Phong tỏa tài khoản để tài sản nhà nước không rơi vào túi cá nhân

(PLO) - Hiện Luật Thanh tra đã quy định thẩm quyền của phong tỏa tài khoản của các đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản song chưa được thực hiện đầy đủ vì thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và các vấn đề pháp lý liên quan trong nghiệp vụ ngân hàng trong các trường hợp này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: "giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài"

Chia sẻ về những kế hoạch, chương trình công tác thanh tra năm 2016 nhân 70 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra (23/11/945 – 23/11/2015), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, hoạt động thanh tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài, hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường thu hồi tài sản do phạm tội mà có
Trong đó, để nâng cao hiệu lực xử lý sau thanh tra, hiệu quả của hoạt động thanh tra, tới đây, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ ký Thông tư liên tịch hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản; không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không chỉ nhằm thu hồi tài sản, mà còn đảm bảo công bằng xã hội khi không để tài sản nhà nước rơi vào túi cá nhân.

Hiện Luật Thanh tra đã quy định thẩm quyền của phong tỏa tài khoản của các đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản song chưa được thực hiện đầy đủ vì thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục và các vấn đề pháp lý liên quan trong nghiệp vụ ngân hàng trong các trường hợp này.

Liên quan đến việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản tham nhũng, giải đáp thắc mắc của cử tri gửi đến QH về việc tài sản tham nhũng thu hồi ít (mới đạt khoảng 23% tổng giá trị tài sản tham nhũng), Thanh tra Chính phủ thừa nhận, việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đạt hiệu quả thấp.  
Nên để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tội phạm tham nhũng, qua đó ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, Thanh tra Chính phủ xác định cần hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản. Cùng với đó cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng thu hồi tài sản, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm tra…
Quyết liệt xử lý tham nhũng
Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, để từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm.
Giải pháp nữa được chú trọng là xây dựng hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập, phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng... mà trọng tậm là sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005. "Dự kiến trình QH cho ý kiến lần đầu vào tháng 10/2016 để năm 2017 có Luật phòng, chống tham nhũng được sửa đổi toàn diện" - Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin thêm.
Sau lần sửa đổi này, dự kiến Luật phòng, chống tham nhũng sẽ có một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho đất nước, hạn chế, triệt tiêu mục đích kinh tế của đối tượng tham nhũng.
Cần Luật trưng cầu ý dân làm cơ sở giải quyết khiếu nại, tố cáo
Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) vẫn có những hạn chế mà theo phản ánh của cử tri gửi đến QH khóa XIII là tình trạng KNTC kéo dài, giải quyết đơn thư khiếu nại còn chậm và nhiều sai sót gây bức xúc và ảnh  hưởng đến quyền lợi của người dân, một số trường hợp chưa mạnh dạn sửa sai...
Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Chính phủ và thanh tra 45 Bộ, ngành, địa phương đã triển khai 529 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết KNTC tại 1.078 cơ quan, đơn vị, phát hiện 147 đơn vị vi phạm.
Kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 154 tổ chức, 296 cá nhân, xử lý hành chính 5 tổ chức và 9 cá nhân có vi phạm. Qua đó, chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại và kiến nghị xử lý vi phạm trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC.
Tuy nhiên, tình trạng KNTC, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, kéo dài đang là vấn đề nan giải, liên quan đến nhiều nội dụng thuộc phạm vi trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội. Còn nhiều trường  hợp KNTC, kiến nghị, phản ánh về những chủ trương, đường lối, văn bản quy phạm pháp luật song hiện đang thiếu cơ chế pháp lý để xử lý. 
Theo Thanh tra Chính phủ, để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài việc hoàn thiện các văn bản có liên quan trực tiếp đến nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh thì cần  có Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình làm cơ sở cho việc giải quyết. 
Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường chỉ đạo thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ về giải quyết KNTC. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết đĩnh xử lý tố cáo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết KNTC.
Trong nhiệm kỳ 2011-2015, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 14.256 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 6.071 tỷ đòng, 66.900 ha đất. 
Qua thanh tra đã phát hiện hiện 441 vụ tham nhũng, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3ha đất.
Kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu, chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Đọc thêm