Phụ nữ @ phía sau và ngoài cánh cửa gia đình

(PLVN) - Cuộc sống hiện đại, nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ cần một đôi tay giữ lửa và đôi chân biết đi để khẳng định chính mình. Và mặc nhiên, với những phụ nữ thành đạt, họ khó có thể trọn vẹn “hai vai” việc nhà và việc nước! Thế nhưng, thực tế, để “giữ lửa ấm” dưới mỗi mái nhà, những người phụ nữ tài giỏi ấy đã luôn biết cân bằng để họ thực sự là người phụ nữ dịu dàng, ấm áp…
Shark Thái Vân Linh xinh đẹp và duyên dáng luôn dành những khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình. Ảnh minh họa
Shark Thái Vân Linh xinh đẹp và duyên dáng luôn dành những khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình. Ảnh minh họa

Không còn quá… “mang dây buộc mình”?

Nhà báo Vũ Tiến Hồng hiện là giáo sư báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ). Ông có bằng tiến sỹ tại Đại học Texas. Trước đó, ông từng làm việc cho hãng tin Associated Press (AP) tại Việt Nam và là đồng tác giả của nghiên cứu Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ xuất bản cuối năm 2016.  

Trước những lời khuyên của vị thẩm phán trong vụ ly hôn ngàn tỷ của “Vua cà phê Trung Nguyên”,  ông có đưa ra với lời khuyên với  bà Thảo rằng, chị sẽ có tất cả khi chị về nhà yên phận chăm sóc chồng con, nhan sắc, sẽ sống như bà hoàng… Nhà báo Vũ Tiến Hồng bày tỏ: Phụ nữ Việt vẫn luôn sống trong những lời lẽ về vai phận của họ rằng họ phải “giữ chắc hậu phương”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “đảm việc nhà”.

Cả đời người, nhiều phụ nữ luôn được “dạy bảo” họ phải biết khuôn phép, an phận thủ thường, đừng có mạnh bạo quá, nên ổn định; học cao quá thì “chỉ tổ chửi chồng” hoặc “chẳng thằng nào dám lấy”. Những lời dạy bảo ấy ăn sâu trong tiềm thức, đặt ra những ranh giới cho họ, chia vai phận cho họ trong cuộc sống, phán xét và giữ chặt những cá tính, sự mạnh mẽ của họ trong những vai phận ấy.

Thế nên, phụ nữ làm dù có là gì đi nữa, thường đánh đổi lại chỉ là những lời khen cho sự mờ nhạt như “truyền thống”, “tần tảo”, “đảm đang”, “chịu đựng”, “biết nhịn”, “có đức hy sinh”, hay hoa mỹ hơn thì là “nội tướng”, “đằng sau thành công của người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ”. Ngay kể cả khi đã bước qua những ranh giới đó trở thành những phụ nữ thành công trên thương trường hay chính trường khắc nghiệt, cuộc sống của họ vẫn bị những “vai phận” ấy chi phối.

Thiên hạ tò mò là ở nhà họ sẽ đối xử với chồng con thế nào? Họ có “ra mệnh lệnh” với chồng con không? Người phụ nữ ấy có “nữ tính” đủ không, có giữ được “truyền thống” không? Rồi “ai nấu ăn, ai làm việc nhà, ai chăm sóc con, ai đi chợ, ai giặt giũ, ai rửa bát và cả tỷ thứ khác”…

Bởi theo ông, những ước tính từ khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2016 đã cho thấy ở độ tuổi thanh niên (20-29), số lượng phụ nữ tốt nghiệp cao đẳng và đại học đã vượt xa nam giới, thể hiện mức độ thay đổi về giới trong cấu trúc dân số về trình độ giáo dục.

Cũng theo một báo cáo gần đây của Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), 21% số doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ. Con số này đủ để thấy phụ nữ có khả năng làm những điều vượt lên trong một môi trường đầy rẫy những dò xét định kiến chống lại họ.

Ở góc độ là người phụ nữ hiện đại, nhà báo Trần Mai Anh (Sáng lập, điều phối chương trình “Thiện nhân và những người bạn”, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do tạp chí Forbes Việt Nam bầu chọn) đã chia sẻ: Với tôi, người phụ nữ hiện đại có thể làm chủ được cuộc sống của mình, bao gồm tình cảm, hành vi, trách nhiệm và tài chính.

