Phương tiện gặp khó tại trạm ETC: Xử lý trách nhiệm khi để xảy ra lỗi kỹ thuật

(PLVN) - Liên quan đến những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC) tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc, ngày 22/2, Thủ tướng đã có Công điện yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công.
Thủ tướng yêu cầu có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC.

Không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ 1/6/2022

Theo nội dung Công điện 155/CĐ-TTg, trong thời gian qua, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đầu tư hệ thống thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc theo đúng quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay số phương tiện dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp (đạt khoảng 50% số phương tiện trên toàn quốc), điều này chưa phát huy tốt hiệu quả của hệ thống thu phí theo hình thức ETC. Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 01/6/2022.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ). Có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh), đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tiếp tục khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC đối với một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8544/VPCP-CN ngày 22/11/2021 của Văn phòng Chính phủ và Công điện này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhà cung cấp dịch vụ đề xuất gì?

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ đánh giá cao các chỉ đạo, chấn chỉnh và định hướng của Thủ tướng trong Công điện vừa ban hành.

Theo Cty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), tính đến hết tháng 1/2022, tổng số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass đạt gần 1,2 triệu, góp phần nâng tỉ lệ phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tại Việt Nam từ 25% lên hơn 50%, tăng trưởng gần 100% chỉ sau hơn 1 năm khai trương dịch vụ.

“Trong tương lai, song song với việc tiếp tục đẩy mạnh tiến độ phổ cập dịch vụ thu phí không dừng, VDTC muốn xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh, tiếp tục phục vụ người dân, đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế. VDTC đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ thông qua xúc tiến triển khai các dự án giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc cũng như các bãi đỗ xe, bến cảng, sân bay” - Đại diện nhà cung cấp này kì vọng.

Về mục tiêu phổ cập 90% phương tiện sử dụng ETC khi lưu thông trên cao tốc, quốc lộ, ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cho rằng, đây là một mục tiêu rất thách thức cho cả VETC và VDTC, vì sau 5 năm triển khai đến hết tháng 12/2021 cả nước mới dán được khoảng 55% phương tiện trên cả nước (2,6 triệu/ 4,8 triệu xe). Còn một lượng lớn xe chưa sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là các xe chỉ lưu thông trong nội đô thành phố ít đi xa, hoặc các xe ở tỉnh lẻ không có trạm thu phí.

Ông Vinh nói VETC quyết tâm đạt được mục tiêu mà Thủ tướng giao, hiện cả VETC và VDTC rất ráo riết tuyển dụng bổ sung nhân sự triển khai trên tất cả các kênh để phục vụ khách hàng có nhu cầu dán thẻ. “Chúng tôi cũng đã và đang triển khai truyền thông rộng rãi hơn nữa để khách hàng hiểu và sử dụng dịch vụ ETC ngày càng tăng lên. VETC và VDTC phối hợp để nâng cao chất lượng kỹ thuật đảm bảo chỉ số kết nối giao dịch thành công. Tất cả các bên cùng phối hợp để nâng cao chất lượng vận hành làm hài lòng các chủ phương tiện, như thế, các các chủ phương tiện mới gắn bó và yêu thích dịch vụ ETC nhiều hơn” - Phó Tổng giám đốc Hồ Trọng Vinh nói.

Trong khi đó, theo VDTC, để đạt mục tiêu đề ra cần phải ưu tiên một số nhiệm vụ như: Tăng cường công tác tuyên truyền người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Nhanh chóng hoàn thành việc triển khai làn thu phí tự động tại 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ, đặc biệt các tuyến có lưu lượng lớn như Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận, các tuyến do nhà đầu tư VEC quản lý (Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi…).

Đồng thời triển khai các tuyến cao tốc, quốc lộ thuần ETC để kích thích tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng thu phí tự động của khách hàng. Xem xét mở rộng phạm vi kinh doanh của các nhà đầu tư BOO, để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nghiên cứu mở rộng hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng, từ đó đưa dịch vụ đến gần hơn với đời sống của khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến giao thông của khách hàng như các dịch vụ liên quan tới xăng, xe, đặt chỗ, tìm kiếm…

VDTC cũng kiến nghị mở rộng thêm các công nghệ nhận diện (hiện nay là RFID - vẫn có tỷ lệ lỗi) như DSRC, Virtual Station, có chế tài để hướng tới bỏ hoàn toàn Barie… Xem xét xây dựng trung tâm giám sát chất lượng dịch vụ online để đánh giá và yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ thường xuyên giám sát, bảo trì nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, đáp ứng các KPI.

Bên cạnh đó, nhà cung cấp này cũng đề nghị có kế hoạch kiểm tra định kì hệ thống của 2 nhà cung cấp dịch vụ và hệ thống frontend (hệ thống nhận diện phương tiện), đặc biệt tại các trạm BOT tự đầu tư để tránh việc xảy ra lỗi thường xuyên như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, Becamex Bình Dương hay lỗi hệ thống của VETC xảy ra trong tháng 1 vừa rồi. Cùng với đó triệt để áp dụng các chế tài xử lý đối với các phương tiện không dán thẻ đi sai làn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng khác.

Trước đó, Báo PLVN đã có loạt bài viết phản ánh hàng loạt vướng mắc trong việc triển khai việc thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC) tại một số tuyến cao tốc. Trong đó có dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ khiến khách hàng sử dụng dịch vụ ePass của Viettel thường xuyên bị làm khó khi qua trạm của Cty TNHH Thu phí tự động VETC. Bên cạnh đó, tuy đồng tình việc thí điểm áp dụng hình thức thu phí ETC đối với một số tuyến cao tốc nhưng để đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện chủ trương chung, người dân cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay, thậm chí cần tạm dừng thu phí với một số tuyến cao tốc mà chủ đầu tư chậm trễ, chây ì lắp đặt trạm thu phí điện tử không dừng (ETC) theo tiến độ mà Thủ tướng đã yêu cầu.

Đọc thêm