Bản hợp đồng xã cho thuê đất
Trước đó, 25 hộ dân thôn Đồng Danh (xã Phú Thành) có đơn, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết sự việc ông Nguyễn Văn Đóa (ngụ thôn Đồng Danh) sử dụng máy xúc đào đắp, san lấp “làm biến dạng hiện trạng đất, xâm phạm, lấn chiếm hàng chục ha đất nông nghiệp của người dân địa phương”.
Cũng cho rằng ông Đóa đã sử dụng máy đào đắp ao trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình khai hoang, còn có đơn của ông Nguyễn Tiến Long (do ông Bùi Văn Hiển, ngụ thôn Đồng Danh, ủy quyền).
Theo một số tài liệu và nhân chứng, thì khu vực đất mà một số người dân có đơn, thường gọi là khu Thung Sẻ - núi Con Cờ; trước đây phần lớn là đất trũng, nhiều diện tích do người dân tự vào khai phá, vỡ hoang. Do vậy, để làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, cần phải dựa vào tài liệu địa chính, so sánh thực tế sử dụng và các nguồn căn cứ khác.
Tại bản đồ địa chính thôn Đồng Danh (thường gọi là BĐ 299) thể hiện, phần lớn đất cánh đồng Thung Sẻ từ đường mương dẫn nước trở ra là đất đã giao theo Nghị định 64/CP (ban hành năm 1993); còn đất phía bên kia mương là đồng cỏ.
Hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Đóa thuê đất do UBND xã Phú Thành lập ngày 10/8/2008 xác định, trong 21,3ha đất đã được quy hoạch để sản xuất vật liệu xây dựng và nuôi trồng thủy sản (theo Quyết định 44/UBND ngày 24/6/2005 của UBND huyện Lạc Thủy); tại khu Thung Sẻ có 9ha đất giao theo Nghị định 64, có 2ha đất núi giao theo Nghị định 02; và 4,3ha đất các hộ dân cư khai phá. “Diện tích đất còn lại 6ha là khu vực sình lầy ngập úng, hoang hóa nằm xen kẽ diện tích đất 64 đã giao”.
Cũng hợp đồng thuê đất, có nêu: “Diện tích đất đã giao theo Nghị định 64, Nghị định 02 và đất khai hoang, bên B (ông Đóa) tự thỏa thuận hoặc chuyển nhượng với các hộ có đất”. Như vậy, có thể hiểu, phần diện tích năm 2008 UBND xã cho ông Đóa thuê chỉ khoảng 6ha.
Năm 2010, Trung tâm kỹ thuật & Tài nguyên tiến hành trích đo hiện trạng khu vực đất của hộ ông Đóa. Trong đó, xác định tổng diện tích khu đo là 213.024,6m2, trong đó đất 1 vụ lúa: 61.081,5m2, đất bằng chưa sử dụng (đất thung lũng bán ngập): 129.845,3m2; đất núi đá 22.097,8m2. Tuy nhiên, cần lưu ý, đây là bản trích đo độc lập, không phải bản đồ địa chính.
Một số thông tin mâu thuẫn, chưa thống nhất
Quá trình xác minh đơn, ông Đóa (tại biên bản xác minh ngày 16/7/2021) cho rằng, có mua đất của dân bằng giấy viết tay, tổng diện tích mua khoảng 40ha (của 70-80 hộ). Nhưng trước đó, tại biên bản hòa giải ngày 16/9/2020, cũng ý kiến của ông Đóa lại cho rằng, diện tích đất đã mua của các hộ lên tới 76ha. Trong khi đó, tổng hợp từ sổ mục kê đất đai lập năm 2015, tại tờ bản đồ số 8, phần đất mang tên Cty CP Xây dựng & Du lịch Bảo Ngọc (do ông Đóa là người đại diện) có diện tích khoảng 10 ha.
Như vậy, thông tin về diện tích đất thực tế sử dụng của ông Đóa chưa thống nhất.
Trong khi, theo quy định của Luật Đất đai, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý mà Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người có quyền sử dụng. Kết quả giải quyết đơn của 25 hộ dân thôn Đồng Danh (Quyết định 196/UBND-TNMT ngày 10/2/2023 của UBND huyện Lạc Thủy) đã xác định: “Các hộ có tên trong đơn đều được cấp GCNQSDĐ hoặc GCNQSDĐ mang tên bố, hoặc mẹ của người có đơn”.
UBND huyện Lạc Thủy cũng cho rằng, việc mua bán chuyển nhượng đất giữa các hộ dân với ông Đóa là giao dịch dân sự chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền; là vi phạm điểm a, điểm d khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.
Liên quan đơn đề nghị của 25 hộ dân thôn Đồng Danh, ngày 26/5/2021, UBND huyện Lạc Thủy đã có Văn bản 62/TCD-XLĐ về việc kiểm tra, rà soát giải quyết đơn. Thực hiện công văn này, đến nay, Phòng TN&MT huyện này đã một số lần báo cáo.
Tuy nhiên, sau khi có Báo cáo 160/BC-TNMT ngày 29/4/2022; thì 6 tháng sau, ngày 2/11/2022, Phòng TN&MT lại có Báo cáo 461/BC-TNMT “thay thế Báo cáo số 160”. Mới đây, ngày 9/2/2023, Phòng TN&MT lại có Báo cáo 34/BC-TNMT cũng “thay thế Báo cáo số 160” về kết quả rà soát lại việc thu thập tài liệu hồ sơ tại UBND xã Phú Thành và làm việc với các hộ dân thôn Đồng Danh.
UBND huyện Lạc Thủy ngày 4/5/2022 đã ban hành Văn bản 713/UBND-TNMT; thì ngày 10/2/2023 vừa qua lại ban hành Văn bản 196/UBND-TNMT “thay thế Văn bản số 713” về việc giải quyết đơn đề nghị của 25 hộ dân. “Việc phải sửa chữa, thay thế văn bản nhiều lần cho thấy quá trình rà soát, giải quyết chưa thật sự chặt chẽ”, một người dân đánh giá.
Tại Văn bản 1721/UBND-TNMT ngày 4/10/2022 của UBND huyện Lạc Thủy giải quyết đơn của ông Nguyễn Tiến Long, có nội dung bị cho là chưa đúng. Theo đó, văn bản nêu: Rà soát bản đồ đo đạc địa chính chính quy số 08, đo vẽ tháng 6/2012, cho thấy, các thửa đất công dân có đơn (18, 19, 20, 37, 38, 40, 41, 42, 68, 69, 70, 71, 74, 75, 76, 122) “đều ghi đất thuộc UBND xã, không có tên của ông Bùi Văn Hiển hoặc ông Bùi Văn Huyên” như trong hồ sơ công dân cung cấp.
Tuy nhiên, đối chiếu bản đồ gốc lưu tại UBND xã, tờ bản đồ số 8, đo vẽ tháng 6/2012, Sở TN&MT Hòa Bình duyệt ngày 16/12/2015 với sổ mục kê đất đai lập năm 2015 kèm theo; lại cho thấy, các thửa đất nói trên đều mang tên người sử dụng, quản lý là “hộ ông Bùi Văn Huyên” hoặc “hộ ông Bùi Văn Hiển”.
Làm việc với PV, ông Lê Anh Thương, Trưởng Phòng TN&MT huyện xác nhận sai sót này và cho biết sẽ làm “văn bản chỉnh sửa”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.