Người dân thắng kiện Chủ tịch huyện
Vụ kiện xuất phát từ năm 2011 khi UBND huyện Phú Quốc có quyết định thu hồi hơn 23.000 m2 đất của gia đình bà Lưu Thị Lúa để thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường.
Nhưng sau đó, UBND huyện Phú Quốc chỉ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho bà Lúa đối với diện tích 10.576,2 m2; diện tích 12.587 m2 đất còn lại, UBND huyện đã không bồi thường vì cho rằng đây là đất rừng đặc dụng (sau này cho là đất "chưa sử dụng").
Không đồng ý, bà Lúa đã khởi kiện quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, quyết định cưỡng chế thu hồi đất... của UBND huyện Phú Quốc và Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.
Tại bản sơ thẩm số 47/2017/HC-ST ngày 29/8/2017, TAND tỉnh Kiên Giang nhận định, người bị kiện đã không cung cấp chứng cứ, tài liệu thể hiện phần đất 12.587 m2 có thuộc loại đất chưa sử dụng theo quy định của luật đất đai hay không (dù cả VKSND tỉnh và TAND tỉnh đều có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Quốc đưa ra căn cứ chứng minh đất chưa sử dụng trong quá trình chuẩn bị xét xử)
TAND tỉnh Kiên Giang tiến hành lấy lời khai những người cố cựu tại địa phương và đã được ông Nguyễn Văn Lưu, ông Hứa Tôn An, ông Nguyễn Văn Chuộng (là Trưởng ấp và nguyên Trưởng ấp Đường Bào) khẳng định phần đất 12.587 m2 của bà Lúa sử dụng do ông Khuôi (là cha chồng của bà Lúa) khai phá khoảng năm 1975 để trồng lúa. Khi ông Khuôi chết thì để lại đất cho vợ chồng bà Lúa sử dụng trồng lúa, xen canh hoa màu. Do đất trũng nên không thể trồng cây lâu năm.
Căn cứ hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Kiên Giang khẳng định việc UBND huyện Phú Quốc xác định diện tích 12.578 m2 thuộc loại đất "chưa sử dụng" là không có cơ sở.
Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã có cơ sở để xác định bà Lúa có quá trình sử dụng đất và có thành quả trên đất. Còn việc UBND huyện Phú Quốc xác định bà Lúa không sử dụng diện tích 12.587m2 là chưa phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Chính vì vậy, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên hủy một phần quyết định thu hồi đất, một phần quyết định "giải quyết khiếu nại" và hủy toàn bộ quyết định việc cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Lúa của UBND huyện Phú Quốc.
HĐXX cũng kiến nghị UBND huyện Phú Quốc phải ban hành Quyết định thu hồi đất đối với diện tích 12.587 m2 của bà Lúa và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho bà này nếu thu hồi đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Gần 4 năm chưa thực hiện xong bản án
Sau khi bản án số 47/2017 của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật, dù Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang đã có Thông báo cho UBND huyện Phú Quốc, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về việc phải thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực. Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, UBND huyện Phú Quốc và Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đều không thực hiện thủ tục bồi thường cho bà Lúa theo nội dung bản án.
|
Thông báo của Cục THADS tỉnh Kiên Giang về việc UBND huyện Phú Quốc phải thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực. |
Liên quan đến nghĩa vụ thi hành án nêu trên, tại Thông cáo báo chí trong dịp tổ chức cưỡng chế thu hồi phần đất 10.576,2 m2 của bà Lúa vào tháng 8/2020, UBND huyện Phú Quốc cho biết, ngày 7/8/2018, Hội đồng tư vấn xã Dương Tơ có biên bản số 65 về xét duyệt nguồn gốc đất cho bà Lưu Thị Lúa đối với phần diện tích đất 12.587 m2, cụ thể: "vào năm 1976 - 1977 gia đình bà Lúa có khai phá trồng lúa được khoảng 3 năm thì không canh tác nữa. Đến khi quy hoạch, hiện trạng là tràm tự nhiên (tràm nước), bưng nước".
Từ kết quả xét duyệt, đối chiếu chính sách pháp luật, UBND huyện Phú Quốc thấy chưa đủ cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho bà Lúa. Do đó, UBND huyện Phú Quốc đã gửi đơn đến VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh để kháng nghị theo trình tự tái thẩm và được VKSND cấp cao TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn”
Như vậy, có thể thấy, UBND huyện Phú Quốc cho rằng việc bà Lúa “chỉ canh tác 3 năm thì không canh tác nữa” là tình tiết mới để đề nghị kháng nghị tái thẩm.
Tuy nhiên, theo một số Luật sư thì dù cơ quan nào đang xem xét đơn đề nghị kháng nghị thì các đương sự vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành bản án đã có hiệu lực. Đối với cơ quan nhà nước và người đứng đầu chính quyền địa phương thì càng cần phải gương mẫu chấp hành bản án.
Liên quan đến cái mà UBND huyện Phú Quốc cho là “tình tiết mới”, các Luật sư cũng cho rằng, việc UBND huyện Phú Quốc có quan điểm cho rằng đất thu hồi là loại đất “chưa sử dụng” hoặc bà Lúa “không có thành quả trên đất” đều đã được TAND tỉnh Kiên Giang xem xét khi xét xử vụ án. Như vậy, đây chính là “tình tiết cũ”, đã có trong hồ sơ vụ án chứ không phải là tình tiết mà Tòa án, đương sự không biết khi Tòa án xét xử vụ án năm 2017.
Đáng nói hơn, việc đánh giá tình tiết trên dù không quá phức tạp nhưng không hiểu sao đã gần 1 năm qua, VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có trả lời chính thức về việc có kháng nghị tái thẩm hay không?
Nghị định 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hành chính:
“Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án
1. Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu.
2. Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
3. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Điều 8. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án
1. Kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc”.