Diễn ra trong 2 ngày, với sự tham gia của đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế)..., SFOM tiếp tục thảo luận, đánh giá tiến độ triển khai các ưu tiên hợp tác đã được khởi xướng và thông qua tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2017 và chuẩn bị các nội dung báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra tổng cộng 7 phiên thảo luận. Trong đó, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - tài chính quốc tế và khu vực, đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức mà khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt và dự báo viễn cảnh khu vực trong thời gian tới; chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế thành viên và báo cáo tổng kết tình hình triển khai sửa đổi pháp luật và áp dụng các biện pháp xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các thành viên APEC trong năm 2017.
Hội nghị cũng bao gồm các phiên thảo luận về đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và phổ biến các kinh nghiệm tốt về xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro cùng các công cụ hạn chế rủi ro ứng dụng trong các dự án PPP ở các nền kinh tế đang phát triển trong APEC. Đặc biệt, hội nghị cũng thảo luận về việc xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai và phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai; các phương pháp thúc đẩy sự tiếp cận tài chính tại các khu vực phát triển nông nghiệp bền vững và nông thôn…
Ông Vũ Nhữ Thăng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính; Chủ tịch SFOM) cho hay, với vai trò là chủ nhà SFOM, Việt Nam đã chủ động đề xuất hội nghị thảo luận những nội dung mà Việt Nam quan tâm; chia sẻ những kinh nghiệm hay của nước ta trong quá trình bảo hiểm rủi ro thiên tai, quá trình phát triển nền nông nghiệp, nông thôn... Qua thảo luận với các nước thành viên APEC, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của họ để xây dựng lộ trình phù hợp cho mình.