Mỗi chúng ta nếu làm chủ được số phận của mình mới có thể giúp các số phận khác tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta giữ quan niệm gia đình như trong từ điển là vợ chồng con cái, hẳn những gì chúng ta vun vén cho gia đình sẽ dừng lại ở đấy.

Bởi đó chỉ là “gia đình nhỏ”. Với tôi, trong cuộc sống hiện đại, gia đình là một khái niệm rộng hơn. Đó là những con người tôi quan tâm đến, là môi trường tôi đang sống. Khi vun vén cho “gia đình lớn” đòi hỏi người phụ nữ cần hiểu biết nhiều hơn để có đủ khả năng làm chủ nó.

Theo chị Mai Anh, phụ nữ hiện đại, bên cạnh việc bị áp đặt các chuẩn mực, chính bản thân họ tự tạo áp lực cho mình. Nếu một lúc nào đó đôi chân mệt mỏi, bạn muốn đi chậm lại hoặc dừng nghỉ một chút, lúc đó bạn có kém hiện đại, có bớt năng động đi không?

“Tôi nghĩ là có nhưng chẳng sao cả. Đó là nốt trầm, là dấu lặng trong bản nhạc cuộc đời. Phải chăng không chỉ người viết nhạc, người chơi nhạc mà cả người nghe nhạc cũng rất mệt mỏi khi phải nghe một bản nhạc chỉ toàn cao trào. Năng lực của mỗi người không phụ thuộc vào giới tính. Tất nhiên, quan niệm khi đã “ăn sâu bám rễ” vào tiềm thức mỗi người sẽ không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Cái thay đổi ở đây là gì, với tôi đó là chính bản thân mình.

Tôi chưa bao giờ trông đợi bất cứ sự ưu tiên nào dành cho nữ giới, mà tại sao cần phải ưu tiên? Con người đôi khi cũng không thể chọn lựa hoàn cảnh của mình. Vậy nên, tôi chọn tâm thế sống chủ động đón nhận bất cứ điều gì tốt xấu. Tôi nghĩ, cái chúng ta cần làm, kể cả nam hay nữ, nếu có thể là sống tốt với mọi người xung quanh. Việc này đồng nghĩa với mỗi người đã mở ra cánh cửa tốt đẹp hơn cho chính mình.

Nếu được như vậy, tôi nghĩ vấn đề thước đo giới tính kia cũng tự có câu trả lời. Ít nhất, tôi thấy điều này đúng với mình và tôi luôn thấy bản thân được yêu và được tôn trọng. Tôi nghĩ, dù ở thời đại nào, cái mà phụ nữ cần giữ nhất là phẩm hạnh và sống tử tế. Như tôi đã nói ở trên, quá trình hội nhập kéo theo nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ có thách thức cho bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam.

Nhẫn nại để kiên cường hay táo bạo ẩn sau sự hy sinh, đó là lựa chọn và khả năng thích nghi riêng của mỗi người. Là một người trong thời hiện đại này, tôi sống thật với niềm đam mê, thực lực, ước mơ và sở thích của mình. Tôi theo đuổi hạnh phúc và luôn tin rằng hạnh phúc đến từ chính lối sống của mình. Để làm được điều đó, với tôi, con người cần có tri thức và trái tim”. 

“Một sự hợp tác quan trọng nhất… đời”

Bà Mai Kiều Liên, thuyền trưởng Vinamilk 40 năm phát triển thành tập đoàn tỷ USD từng chia sẻ: “Tôi không muốn có người giúp việc”.  Và để cân bằng công việc và gia đình, bà Liên đơn giản cho biết sắp xếp thời gian dành cho công việc là 8 giờ, thời gian ở nhà 8 giờ và thời gian ngủ là 8 giờ.

Trong đó, thời gian ở nhà là lúc vợ chồng, gia đình thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà. Không có người giúp việc với riêng hoàn cảnh gia đình tôi là do tôi không muốn có. Vì tôi không muốn con cái ỷ lại, không muốn con cái có ý định sai khiến, làm phiền người khác. Vợ chồng tôi sẽ cùng con cái tìm cách phân chia, giải quyết.

Còn Shark Thái Vân Linh, vị giám khảo nữ duy nhất và vô cùng duyên dáng của chương trình thực tế tìm kiếm đầu tư cho những người khởi nghiệp.  Nói về cuộc sống gia đình, chị Linh chia sẻ: Vợ chồng là một sự hợp tác, một sự hợp tác quan trọng nhất trong cuộc đời. Bởi, trong quan hệ vợ chồng thì hai bên ngang hàng nhau và không ai phải hy sinh quá nhiều cho ai. Nếu một trong ai đó đang hy sinh thì có thể nói ra để hiểu nhau hơn.

