhiên thần), thần Người (nhân thần) và thần linh tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo). Nhưng không phải làng nào cũng có đủ 3 hệ thần linh đó.
Thần hoàng hay Thành hoàng thường được người dân và một số nhà nghiên cứu đồng nhất là một. Tuy nhiên, theo cố nhà văn Sơn Nam, gọi “Thành hoàng” ra “Thần hoàng” là sai nghĩa, vì “thần hoàng” chỉ có nghĩa là một nghi lễ “đốt tờ giấy vàng”, tức đốt bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho cha mẹ, ông bà đã qua đời của quan chức cao cấp thời phong kiến (tục này ở Nam Bộ không có). Trên thực tế, các văn bản chữ Hán đều ghi rất rõ là Thành hoàng nhưng người dân khi phiên ra tiếng Việt ghi chú tại các đình, đền, miếu đổi thành Thần hoàng.
|
Trong sách “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính xếp lễ Thần hoàng vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thành hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, để phân biệt Thần hoàng và Thành hoàng.
Thành hoàng thường được thờ ở đình, miếu hay nghè tuy nhiên đôi khi có nơi thờ Thành hoàng ở chùa theo mô típ “Tiền thần hậu phật”. Với quan điểm “Tam giáo đồng nguyên” (ba đạo giáo một nguồn) nên nhiều vị chân tu đắc đạo vẫn được phong thần như: Đại pháp thiền sư Từ Đạo Hạnh (chùa Thầy, Hà Nội) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Từ; Không Lộ thiền sư (chùa Keo, Thái Bình) được phong làm Thánh tổ, tục gọi là đức Thánh Không Lộ; Huệ Tộ thiền sư (chùa Cổ Tung, Nam Định), được phong làm Dực Bảo Trung Hưng - Linh phù tôn thần, tục gọi là đức Thánh Tu...
Với Thành hoàng ở Nam Bộ, đa số thần đều không phải là vị thần cụ thể, có tên họ, sự tích rõ ràng (như các vị thành hoàng ở nơi khác, là nhân thần hay thiên thần). Do không xác định danh tính nên trong đình làng, ngay chính điện, chỉ thờ một chữ “Thần”. Tuy vậy, vị thần này (Thành hoàng) được vua ban cho những mỹ hiệu rất đẹp như “Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng” (rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ)...
Khác với Thành hoàng Trung Quốc, Thành hoàng nước ta có chức năng Hộ quốc, Tí dân. Trong đó, chức năng Tí dân là chức năng cơ bản, là căn cứ để dân làng thờ Thành hoàng.
Xuất phát từ Thần làng, Thành hoàng làng là một trong những thành tố văn hóa mà người nông dân Việt Nam đã sáng tạo ra qua bao nhiêu thế hệ, là vị thần được một cộng đồng dân cư tôn vinh, tôn thờ để phù hộ, độ trì, che chở và cao hơn là ban phúc cho cộng đồng cư dân của một làng. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi làng.
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng là sự phóng to của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, cũng là sự thu nhỏ của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Nếu như sự thờ cúng gia tiên là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong gia đình, thì sự thờ cúng thần Thành hoàng là nền tảng gắn kết mọi thành viên trong cộng đồng làng, xã. Trên cơ sở những nguyện vọng, mong ước của các thành viên trong làng hội tụ ở thần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “sự thờ phụng Thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng”.
Thần tích Thành hoàng: Truyền thuyết hay Đạo giáo?
Thành hoàng thờ ở làng có từ thời Trần. Sang thời Nguyễn, miếu thờ Thành hoàng được lập ở kinh đô Huế vào năm 1809 và ở các tỉnh từ năm 1841. Việc thờ Thành hoàng dưới thời Nguyễn phát triển mạnh, có quy củ theo luật lệ triều đình, trở thành nét tín ngưỡng không thể thiếu của làng Việt, với 6 loại thần: Thiên thần, Thổ thần, Sơn thần, Thủy thần, Dương thần, Âm thần, được liệt vào ba hạng: Thượng đẳng, Trung đẳng, Hạ đẳng.
