Phúc thẩm vụ “bảo kê” xe quá tải tại TP HCM và Đồng Nai: Kiến nghị điều tra 80 cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông

(PLVN) - Mới đây, vụ án bảo kê xe quá tải tại TP HCM và các tỉnh lân cận bằng "logo xe vua" được TAND Cấp cao xử phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Lê Thị Cẩm Vân (37 tuổi) và 6 đồng phạm khác về tội Đưa hối lộ.
Nguyễn Cảnh Chân - cựu cảnh sát duy nhất bị đưa ra xét xử trong vụ án. Ảnh Giao thông.
Nguyễn Cảnh Chân - cựu cảnh sát duy nhất bị đưa ra xét xử trong vụ án. Ảnh Giao thông.

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng, bất cứ vụ đưa hối lộ nào đều phải có người nhận hối lộ. Hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo đều xác định được thời gian, không gian đưa hối lộ; nhận diện được một số CSGT, Thanh tra giao thông trong số 80 người nhận tiền. Do đó, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao tách hành vi này thành vụ án khác, làm rõ trách nhiệm những người nhận hối lộ.

Với việc các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, VKS cho rằng họ không đưa ra được các tình tiết mới của vụ án nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Trước đó, dù không kháng cáo nhưng bị cáo Nguyễn Văn Thới (43 tuổi, vai trò cầm đầu), Trần Quốc Thái (48 tuổi, quê Long An) và Nguyễn Cảnh Chân (46 tuổi, nguyên cán bộ Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) cũng được đưa đến tòa.

Thới cho biết, thời gian kinh doanh vận tải nhiều lần bị Thanh tra giao thông, CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM xử phạt xe quá tải. Quen Chân sau những lần đi nộp phạt, Thới đặt vấn đề sẽ chi tiền để được bảo kê, không bị xử lý nữa. Thới dán logo số “68” và “Garage Thành Đô” lên đầu các xe của mình để cảnh sát nhận diện, cho qua.

Ngoài ra, Thới còn bán logo cho khoảng 150.000 xe hàng, thu được gần 23 tỷ. Thới dùng khoảng 5 tỷ để đưa hối lộ 79 lần, mỗi lần ít nhất 9 triệu và nhiều nhất 150 triệu cho cảnh sát; 17,8 tỷ dùng để nộp phạt cho các xe bị xử lý, chi phí thuê người cảnh giới CSGT...

Chân thừa nhận có nhận tiền của Thới, tổng cộng hơn 1,2 tỷ, đưa 600 triệu cho Võ Thanh Sơn (Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an Đồng Nai). Sau khi Sơn qua đời, Chân tiếp tục nhận 600 triệu và đưa cho Đỗ Hữu Tuyến (Phó Phòng CSGT Công an Đồng Nai) 300 triệu, giữ lại 300 triệu để tiêu xài.

Tương tự, Vân cũng thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm cáo buộc. Cụ thể, Vân bán logo cho các chủ xe, thu tổng cộng 7,9 tỷ; lấy 627 triệu để đưa hối lộ, lần đưa ít nhất 3 triệu và nhiều nhất là 150 triệu.

Các bị cáo đều khai đã đưa hối lộ cho 80 cán bộ thanh tra, CSGT ở TP HCM và Đồng Nai. Những người này bị nêu rõ tên tuổi, đơn vị công tác nhưng khi làm việc với CQĐT đều phủ nhận không quen biết, nhận tiền của Thới và Vân. Do đó, CQĐT cho rằng "không đủ cơ sở buộc tội".

Luật sư bào chữa cho bị cáo Vân đồng ý một phần quan điểm của VKS về việc điều tra hành vi nhận hối lộ của các CSGT và Thanh tra giao thông. Tuy nhiên, luật sư đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án để xét xử lại bởi nếu tách hành vi này thành vụ án khác sẽ ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật khách quan.

Do tính chất phức tạp của vụ án, TAND Cấp cao nghị án kéo dài và dự kiến đưa ra phán quyết ngày 21/10.

Hồi tháng 10/2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Thới 14 năm tù, Vân 9 năm và Thái 10 năm về tội Đưa hối lộ. Sáu đồng phạm của Vân và Thới bị phạt từ 1 năm 6 tháng 23 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 4 năm tù. Là CSGT duy nhất bị xử lý trong vụ án, Chân nhận 8 năm tù về tội Môi giới hối lộ. 

Đọc thêm