Phương án “chôn” đường ống của Nhà máy nước Phú Mỹ Tân (Nam Định): Hai bên chưa “thông”, vì sao huyện vẫn quyết cưỡng chế?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù phương án di dời đường ống dẫn nước của Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân chưa nhận được sự đồng thuận từ phía Công ty TNHH Mai Thanh; nhưng mới đây UBND huyện Nghĩa Hưng vẫn tổ chức cưỡng chế di dời công trình này để lấy mặt bằng thi công Dự án xây dựng công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ.
Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân.
Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân.

Vì sao phải gấp rút cưỡng chế?

Theo Quyết định (QĐ) cưỡng chế thực hiện QĐ thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án xây dựng công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Dự án kênh); lý do cưỡng chế được UBND huyện Nghĩa Hưng đưa ra là do Cty TNHH Mai Thanh còn tài sản gắn liền với đất là hệ thống đường ống nước sạch, nhưng không chấp hành QĐ thu hồi đất.

Huyện này cưỡng chế thực hiện QĐ thu hồi đất với Cty Mai Thanh bằng cách cắt đường ống hiện hữu, đấu nối vào đường ống nước tạm thời về cung cấp nước cho các hộ dân ký hợp đồng với DN cấp nước trong thời gian thi công; Tiếp đó sẽ cưỡng chế thực hiện cắt bỏ đường ống tạm thời, đấu nối từ đường của Nhà máy vào đường ống hoàn trả.

Trước đó, ngày 21/7/2021, Bộ GTVT có Văn bản 7123/BGTVT-CQLXD gửi UBND tỉnh Nam Định cho biết Bộ này nhất trí với tỉnh Nam Định về việc GPMB với công trình hoàn trả đường ống cấp nước sạch của Cty Mai Thanh. Bộ GTVT đề nghị địa phương chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp BQL các dự án đường thủy hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ thi công Dự án kênh.

Tiếp đó, vào ngày 8/11/2021, sau khi nhận được đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường đường ống dẫn nước bị ảnh hưởng của Cty Mai Thanh, phía Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ GTVT; trong đó nhấn mạnh đến việc giải quyết các khiếu nại của Cty Mai Thanh. WB cũng lưu ý thời điểm kết thúc Dự án kênh là ngày 30/6/2022 và Dự án kênh sẽ không được gia hạn quá thời hạn kết thúc; nên đề nghị Bộ GTVT đảm bảo việc xây dựng đúng tiến độ đã cam kết nếu không phải báo cáo vấn đề này lên cấp cao.

Sau khi Bộ GTVT có văn bản, từ cuối tháng 11/2021 đến đầu tháng 3/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng liên tiếp có hàng loạt QĐ thực hiện nội dung nêu trên như: QĐ phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình di dời, hoàn trả hệ thống đường ống dẫn nước sạch thuộc tiểu dự án GPMB kênh nối Đáy - Ninh Cơ (tiểu dự án); QĐ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc tiểu dự án; QĐ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ để GPMB thực hiện Dự án; QĐ phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán điều chỉnh, bổ sung dự án WB6; QĐ cưỡng chế việc di dời đường ống nước của Cty Mai Thanh…

Trước đó, Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân là một trong trong số ít dự án có số vốn DN đầu tư lớn và có hiệu quả, được triển khai từ 2015, đi vào vận hành 2017, cấp nước sinh hoạt cho 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của huyện Nghĩa Hưng.

Tuy nhiên, năm 2020, Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) của Bộ GTVT được khởi công đã cắt ngang tuyến ống nước sạch của Nhà máy này.

Từ 2019 đến nay, lãnh đạo Cty Mai Thanh nhiều lần gặp lãnh đạo Bộ GTVT, UBND tỉnh Nam Định, huyện Nghĩa Hưng đề xuất phương án di dời phù hợp cho DN nhưng không thành. Một trong những vướng mắc là khi phê duyệt thiết kế cơ sở hạng mục công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ vào tháng 11/2016, Bộ GTVT đã không đưa hệ thống đường ống của Nhà máy nước Phú Mỹ Tân vào nhóm các công trình phải hoàn trả.

Dự án cấp nước đã bị “bỏ quên”?

Theo hồ sơ, Dự án WB6 triển khai từ tháng 4/2008, đến tháng 11/2016 tiếp tục triển khai Dự án kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ. Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 15/7/2015, khi ban hành QĐ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân, lại không đề cập đến dự án WB6 (cắt ngang dự án nước sạch).

Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Cty Mai Thanh nói, bà chỉ biết đến sự hiện diện của WB6 khi UBND huyện Nghĩa Hưng mời đến làm việc vào cuối năm 2019. Hơn nữa, tại QĐ 5029/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ, UBND Nghĩa Hưng cũng không hề đề cập đến công trình nước sạch của Cty Mai Thanh. Phải đến ngày 16/6/2021, UBND huyện này mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB.

Sau khi Bộ GTVT có công văn đồng ý và thống nhất với UBND tỉnh Nam Định đưa tuyến nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB để địa phương thực hiện, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh mới có công văn giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch cho Cty Mai Thanh. Lúc này, hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã khởi công được gần 3 năm và chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB.

Phía Cty Mai Thanh cho rằng họ đã bị “ép” nhận một công trình tuyến ống hoàn trả đi ngầm dưới đáy kênh, với khuyến cáo được ghi trong hồ sơ tư vấn kỹ thuật là khi xảy ra sự cố là “không thể phát hiện, không thể khắc phục”. Việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động của Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân trong tương lai (có thời gian vận hành 50 năm), ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ngàn người dân nông thôn đang sử dụng nước sạch của Nhà máy này.

Để đảm bảo tính pháp lý và kỹ thuật, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hoàn trả công trình tuyến ống nước sạch phải có giá trị tương đương về tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; đặc biệt, khi sự cố xảy ra có thể khắc phục trong vòng 72 giờ theo đúng quy định, Cty Mai Thanh đã đề xuất phương án đi nổi (có trụ đỡ độc lập hoặc đi dọc 2 bên thân cầu). Tuy nhiên, đề xuất này cũng không được UBND Nghĩa Hưng - phía dự án WB6 chấp nhận.

Sau khi UBND huyện Nghĩa Hưng ra quyết định cưỡng chế nhằm thực hiện công trình hoàn trả đi ngầm đã phê duyệt, Cty Mai Thanh đã làm đơn khiếu nại và gửi đơn thư cầu cứu đến nhiều nơi.

Đọc thêm