Việc phân chia thứ hạng dựa vào công trạng mà các thần đã âm phù giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành hoàng. Theo đó, Thượng đẳng thần gồm các vị thần tự nhiên như thần Sông, thần Núi, thần Đất; các bậc thiên thần có sự tích linh dị như Tản Viên Sơn thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử; nhân thần gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ (như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng). Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách nên được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần.
Trung đẳng thần là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp, có ơn với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm Trung đẳng thần.
Hạ đẳng thần là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm Hạ đẳng thần.
|
Thành hoàng làng ở Việt Nam về cơ bản trở thành Thành hoàng vì được sắc phong bởi các triều đình phong kiến. Hiện nay, các đình, miếu thờ thần tại các làng trong toàn quốc đều có Thần phả, còn gọi là Ngọc phả. Đây là cuốn sách ghi chép sự tích các vị thần được thờ (Thần tích). Thần tích phần lớn do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính sưu tập và soạn thảo vào năm Hồng Phúc (1572) đời vua Lê Anh Tông. Sau này được Quản giám bách thần, Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép lại vào đời Lê Vĩnh Hựu (1735-1739). Ngoài ra, có một số thần phả xuất hiện vào đời vua Tự Đức (1848-1882).
Đại đa số sự tích về Thành hoàng làng đều là những truyền thuyết. Sau này những truyền thuyết ấy được các địa phương ghi chép, lập biểu tâu về triều đình và trở thành văn bản chính thức được Nhà nước công nhận bằng các sắc phong. Qua khảo sát các bản Thần tích có thể thấy chúng có cốt truyện gần giống nhau. Mô-típ của các câu chuyện thường là: Thành hoàng được sinh ra trong một gia đình có bố mẹ nghèo, ăn ở phúc đức, hay làm điều thiện nhưng có con muộn. Hay bà mẹ đi cầu tự, hoặc nằm mộng gặp thần nhân, hoặc ra đồng ướm chân vào vết chân thần, rồi về thụ thai, mang thai nhiều tháng hơn người bình thường.
Đứa trẻ được sinh ra trong ánh sáng lạ hoặc hương thơm đặc biệt, có tướng mạo đặc biệt và mồ côi sớm; có sức khỏe và có tài văn võ khác thường. Được nhà vua biết đến và được cử đi (hoặc xung phong) đi đánh giặc và giành được chiến thắng; được nhà vua phong thưởng. Vị tướng đó sau khi thắng trận, về thăm quê hương, gặp gỡ các vị phụ lão, tặng thưởng vàng bạc cho làng rồi hóa. Thành hoàng sau khi hiển thánh, lại giúp vị tướng trong những lần chống giặc sau đó và cuộc chiến đấu nhờ đó giành thắng lợi...
Những sự tích linh dị, hoang đường biến những câu chuyện lịch sử thành truyền thuyết văn học. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất thân của các Thành hoàng làng trong các Thần tích có nhiều điểm tương đồng với xuất thân của thần tiên trong Đạo giáo. Đó là sinh ra các gia đình nghèo, cuộc sống vất vả, phải trải qua bao nhiêu hoạn nạn, gian nan, thử thách sau đó mới được thánh nhân ban phép giúp dân, giúp nước.
|
Trong quan niệm của Đạo giáo, thần tiên là những người bất phàm (không phải người thường), những người có phép thuật có thể hô mưa, gọi gió, biết bay lượn, cưỡi rồng mây lên cõi trời, hoặc là những tiên nữ xinh đẹp, tiếng cười như suối chảy. Người bất phàm có nguồn gốc từ người phàm hóa tiên hay từ tiên được đầu thai thành người do phạm lỗi bị đày xuống trần gian.
Các thần tích Thành hoàng đều kể rằng những nhân vật được phong làm Thành hoàng có nhiều quyền năng. Thành hoàng được sinh ra từ những yếu tố kỳ dị như ánh sáng chui vào miệng, trước khi sinh ra trời đất biến động khác thường, khác với cách sinh của người thường. Họ có thể làm những việc mà người thường không thể làm được như xuất thánh nhập thần, hô mưa gọi gió, chữa bệnh cứu người.
