Sông Lô “chảy máu”
Ngày 10/11/2016, Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam có mặt ghi nhận điểm nóng khai thác cát trên sông Lô thuộc địa bàn 2 xã Trưng Vương và Sông Lô. Nơi đây người dân bức xúc phản ánh trạng “cát tặc” ngang nhiên đang lộng hành khai thác hết công suất với những con tàu hiện đại nhất...
Ngày 16/11/2016, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam đăng tải bài “Cấp phép khai thác cát: Phú Thọ lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”?” phản ánh việc UBND tỉnh Phú Thọ căn cứ vào thông tin hồ sơ của Cty TNHH Hải Linh để cấp phép khai thác tài nguyên (cát) trên sông Lô cho Cty TNHH Cát Vàng. Cấp phép khai thác cát kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” diễn ra “siêu tốc”, kéo theo sinh kế của nông dân trên đất nông nghiệp mất đi từng ngày, từng giờ...
Theo những người dân của 2 xã phản ánh, thời gian gần đây, khoảng 6/11/2016 có khoảng 10 tàu hút cát ngang nhiên khai thác cát liên tục cả ngày và đêm. Người dân phản ánh: "Việc khai thác làm lở hết đất của chúng tôi. Có khoảng 10 chiếc cần cẩu cát thuộc địa phận (2 xã Trưng Vương và xã Sông Lô) khiến đất lở sát vào đất nông nghiệp của đội 1,2,3 của người dân ở xã Sông Lô với diện tích khoảng 2.000m và đang có nguy có sạt lở vào trân cột điện 110kv quốc gia".
“Họ ngang nhiên tự ý chôn cọc sắt giăng hàng rào bằng dây thép gai lên diện tích bãi ngô Ba hàng của nhân dân chúng tôi để khai thác. Chúng tôi có làm đơn gửi lên chính quyền rồi”.- Người dân xã Sông Lô bức xúc cho biết thêm.
|
Tàu không số khai thác cát gần bờ thuộc bến Cty Ánh Nhật được giao làm bến bãi bốc xếp hàng hóa xã Trưng Vương. Ảnh: Xuân Hồng chụp ngày 10/11/2016. |
Được biết, một chiếc tầu khai thác cát khoảng 5 tiếng là đầy tầu 500 mét khối, mỗi khối cát bán được khoảng 200 nghìn đồng, mỗi con tầu cứ 5 tiếng là kiếm được 100 triệu đồng, một ngày khai thác trung bình một chiếc tàu kiếm được khoảng 200 triệu (500khối x 200nghìn =100triệu/tàu). Như vậy, với khoảng 10 tàu/ngày “cát tặc” có thể khai thác lấy đi tài nguyên cát vàng của nhà nước mất hàng chục tỷ đồng, làm “chảy máu” dòng sông...
Theo quan sát của PV, trên khúc sông khoảng 2km, tại xã Trưng Vương có khoảng 4-5 cẩu quăng và xã Sông Lô có khoảng 6 chiếc tầu đang rầm rầm khai thác cát. Tầu khai thác mang biển hiệu VP-1703, tàu chở cát biển số PT-1297... với chiếc gầu múc quăng, ngoạm xuống sông Lô kéo lên cho để lấy vào chiếc tàu chở ghé sát mạn để “ăn cát vàng”, tất cả đang hoạt động ngang nhiên như một đại công trường khai thác mà chưa một cơ quan nào “sờ gáy”...
Chính quyền “bó tay”?
Trao đổi về việc ở xã Trưng Vương có khoảng 4-5 chiếc tầu đang khai thác cát ngay sát bờ thuộc địa phận của xã. Có hay không việc Cty Ánh Nhật đang khai thác cát không?
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Trưng vương cho biết, không biết 4-5 cái cẩu đang khai thác cát đấy là của ai!? Cty Ánh Nhật chỉ mới được giao làm bến bãi bốc xếp hàng hóa thôi.
|
Nhiều tàu khai thác cát địa phận xã Trưng Vương. Ảnh: Ảnh Xuân Hồng chụp lúc 16giờ ngày 11/11/2016. |
Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô cho biết, nhận được đơn phản ánh của đội trưởng sản xuất khu 3 đề nghị ngăn chặn tàu khai thác cát làm lở mất đất nông nghiệp, chúng tôi chỉ đạo địa chính đi kiểm tra thực tế cho thấy diên tích đất nông nghiệp của dân Sộp, bến Lấp của khu 1,2,3 sạt lở nhiều, chỗ lở sâu nhất vào đất bãi khoảng 20m và vẫn tiếp tục lở. Hiện qua kiểm tra xác minh tại thực địa đã xác định nguyên nhân chính gây lở bãi tại khu vực này là do khai thác cát trái phép.
Ngày 6/11, trên địa bàn xã có tới 6 tàu hút cát ngang nhiên khai thác liên tục cả ngày. Ngày 10/11, UBND xã chỉ đạo Ban công an xã mời chủ tàu lên làm việc về việc khai thác cát nhưng chủ tàu không phối hợp. Việc khai thác cát trái phép đã gây bức xúc trong nhân dân chúng tôi đã làm công văn báo cáo hiện tượng này lên cấp trên, còn riêng đối với cấp xã không đủ thầm quyền xử lý...
Trên thực tế, nạn thác “cát tặc” đang bùng phát trở lại trên dòng sông Lô thuộc nhiều xã trên địa bàn thành phố Việt Trì, gây lên bức xúc trong nhân dân, mất trật tự an ninh, tài nguyên của quốc gia ngang nhiên bị đánh cắp. Trong khi đó, một số cơ quan chức năng đã biết nhưng nạn cát tặc này vẫn ngang nhiên hoạt động, khai thác hết công suất nhưng vẫn chưa được xử lý? Như vậy, dư luận có thể đặt câu hỏi: Có hay không việc “bảo kê” cho nạn cát tặc này lộng hành. Câu hỏi này xin được dành lại cho các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ trả lời.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin tới bạn đọc...