Ngắm ngôi nhà tranh làng Sen và hòn Đinh Hương trên tờ tiền
Tờ tiền 500.000 đồng in hình ảnh nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khu di tích lịch sử Kim Liên được đưa vào danh sách xếp hàng quốc gia đặc biệt và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ. Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 trước khi theo cha vào Huế. Đó là một ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, nhỏ bé, mộc mạc, giản dị dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre. Đây là nơi ở chính của cả gia đình, nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy học cho các con, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã nhen nhóm tư tưởng yêu nước, giải phóng dân tộc mãnh liệt trong Bác.
Ngôi nhà tranh đơn sơ nhưng lại ngập tràn tình yêu thương bao la. Tình yêu từ ngôi nhà, từ những con người nơi làng Sen ngan ngát, từ mảnh đất miền Trung kiên cường đã góp phần chắp cánh cho tình yêu của Bác bay xa, bay cao, vượt qua những đại dương lớn, mang về hòa bình cho đất nước hôm nay. Ngôi nhà đơn sơ nơi làng Sen cho ta thấy sự giản dị trong con người vị anh hùng dân tộc.
Hòn Đỉnh Hương thuộc quần thể vịnh Hạ Long được chọn in trên tờ tiền 200.000 đồng. Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được tạo nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động.
Hòn Đỉnh Hương là một hòn đảo nổi tiếng trong số cả trăm hòn đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long. Hòn Đỉnh Hương là hòn đảo có hình một lư hương khổng lồ. Đây là một trong những hòn đảo được đánh giá là tuyệt tác nghệ thuật được mẹ thiên nhiên ban tặng. Hòn Đỉnh Hương khổng lồ đặt giữa biển khơi là một hình ảnh rất thiêng liêng của Hạ Long, chiếc lư hương sừng sững đặt giữa đất trời bao la và sông nước mênh mông ấy là để dành cho cúng tế đất trời. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng, hình ảnh chiếc lư hương nằm giữa thiên nhiên bao la còn mang nhiều nghĩa sâu sắc. Hòn Đỉnh Hương không chỉ là một biểu tượng linh thiêng được tôn vinh trong lễ cúng tế đất trời mà còn là biểu hiện của lòng biết ơn đối với vua Rồng người đã giúp dân dẹp giặc. Bên cạnh đó, hòn Đỉnh Hương còn là một lời nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công lao của tổ tiên và những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ quê hương yêu thương của chúng ta.
|
Hòn Đỉnh Hương thuộc quần thể Vịnh Hạ Long được chọn in trên tờ tiền 200.000 đồng. (Ảnh: Bảo Châu) |
Tìm hiểu Khuê Văn Các, Phu Văn Lâu, chùa Cầu Hội An
Tờ tiền 100.000 đồng in hình Khuê Văn Các, biểu trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Quần thể kiến trúc với chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012. 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô.
Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805, là một trong 5 cổng chia khu vực nội tự của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành 5 lớp không gian khác nhau. Cổng Khuê Văn Các thuộc lớp không gian thứ hai - khu Thành Đạt, nằm giữa cổng Đại Trung và Đại Thành.
Khuê Văn Các là công trình độc đáo duy nhất tại Việt Nam trong suốt ngàn năm lịch sử, bởi lẽ trong số hơn 20 Văn Miếu ở khắp nơi trên đất nước thì chỉ có Văn Miếu tại Hà Nội mới có đơn nguyên kiến trúc này. “Khuê” tức là ngôi sao sáng, Khuê Văn Các là biểu hiện đỉnh cao của trí tuệ, là sự nhắc lại chân lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trên văn bia Văn Miếu.
Điều tạo nên sức cuốn hút cho biểu tượng gác Khuê Văn chính là những ô cửa tròn, tái hiện sống động hình ảnh ngôi sao Khuê sáng lấp lánh trên bầu trời, giống như thần thái của những vị hiền tài luôn toát lên vẻ đẹp của sự thông tuệ, tri thức, thông qua thiết kế 8 tiếp điểm, tỏa những đường thẳng chiếu ra xung quanh. Bốn mặt trên tầng lầu đều có chạm trổ một cặp câu đối viết bằng chữ Hán, nội dung đề cao đạo học và vẻ đẹp tuyệt mỹ của nơi đây. Ngay phía trên của khung cửa tròn là bức Đại Tự cổ đề dòng chữ Khuê Văn Các.
Nghênh Lương Đình được xây dựng vào năm 1852 (thời Vua Tự Đức thứ 5) với kiến trúc 1 gian 4 chái, mái lợp ngói ống lưu ly vàng, khung nhà toàn gỗ và được chạm trổ cực kì công phu. Nơi đây khi xưa vốn là địa điểm dùng để tiếp đón vua triều Nguyễn ra hóng mát, du ngoạn sông Hương bằng thuyền, tổ chức các buổi lễ hội của triều đình.
Phu Văn Lâu nằm ngay phía sau Nghênh Lương Đình, là công trình tương đối nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa lịch sử lẫn văn hóa vô cùng sâu sắc. Được biết, Phu Văn Lâu là địa điểm niêm yết, công bố những chiếu thư của vua nhà Nguyễn, đồng thời cũng là lầu danh dự của giới nho sinh khi bất cứ ai chỉ cần thi đậu tiến sĩ thời nhà Nguyễn cũng sẽ được xướng danh và dán tên tại đây.
Trên tờ tiền 20.000 đồng là hình ảnh chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) với vẻ đẹp kiến trúc cổ kính. Chùa Cầu được biết đến là biểu tượng du lịch của khu phố cổ. Nơi đây gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ kiến trúc mang đậm phong cách Nhật Bản. Chùa Cầu chính là nơi sầm uất với những hoạt động giao thương. Việc này không chỉ diễn ra trong nước mà còn mở rộng với các thương nhân nước ngoài. Đặc biệt, nơi đây đã còn chứng kiến sự giao thoa văn hóa của Đông Nam Á và Đông Á. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được dựng lại vào năm 1817. Ngày 17/2/1990, chùa Cầu được cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia.