Năm 1991, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên buộc gia đình bà Nguyễ̃n Thị Thược (mẹ chồng bà Nuôi) phải hoàn trả lại nhà ở địa chỉ trên cho vợ chồng bà Dương Thị Bời trong vụ kiện “tranh chấp nhà” mà bà Thược là bị đơn.
Sau phiên tòa, bị đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đến khi bà Thược mất thì bà Nguyễ̃n Thị Nuôi (là con dâu) - người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bị đơn tiếp tục khiếu nại. Tuy nhiên, vào các năm 2013, 2015 và 2018, Viện KSND Tối cao và TAND Tối cao lần lượt có thông báo không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án phúc thẩm theo đơn đề nghị của bà Nuôi.
Và cũng từ đó, vào năm 2005, hộ gia đình bà Nuôi cùng với các con cháu khoảng 19 người bị cắt hộ khẩu dù trước đó họ đã được cấp hộ khẩu vào ngày 16/12/1995. Việc không còn hộ khẩu khiến gia đình bà Nuôi rất vất vả trong việc sinh hoạt cũng như đi xin việc, học tập… Dù đã khiếu nại nhiều lần lên cơ quan chức năng nhưng vẫn không được giải quyết.
Hiện tại, hộ gia đình bà Nuôi vẫn bám trú địa chỉ trên vì họ cho rằng việc tòa các cấp xét xử không xem xét hết các bằng chứng, tài liệu mà gia đình bà cung cấp. Bà Nuôi cho biết lý do: “Mẹ chồng bà từng là vợ bé của một quận trưởng của chế độ cũ. Ông này mua diện tích 2.500m2 ở địa chỉ 111 Bà Hom cho Bà Thược ra ở đây và nuôi đứa con riêng duy nhất của 2 ông bà. Còn bà Dương Thị Bời là vợ chính của ông Thao và là nguyên đơn của vụ án “tranh chấp nhà” nói trên”.
Lý do gia đình bà Nuôi bám trụ ở đây được cho là trong Bản kê khai nhà cửa vào năm 1977 của cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể, các hội, các tôn giáo theo Quyết định ngày 23/3/1977 của Hội đồng Chính phủ thì người đứng kê khai là bà Nguyễn Thị Thược. Bản kê khai xác nhận người chủ sở hữu nhà là bà Nguyễn Thị Thược, số nhà 111, Bà Hom, phường 13, quận 6, TP HCM. Đến nay bà Nuôi cho rằng việc tòa phán quyết cho gia đình bà Bời sở hữu diện tích ngôi nhà này là không phù hợp, vì họ thực sự chưa bao giờ sống ở ngôi nhà này. Hộ khẩu, bản kê khai đều ghi rõ quyền sở hữu là của bà Thược và con cháu của bà.
Trong hồ sơ gửi Báo PLVN, gia đình bà Nuôi cho rằng, sự việc hộ gia đình bà bị đẩy ra đường vì một bản án, khiến Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã từng có Công văn số 19/KNQH ngày 9/3/2001 gửi Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh lúc đó, đồng kính gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Công văn nêu rõ: “Chúng tôi có nhận được công văn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 13, công văn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 6 tiếp tục kiến nghị Quốc hội có biện pháp xem xét lại bản án nói trên vì dư luận quần chúng nhân dân, đảng viên… ở địa phương không đồng tình cho rằng quyết định tại bản án nêu trên “có bất công và nhiều uẩn khúc, chưa thấu tình, đạt lý” và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoãn việc hợp thức hóa phần đất tại số 111 Bà Hom cho gia đình bà Dương Thị Bời…”.
Trao đổi vấn đề tại sao hộ gia đình bà Nuôi bị cắt hộ khẩu và đến bây giờ họ vẫn sống ở địa chỉ trên không có hộ khẩu. Lãnh đạo Công an quận 6 cho biết là đã có công văn trả lời khiếu nại của gia đình bà, nhưng khi PV hỏi gia đình thì họ cho biết là không nhận được văn bản nào từ công an quận.
Được biết, sau khi có bản án, con của bà Bời đã bán diện tích đất trên cho một người khác, nhưng do sự việc đang có tranh chấp nên người này cũng chưa thể sở hữu diện tích nói trên nên đã tố cáo sự việc ra cơ quan chức năng. Ngày 10/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Tuy nhiên, Viện KSND cùng cấp cho rằng dù người mua mới là chủ sở hữu nhà đất nhưng thực tế người này chưa ở ngày nào nên gia đình bà Nguyễ̃n Thị Nuôi không phạm vào tội “xâm phạm chỗ ở của người khác”. Do đó, ngày 11/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 6 ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án liên quan.