Phương thuốc chữa bệnh ngoài da đặc biệt của hoa Dã quỳ

(PLO) - Ít ai biết được loài hoa dDã quỳ còn có khả năng trị được rất nhiều căn bệnh về da mà đặc biệt không độc hại, không tốn kém... 
Hoa Dã quỳ ở xứ sở ngàn hoa

Cây hoa Dã quỳ có sức sống mãnh liệt không chỉ có ý nghĩa như tình yêu chung thủy, tỏ ý lòng kiêu hãnh không khuất phục trước cái ác. Mà nó còn có khả năng chữa được rất nhiều bệnh về đường da. Đặc biệt ở Tây Nguyên, người đồng bào thường dùng nó để trị bệnh mẩn ngứa, mụn nhọt, ghẻ ở trẻ em. 

Già Ma Jơn hé lộ, “già vốn không phải là thầy thuốc nhưng già biết rõ về tác dụng của loài Dã quỳ này. Loài hoa đã gắn với già bao kỷ niệm, ngay từ khi sinh ra già đã thấy loài hoa này rồi, gần như cuộc đời già lớn lên cùng với nó, từ những buổi lên rẫy lao động, đến những buổi đi học, chỗ nào cũng vàng rực sắc dã quỳ. Bao nhiêu năm nay, già vẫn thấy người dân làng mình dùng nó để trị mụn nhọt, mẩn ngứa. Bất cứ ai bị mẩn ngứa, mụn nhọt chỉ cần dùng Dã quỳ là khỏi. Loài cây dại này mọc ở khắp các bụi cây ven đường, trên rẫy nên cũng dễ dàng tìm. Không phải dùng đến thuốc tây mà lại nhanh, tiện, và không tốn đến một đồng”. 

Con đường ngợp hoa Dã quỳ đẹp và là vị thuốc đặc biệt của người dân

“Một người vùng xuôi bị nổi những hạt nước ở tay, chân, nhất là ở kẽ tay và gan bàn chân, nhiều đêm không thể ngủ được, phải nấu nước nóng với muối ngâm thì mới đỡ được nhưng da tay và chân cứ dày lên và mỗi đợt ngứa mất cả tuần mới đỡ. Sau khi hết thì lớp da đó bong ra và lâu lâu lại bị ngứa lại, người này bị như vậy khoảng gần 10 năm. Năm 2010, người này trong một lần đi du lịch thấy già hái Dã quỳ bèn hỏi chuyện, khi biết Dã quỳ có khả năng trị nổi hột ngứa nên đã xin tôi bày cho cách chữa khỏi. Hai tuần sau, cô ấy điện lên cảm ơn tôi ríu rít, rồi con gửi quà biếu tôi nữa”, già Ma Jơn tâm sự.

Bài thuốc này kỳ thực rất đơn giản, chỉ duy nhất một loại thuốc là cây Dã quỳ. Phương pháp chữa bệnh cũng vô cùng dễ dàng, chỉ cần hái vài nắm ngọn và lá Dã quỳ tươi, rửa sạch, cho vào thau cùng ½ muỗm canh muối hạt, nấu nước thật sôi đổ vào, để một lúc cho bớt nóng ngâm chỗ bị nổi hột ngứa, vừa ngâm vừa vò lá vào đó. Những đợt ngứa thì ngâm 2 lần/ngày, nếu đỡ thì ngâm 1 lần. Lần sau nếu còn bị nữa thì ngâm tiếp thì dứt hẳn. Nếu trẻ bị ngứa thì tắm luôn cho trẻ, chỉ cần tắm liên tiếp từ 3- 7 ngày thì bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn. Hơn hết là loại nước lá dã quỳ hoàn toàn không độc hại, không có tác dụng xấu gì tới sức khỏe của người sử dụng. 

Dã Quỳ, bài thuốc cực kỳ đơn giản chữa được nhiều bệnh

Theo tìm hiểu, không chỉ được sử dụng ở Việt Nam mà ở trên các nước khác Dã quỳ đã được sử dụng với những tác dụng khác nhau. Tại Nhật Bản, vào cuối thời kỳ Minh Trị, loài cây này được nhập khẩu như là cây cảnh mặc dù nó đã từng được trồng tại đây. Với vị đắng đặc trưng, nó được sử dụng để gây sốt nhằm chống lại ngộ độc, mặc dù không được sử dụng cho các mục đích y học trực tiếp.

Người ta cho rằng loài này được Nitobe Inazo đưa vào Nhật Bản, vì thế mà có tên gọi trong tiếng Nhật là cúc Nitobe (Nitobegiku).

Ở Mexico, Dã quỳ được sử dụng để chữa bong gân, gãy xương, các vết thâm tím và các vết bầm giập. Còn ở miền nam Trung Quốc, nó được sử dụng để chữa trị một số bệnh đường da (như bệnh nấm bàn chân), ra mồ hôi trộm ban đêm, và là vị thuốc của toa thuốc lợi tiểu,  nhuận gan, chữa bệnh vàng da và viêm bàng quang.

Hơn thế nữa, Dã quỳ được bán tại thị trường thuốc thảo mộc ở Đài Loan như một loại trà để cải thiện chức năng gan.

Còn tại Việt Nam, Dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Nó được trồng khi đó để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Thân Dã quỳ chứa nhiều chất P, Ca, Mg nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây rất dễ sống. Tên Dã quỳ xuất hiện trên văn chương từ thập niên 1970, trước đó người ta gọi nó là Sơn quỳ. Đặc biệt, Dã quỳ đã được sử dụng làm biểu tượng chính cho lễ hội hoa Đà Lạt (tháng 12 năm 2005).

Một phát hiện thú vị, mang tính chất sinh học thân thiện với môi trường rất hữu ích của nhóm tác giả gồm 3 học sinh lớp 11 chuyên toán (Trường THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt) đã thí nghiệm thành công với sáng kiến “tác dụng của cây Dã quỳ trong phòng trừ sâu hại”. 

Cây Dã quỳ đã được nhóm học sinh chiết xuất làm dung dịch phòng trừ sâu hại trên cây trồng. Cách làm khá đơn giản bằng cách hái lá Dã quỳ hoang dại ven đường đưa vào trong cối giã nát rồi ép lấy nước bảo quản trong lọ thủy tinh. Khi thí nghiệm trên 2 chậu cây sen cạn, nhóm tác giả này đã thả 10 con sâu tơ từ 2-3 ngày tuổi trên mỗi chậu. Sau đó tiến hành phun dung dịch chiết xuất Dã quỳ nguyên chất trực tiếp lên thân sâu tơ, và phun vào lá sen. Theo dõi 1 giờ đồng hồ thì sâu không di chuyển được, khoảng 20 phút sau thì số sâu chết hết. Với sáng kiến này của nhóm tác giả đã đặt ra vấn đề cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để cân bằng bền vững môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, tăng độ an toàn của sản phẩm trên cây trồng và người sử dụng.  

Dã Quỳ còn gọi Cúc quỳ, Sơn quỳ, Quỳ dại, Hướng Dương dại, Hướng Dương Mexico, cúc Nitobe (danh pháp hai phần: Tithonia diversifolia) là một loài thực vật trong họ Cúc (Asteraceae). Nó được phân bổ rộng khắp trong các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, như Trung Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi. Phụ thuộc vào khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm, dạng cây bụi cao tới 2–3 m với thân cây mọc thẳng và đôi khi hóa gỗ. Hoa màu vàng đến vàng cam. Ở Việt Nam, Dã Quỳ thường ra hoa nhiều nhất vào mùa đông, vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên ở Đà Lạt, Pleiku...

Đọc thêm