Không gian và thời gian của Đạo giáo khó được xác định cụ thể. Chỉ cần một cơn gió nổi lên, đất trời mù mịt là thời gian có thể dịch chuyển được hàng chục năm. Ta tìm thấy sự tương đồng này trong các thần tích. Như các Thành hoàng có thể đi lại từ thời gian này sang thời gian khác trong chớp mắt. Nhiều nhân vật xuất hiện từ thời Hùng Vương nhưng có thể vượt qua không gian và thời gian để hội ngộ hàng trăm năm sau.
Theo Thần tích thần Quý Minh- Bảo Hựu (Thành hoàng làng Đông Xá, Hà Nội), vào thời Hùng Vương, quận Hải Dương có hai anh em là Cao Hành và Cao Bân là người nhân đức, luôn làm việc thiện nhưng ngoài 60 tuổi rồi mà vẫn chưa có con. Một hôm, hai anh em đi tới chân núi thì gặp một thầy phong thủy chống gậy trúc, tóc bạc phơ. Ông già bí hiểm này đã dẫn hai anh em lên núi Thu Tinh rồi chỉ cho hai người huyệt mộ tốt trong hang. Hai anh em về dời mộ tổ chôn vào chỗ ông già chỉ. Sau đó, vợ Cao Bân nằm mộng thấy rồng bay trên trời, còn vợ Cao Hành mơ điềm rồng vàng lấy nước rồi hai bà mang thai. Hai người đều mang thai 14 tháng, rồi vợ Cao Bân sinh Hiển Qúy Công tức thần Quý Minh. Còn Thánh núi Tản Viên (còn gọi là Tùng, có nơi gọi là Tuấn) do vợ Cao Hành sinh sau đó một năm.
Khi cha mẹ mất, hai người được nhận làm con nuôi của Ma Bà, Ma Công trên núi Lăng Sương. Tùng được Sơn thần ban cho cây gậy thiêng để giúp đời. Nhờ gậy này, Tùng cứu được con trai của Long Vương, được Long Vương cho mượn Ước thư trở lại trần gian. Có sách này, Tùng có thể hô mưa, gọi gió, xuất thánh, nhập thần, giữ núi thiêng non Tản.
Bi hài Tà thần làm Thành hoàng làng
Tín ngưỡng Thành hoàng thực chất là tín ngưỡng phúc thần, đóng vai trò liên kết cộng đồng người. Thành hoàng làng có nhiều nguồn gốc, có thể là nhân thần, có thể là nhiên thần, nhưng tựu trung lại là các vị thần đã được lịch sử hóa hay huyền thoại hóa. Trở thành Thành hoàng làng là do vua sắc phong. Triều đình qua nhiều lần xét chọn, phân loại thần thành Chính thần (Phúc thần) thì làng đư¬ợc phép thờ, được phong sắc. Các thần chết bất đắc kỳ tử, thần ăn mày, ăn trộm, gắp phân... là loại hèn hạ bị xếp là Tà thần, Yêu thần bị loại bỏ. Vì vậy, dân gian đã thờ phụng các Tà thần dư¬ới một danh hiệu nào đó để tránh truy xét.
Theo PGS.Nguyễn Duy Hinh, Tà thần “là những vị thần không được ghi vào tự điển, không có phong tặng, do người dân một số nơi tin tưởng mà thờ cúng, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết... Các hạng thần này gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần...”. Có làng thờ ông ăn mày, thờ người chết đuối, người chết bất đắc kỳ tử, tên ăn trộm bị dân làng đánh chết... sau khi sự việc xảy ra thì làng bị “động” nên phải thờ.
Ví dụ thần ăn mày trở thành Thành hoàng ở làng Thư Lan (Hà Nam); thần ăn trộm ở làng Lộng Khê (Thái Bình); thần gắp phân ở làng Cổ Nhuế (Hà Nội)... Theo cách giải thích của dân gian thì những vị thần này ngoài những khả năng khác thường, họ còn được thờ cúng bởi chết vào các giờ “thiêng”. Lúc đầu do sợ hãi mà dân làng thờ cúng sau lâu dần họ được thờ cúng nhằm giúp dân làng xua đi rủi ro, bảo trợ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng làng.
Nhưng có khi Thành hoàng chỉ là một người dân mà theo quan niệm, là người được các vị thần ban cho sứ mệnh để sau này thay họ cai quản làng xã, được gọi là Thành hoàng sống. Theo GS.Vũ Ngọc Khánh, qua khảo sát có hai thành hoàng còn sống. Người thứ nhất là ông chăn dê Nguyễn Đình Cận. Người thứ hai là Phó bảng Hoàng Mậu.
