“Quá mù ra mưa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Động thái của Công an TP HCM ngày 24/3/2022 khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng, một doanh nhân nổi tiếng tại phía Nam; đã chấm dứt một “hiện tượng mạng” bị đánh giá có dấu hiệu làm lệch lạc nhận thức của một số người.
Cơ quan công an đã bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
Cơ quan công an đã bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng

“Sự kiện” này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của rất nhiều người, không chỉ theo dõi online mà theo dõi cả offline. Trên nhiều tờ báo, thậm chí tường thuật trực tiếp sự việc cơ quan tố tụng đọc lệnh bắt, thi hành lệnh khám xét nơi ở của bà Hằng. Trên thực tế, tại nơi ở của bà Hằng tại TP HCM, người hiếu kỳ tò mò đến chứng kiến sự việc đông nghẹt như xem pháo bông, cả trăm cảnh sát phải vất vả giữ trật tự.

Một điều quan trọng khác, động thái bắt “hiện tượng mạng” Nguyễn Phương Hằng đã cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng “tự do ngôn luận” tới mức “quá mù ra mưa”; cho thấy lằn ranh giữa “tự do ngôn luận” với “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” là rất rõ ràng. Xâu chuỗi các động thái của cơ quan tố tụng, có thể thấy các đơn vị liên quan đã xác minh điều tra rất kỹ lưỡng trước khi bắt bà Hằng: Đối tượng trước đó đã bị cấm xuất cảnh, các quyết định và lệnh của CQĐT đã được VKSND phê chuẩn.

“Hiện tượng mạng” Nguyễn Phương Hằng nổi lên khi bà Hằng lên tiếng “bóc phốt” một số nghệ sĩ, cho rằng ăn chặn tiền từ thiện, đời tư “không đàng hoàng”; tố cáo một người tự xưng “thần y” nhưng thực ra không có khả năng chữa bệnh gì; tố cáo một người tự xưng nhà tu hành để thực hiện những hành vi phạm tội… Là một “đại gia”, thành công trên thương trường, những tố cáo của bà Hằng kèm theo một số hồ sơ văn bản chứng từ tạm gọi là chứng cứ và “nhân chứng”, thêm cách nói “quá mức bình dân”, lại còn được “lên sóng” rất bài bản… nên thu hút một lượng “fan” vô cùng đông đảo. Không ít người coi những buổi livestream của bà Hằng là “tầm phào”, nhưng cũng không ít người coi bà Hằng là “thần tượng”, là “hiệp sĩ mạng kiểu mới”. Thậm chí có người vì quá “hâm mộ” bà Hằng, nên khó chịu… đánh sập mạng một cơ quan truyền thông có ý kiến góp ý với bà Hằng.

Thực tế cho thấy, những tố cáo của bà Hằng có cái sai, có cái đúng. Công an Long An đã khởi tố vụ án đối tượng tự xưng nhà tu hành để điều tra. Thế nhưng, Công an TP HCM cũng khẳng định chuyện bà Hằng “tố cáo” bị người tố cáo hành hung ngay khi làm việc tại trụ sở công an là sai sự thật. Ít tiếng đồng hồ trước khi bà Hằng bị bắt, một người từng bị bà Hằng tố cáo và nay tố cáo ngược lại bà Hằng, cũng đã trình báo bất ngờ bị một nhóm người hành hung ngoài đường.

Với những tố cáo chưa chính xác của bà Hằng, có thể bà Hằng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu thực sự chỉ thực hiện quyền tố cáo theo Luật Tố cáo, nếu bà Hằng không có những động thái “quá mù ra mưa”. Trong thông báo chính thức của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, nêu rõ: “Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Và đặc biệt “quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP HCM và các địa phương khác”. Lằn ranh giữa quyền tố cáo và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” như vậy rất rõ ràng. Và “quá mù ra mưa” là như vậy.

Đọc thêm