“Phụ huynh lo sữa kém chất lượng là có căn cứ“

(PLO) - Sau khi bài báo “Nghi sữa kém chất lượng: Phụ huynh chưa thể giải tỏa lo lắng” được đăng tải, Pháp luật Việt Nam nhận được đơn kiến nghị của Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai Nguyễn Thị Minh Nguyệt không đồng ý với một số chi tiết được nêu trong nội dung bài viết.
Trên cơ sở đơn thư này, cùng các tài liệu thu thập được, chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Bà Nguyệt đặt câu hỏi: "Dựa vào đâu tác giả Sơn Hà nêu là “Theo phản ánh của tập thể phụ huynh Trường Mầm non Sao Mai. Trường Mầm non Sao mai có 530 học sinh, tập thể phụ huynh cần bao nhiêu phần trăm /530 phụ huynh”.
Chúng tôi xin được nói rõ là đã nhận được đơn của tập thể phụ huynh Trường ký ngày 25/8/2013. Đơn của tập thể phụ huynh thể hiện sự mong muốn và đòi hỏi cho con em của họ khi gửi gắm ở Trường Mầm non Sao Mai được yên tâm và đảm bảo an toàn sức khỏe cho các cháu. Đây là một nguyện vọng chính đáng của các phụ huynh và họ cũng chính là những bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam mà Báo chúng tôi có quyền thông tin về tiếng nói của bất kỳ người dân nào.
2. Tiếp đến, bà Nguyệt nêu một số thắc mắc về việc tác giả bài báo lấy bằng chứng nào nghi ngờ sữa Trường Mầm non Sao Mai đang sử dụng là sữa kém chất lượng và tại sao chưa làm việc với Nhà trường thì lấy thông tin nêu trong bài viết từ đâu? Với những thắc mắc đó, phải nói rõ là theo Luật Báo chí, chúng tôi có quyền đăng tải các nội dung thông tin mà người dân cung cấp; và bằng các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra thông tin và chịu trách  nhiệm trước những thông tin đó.
Trong bài viết, tác giả không khẳng định sữa của trường đang sử dụng là kém chất lượng mà là đặt ra nghi ngờ của phụ huynh học sinh về chất lượng sữa trước những dấu hiệu của sữa như sữa pha xong thì bị cặn, sữa công thức lại pha thêm đường. Những dấu hiệu này cũng được phụ huynh hỏi Hiệu trưởng Nguyệt trong buổi họp phụ huynh một lớp mẫu giáo nhỡ ngày 25/9/2013, đồng thời tại cuộc họp, phụ huynh cho biết có thể đóng tiền cho con dùng loại sữa tốt. 
Đối với nguồn thông tin, phóng viên đã nhiều lần tìm hiểu từ các phụ huynh, đã liên lạc làm việc với UBND phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội) và được UBND phường cung cấp Báo cáo số 133/BC-UBND ngày 27/8/2013. Trong bài viết, tác giả đã nêu nội dung của Báo cáo này.
3. Trong đơn kiến nghị, bà Nguyệt nêu một câu hỏi mà không hiểu với tư cách của một Hiệu trưởng thì câu hỏi này có phải là một sự không dám công khai, không dám minh bạch hoạt động của Trường không? Đã có rất nhiều Trường Mầm non còn lập các tổ kiểm tra do phụ huynh và các cô giáo cùng tham gia để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của bếp ăn. Hình thức công khai, minh bạch này rất đáng hoan nghênh và nếu Trường Mầm non Sao Mai chưa từng áp dụng thì quả là đáng tiếc.
Câu hỏi của bà Nguyệt là “Thời gian học sinh sử dụng sữa là lúc phụ huynh đã ra về sau khi giao con cho cô giáo. Vậy dòng chữ “một số phụ huynh lại được tận mắt chứng kiến sữa bị lắng cặn” đó là những ai?”. Chúng tôi bổ sung toàn bộ câu viết như sau: “một số phụ huynh lại được tận mắt chứng kiến sữa bị lắng cặn, thêm đường vào sữa công thức, pha sữa bằng nước khoáng nên phụ huynh không tin tưởng về chất lượng của sữa”.
Như vậy, sữa bị lắng cặn chỉ là một trong những dấu hiệu của sữa nghi kém chất lượng khiến phụ huynh lo lắng. Sữa lắng cặn này được phụ huynh thông tin là chính cô giáo trong lớp con đang học đưa cho xem và chúng tôi đã phản ánh chân thực những lo lắng ấy của phụ huynh học sinh. Ngoài ra, trong đơn của tập thể phụ huynh cũng đặt ra hàng loạt nghi vấn như: “sữa lắng cặn bột có dấu hiệu như xi măng non thì có đảm bảo an toàn không”, “sữa công thức mà pha thêm đường thì còn gọi là sữa công thức nữa hay không”.
4.
Bà Nguyệt khẳng định rằng: “Trường Mầm non Sao Mai không sử dụng nước khoáng trong sinh hoạt, vậy lấy nước khoáng ở đâu để pha sữa hàng ngày cho học sinh”. Trong bài viết, tác giả không dùng một từ “hàng ngày” nào và không hề đề cập là Trường lấy nước khoáng pha sữa hàng ngày cho các cháu. Bà Nguyệt khẳng định như vậy là quy chụp. Riêng việc pha sữa bằng nước khoáng đã được một vị phụ huynh ghi lại ý kiến trong biên bản làm việc giữa các bên ngày 10/9/2013.
Hơn nữa, trong biên bản này, vị phụ huynh còn phản ánh việc không ghi vào biên bản sữa không có lô và không có nguyên liệu rõ ràng ở đâu cung cấp, chỉ đề nguyên liệu New Zealand. Và việc nhập lô sữa khác không cùng chủng loại có lắng cặn đã được chính bà Nguyệt thừa nhận tại cuộc làm việc giữa bà và lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam ngày 4/10/2013.
5. Bà Nguyệt cũng thắc mắc là tại sao Trường cần ngưng hoàn toàn sử dụng sản phẩm sữa Goldmilk?. Vậy trong trường hợp phụ huynh thấy có những dấu hiệu như trên, liệu họ có yên tâm về nhãn sữa mà Trường cho con em họ sử dụng không, khi mà theo quan sát của chúng tôi là sữa Goldmilk nhìn bên ngoài rất giống một nhãn hiệu có tiếng nhưng không hề được bày bán trên thị trường.
Thậm chí đã có cháu uống sữa vào bị nôn trớ, được bác sĩ kết luận là bị ngộ độc và nhà trường đã chuyển sang cho các cháu uống sữa đậu nành (Theo biên bản họp phụ huynh ngày 25/9/2013).
Đặc biệt, với thông tin 3 năm trước đã có nhiều sản phẩm sữa của Công ty Vân An được cơ quan chức năng công bố là sữa không đủ độ protid, lipid mà theo chuyên gia hại không kém sữa chứa chất độc melamine, chắc chắn không có vị phụ huynh nào không rúng động và yên tâm được nếu trường tiếp tục sử dụng sản phẩm sữa Goldmilk của Công ty Vân An.

Đọc thêm