Sách Quỳnh Đôi Hương biên viết rằng, vào khoảng năm 1894-1895, ông Hoàng Mậu thi đỗ Phó bảng làm quan. Khi ông về hưu thì làng Yên Lai (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bị “động”. Dân làng đi xem bói, thầy bói nói Thành hoàng làng đã xuất ngoại phải mời ông Hoàng Mậu làm Thành hoàng. Do đó, quan Phó bảng được người làng tôn vinh. Tuy nhiên, sau thủ tục cúng tế công nhận Thành hoàng của làng, ông Hoàng Mậu chuyển về sinh sống ở quê là làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Khoảng năm 1938 đến năm 1940, ở xóm Dinh, thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có ông Nguyễn Đình Cận làm nghề nuôi dê lấy sữa. Hàng ngày ông dẫn đàn dê đến chăn ở khu đồi làng Khai Quang. Mỗi lần ông đi qua đình làng thì ngai thờ Thành hoàng đổ nhào về phía trước. Nhiều lần như vậy, ông Thủ từ lấy làm lạ nên chú ý đến chuyện không bình thường này. Khi nghe Thủ từ báo cáo sự việc kỳ lạ, Hương chức cùng các vị bô lão trong làng đã họp bàn, làm lễ khấn xin thần linh báo mộng để dân làng biết lý do việc ngai của thành hoàng đổ. Thần linh báo mộng rằng: Thành hoàng cũ được Thượng đế chuyển sang làm việc khác và chỉ định ông Nguyễn Đình Cận thay thế. Sau đó, làng làm lễ đón ông Cận về thờ.
Không chỉ có vậy, nhiều làng còn thờ thần Rắn, thần Cẩu... làm Thành hoàng làng. Đền thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực, Nam Định) thờ Rắn hổ mang với thần hiệu: “Đương cảnh Thành hoàng hổ mang Đại vương”. Tương tự, di tích đền Kinh Hạ, thành phố Hà Tĩnh cũng có tục thờ thần Rắn làm Thành hoàng làng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường và Hồ Tường phát hiện ở Nam Bbộ có Thành hoàng mua. Các làng muốn có Thành hoàng chỉ cần có đơn gửi triều đình Huế đơn xin phong Thành hoàng kèm theo một mandat 2 đồng bạc thì được cấp sắc phong. Một làng ở Thái Bình còn mời ông Công sứ Pháp làm Thành hoàng làng nhưng ông này không nhận.
Hiện nay phần nhiều di tích đều bị mất thần tích và nhiều địa phương đang tìm cách để khôi phục lại. Tuy nhiên, nhiều làng đã làm méo mó lịch sử bởi bệnh “sính” sự tích nhân thần có công với nước. Làng Bạch Liên, xã Phương Liên (huyện Thường Tín, Hà Nội) vốn thờ vị Cao Hiển đại vương (Cao Biền), nhưng sau đã rước Đức thánh Trần về thờ.
Cùng tổng với Bạch Liên, làng Hạ Hồi cũng thờ Cao Hiển đại vương nhưng vì không còn thần tích, nên đã xin một bản sao thần tích Cao Sơn đại vương để làm hồ sơ xếp hạng di tích. Làng Duyên Hà cùng tổng cũng thờ thần Cao Hiển này và cũng sao một bản thần tích Cao Sơn đại vương giống như ở Hạ Hồi để khai sinh Thành hoàng mới, nhưng dân làng không đồng ý mà vẫn thờ vị Cao Hiển như cũ.
Theo PGS Nguyễn Duy Hinh, làng Nổi (xã Văn Phú, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) thờ nữ tướng Phạm Thị Lương đánh giặc hy sinh được phong là Lương Lang công chúa. Trong nội cung thờ một bộ cối chày bằng đá. Khi tế thần, ông Tiên chỉ của làng cầm chày đâm vào cối. Sau làng có nhiều con gái chửa hoang nên làng mời thầy phù thủy về làm phép trục xuất thần đi, mời Đoàn Thượng về thờ.
(Còn nữa)