Với chị: “Người chồng là người hỗ trợ toàn sự nghiệp sau này. Và nếu không có anh ấy thì Linh chắc không được ngồi đây. Tất cả cái gì Linh làm đều nói chuyện với chồng, có gì cân nhắc thì sẽ trao đổi với chồng. Vì đồng ý là phụ nữ hiện đại mình có quyết định cho cuộc đời mình, song không vì vậy mà phụ nữ độc lập trên những bước đi, vô hình trung sẽ bỏ lại những mối quan hệ của mình.

Mặc dù là mẫu người phụ nữ đặt sự nghiệp lên hàng đầu, trong 10 năm gây dựng sự nghiệp ở Mỹ, Shark Linh đã tự kiếm tiền học đại học và tốt nghiệp loại giỏi, đi làm tài chính toàn thời gian trong khi tự ôn thi và học tại trường kinh doanh.

Và đến năm 30 tuổi, Shark Linh vẫn… chưa “gặp” người bạn trai mà người ta thường đùa, đáng ra phải gặp năm 22 tuổi. Thế rồi,  cũng tới ngày chị gặp lại người bạn học của mình và nên duyên. Thế nhưng, lập gia đình, chị Linh vẫn đi làm mười mấy tiếng mỗi ngày, lại không biết nấu ăn. Tuy nhiên, chồng chị là người hiểu và luôn thông cảm, hỗ trợ cho chị trong mọi việc.

Chị từng nói, nếu không có chồng thì cũng không có chị ngày hôm nay và chị cũng khuyên các cô gái rằng: người mà mình chọn để cưới rất quan trọng đối với sự nghiệp của mình.

Tới khi có con, một cô công chúa nhỏ, song việc có con cũng không làm chị Linh bớt bận mà chị vẫn phải giữ lịch trình cũ, đến mức lúc nào cũng cảm thấy có lỗi với cô gái bé nhỏ. Nhưng chị cũng đã có những thay đổi để bản thân thực sự trở thành một người mẹ, người vợ trong gia đình. Việc cơm nước trong nhà có mẹ và em gái của Shark Linh lo nhưng từ khi có con gái, chị đã tự tay vào bếp chế biến đồ ăn dặm cho con.

Trên trang cá nhân của mình, bà mẹ 40 tuổi có vẻ như là lần đầu khoe thành quả nấu nướng của mình cực kỳ hân hoan. Chị từng trả lời phỏng vấn rằng tuy là người tham việc nhưng vẫn đặt nhu cầu giải trí của cá nhân lên hàng đầu. Mỗi ngày đi làm đều cống hiến hết mình nhưng cuối tuần thì chị vẫn cho phép bản thân nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và hơn hết là để gần gũi hơn với gia đình nhỏ của mình.

Với chồng, chị Linh từng thổ lộ rằng mỗi sáng đi làm chỉ nói “hi” với nhau một câu rồi sẽ đi biệt đến tận tối mới về. Vì lẽ đó nên vợ chồng chị cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Tuy nhiên, họ luôn dành cho nhau những khoảng thời gian chất lượng, hỗ trợ nhau trong công việc và dành tình cảm với nhau nhiều nhất có thể. 

Ở góc độ khác, bà Lương Ngọc Tiên, nhà huấn luyện, phát triển con người và thiền trong doanh nghiệp One Life Connection cho rằng: Một khi đã vượt qua những thời khắc mất mát, khổ đau hay thất vọng thì khi rời xa chúng, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và trân trọng hơn những khoảng khắc tươi đẹp hơn, tức hạnh phúc ở đây là một hành trình của trải nghiệm và suy ngẫm…

Có thể nói, với phụ nữ hiện đại, càng thành công trên thương trường, hay các hoạt động xã hội, họ càng biết trân quý hơn những giá trị gia đình. Và điều quan trọng là những thấu hiểu và chia sẻ, sự tôn trọng và hết mực yêu thương của người chồng, người vợ! Cũng như, họ đã luôn biết, khi bên nhau, đàn ông sẽ luôn là đàn ông, phụ nữ luôn là phụ nữ với tất cả sự dịu dàng và ngọt ngào… Khi họ cảm nhận đầy đủ yêu thương và nâng niu, từ phía người bạn đời của mình… 

Đọc thêm