“Bắn tỉa” rừng vào đêm khuya
Cuối tháng 10/2017, chúng tôi về thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh tìm hiểu thông tin rừng phi lao ven biển nơi đây đang từ từ “chui” vào lò hầm than. Đi dọc tuyến quốc lộ 19B - trước kia là đường trục Khu kinh tế
Nhơn Hội - chúng tôi không thấy dấu hiệu khác thường; rừng phi lao ven 2 bên đường vẫn xanh tốt, yên ắng. Thế nhưng, khi vào sâu bên trong rừng, về hướng Đông khoảng 150m - 200m, chúng tôi phát hiện hàng trăm cây phi lao đã bị chặt hạ tận gốc. Trong đó, hầu hết là các cây có
đường kính gốc từ 5cm - 10cm; ngoài ra, cũng có một số cây khá lớn, đường kính gốc khoảng 20cm - 30cm. Các đối tượng không chặt cây phi lao tại một vị trí tập trung, mà thường chặt theo kiểu “da beo”, rải rác nhiều nơi với số lượng từ 3 - 5 cây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực rừng phi lao ven biển đã và đang bị chặt phá thuộc khoảnh 3, tiểu khu 281b, tọa lạc tại thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh). Khu vực này có diện tích hơn 55ha - nằm giữa 2 khu đất đã được UBND tỉnh cho Công ty TNHH Một thành viên Thanh niên Bình Định và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu thuê để triển khai dự án du lịch - do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Phù Cát quản lý, bảo vệ. Người chặt phá rừng hầu hết ở thôn Phú Hậu; lợi dụng nhà ở gần rừng nên khoảng từ 9 giờ đêm đến 3 giờ sáng, các đối tượng lén vào rừng chặt cây, cắt thành khúc ngắn rồi chở về nhà hầm than.
Ông T., trú xã Cát Chánh - người nhiều năm tham gia công tác bảo vệ rừng phi lao ven biển, tiết lộ: “Có khoảng 20 người dân ở thôn Phú Hậu thường xuyên vào rừng chặt phi lao mang về nhà hầm than; họ thường đợi lúc đêm khuya mới làm. Chúng tôi biết tên, biết mặt hầu hết những người này nhưng do không thể phát hiện, bắt quả tang nên chẳng làm gì được. Khi chúng tôi báo cho địa phương và ngành chức năng, những người này còn có lời lẽ chửi bới, hăm dọa”.
Khó ngăn chặn, xử lý
Ông Đinh Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Chánh nhìn nhận: Các lò hầm than ở thôn Phú Hậu và thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) hàng ngày vẫn hoạt động và sử dụng nguyên liệu chủ yếu là gỗ phi lao. Thế nhưng, chính quyền địa phương và ngành chức năng khó xử lý vì chưa có cơ sở chứng minh đây là nguồn nguyên liệu do người dân chặt trộm. Bởi thời gian gần đây, một số đơn vị được tỉnh cho thuê đất tại khu vực rừng dương ven biển triển khai thi công mặt bằng. Quá trình làm, họ được phép chặt một số cây phi lao; sau đó bán lại cho người dân địa phương có nhu cầu sử dụng. Điều này khiến việc chứng minh đâu là nguồn phi lao hợp pháp, đâu là nguồn bất hợp pháp rất khó khăn.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thu Công, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Cát cho biết: BQLRPH huyện ký hợp đồng giao khoán với 2 cá nhân ở thôn Phú Hậu để quản lý, bảo vệ rừng; ngoài ra, cán bộ của Ban thường xuyên trực tiếp về địa bàn phối hợp làm nhiệm vụ. Tổ bảo vệ rừng tuần tra cả ngày lẫn đêm, nhưng do diện tích rộng và nhiều lối ra vào rừng nên rất khó phát hiện, bắt quả tang. Đơn cử, vào đêm 21/8, trong lúc tuần tra, tổ bảo vệ phát hiện hơn 10 người dùng cưa tay cưa trộm cây phi lao. Ngay lúc đó, các đối tượng lập tức tháo chạy nhiều hướng, bỏ lại hiện trường 17 cây phi lao vừa đốn hạ.
“Rừng phi lao ở gần khu dân cư, cạnh đường trục khu kinh tế, có nhiều lối ra vào; đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng lén lút vào chặt trộm. Mặt khác, các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm khuya mới chặt trộm nên rất khó ngăn chặn, xử lý. Do đó, dù BQLRPH và tổ bảo vệ rừng có nhiều cố gắng nhưng tình trạng chặt trộm cây phi lao còn xảy ra. Tới đây, chúng tôi chỉ đạo tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát; đồng thời, đề nghị UBND xã Cát Chánh, lực lượng kiểm lâm địa bàn (thuộc Hạt Kiểm lâm Phù Cát) phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý; quyết tâm bảo vệ tốt diện tích rừng phi lao ven biển mà UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý”, ông Công cho biết thêm.