Quản lý chung cư, khu dân cư: Xét tận gốc để “bịt lỗ hổng”

(PLVN) - Nhiều vấn đề liên quan đến quản lý phòng cháy, chữa cháy đã được đặt ra sau vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội vừa qua. Một số chuyên gia đã đóng góp ý kiến nhằm tìm ra hướng quản lý hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ cho người dân trong đô thị.
Hướng dẫn và diễn tập PCCC cho người dân tại quận Tân Bình, TP HCM. (Ảnh: PV)
Hướng dẫn và diễn tập PCCC cho người dân tại quận Tân Bình, TP HCM. (Ảnh: PV)

Các chung cư siết chặt quản lý

Sau vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội và nhiều vụ cháy lớn, nhỏ gây hậu quả đáng buồn thời gian qua, dư luận hiện sục sôi quan tâm đến các vấn đề phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các khu dân cư, chung cư. Tại các khu căn hộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều ngày qua, các ban quản lý (BQL) chung cư cũng liên tục ban hành những văn bản liên quan đến PCCC.

Chị Lê Ngọc Bảo Trâm, ngụ tại một chung cư ở quận 9, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mới đây, BQL chung cư chúng tôi đã ra văn bản gửi đến các hộ dân về quy chuẩn mới PCCC tại toàn bộ khu dân cư và cho các căn hộ. Thực tế, chung cư tôi đã hoạt động lâu năm, thời gian qua BQL cũng khá lơ là trong vấn đề này, nhiều người dân để đồ lấn chiếm hành lang ở các tầng, đốt vàng mã, cư dân có báo cáo nhưng BQL không xử lý, đến nay mới bắt đầu quan tâm. Gia đình em gái tôi ở một chung cư của Nhà nước thuộc diện trả góp, quản lý rất nghiêm. Đến giai đoạn cấp “sổ hồng”, phường xuống thông báo phải tháo hết giàn bao dân cư tự giăng rào phía sau ban công nhà thì mới cấp sổ. Sau đó cũng thường xuyên kiểm tra xem có nhà nào tái phạm không, có nguy cơ cháy nổ không. Thiết nghĩ, khu dân cư, chung cư nào cũng quản lý như thế thì đỡ rủi ro biết bao nhiêu”.

Theo bà Nguyễn Phan Vân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Quản lý tòa nhà Đông Sài Gòn, thực tế đối với các tòa nhà mới xây dựng, công tác quản lý PCCC sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn vì cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và nghiêm túc trong việc quản lý, xét duyệt theo quy chuẩn. “Trong công tác quản lý tòa nhà, chúng tôi đặt ra những quy chuẩn quản lý PCCC về lưới bao, về dụng cụ trang bị PCCC, quy tắc an toàn, thông thoáng tại hành lang, lối thoát hiểm, tầng hầm để xe... Sau sự việc cháy nổ vừa qua, BQL cũng đã xây dựng văn bản mới, chi tiết hơn về các vấn đề an toàn cháy nổ, trong đó ngoài các quy chuẩn cũ còn hướng dẫn thêm người dân về sử dụng các loại bếp, hướng dẫn sạc pin các thiết bị điện, điện tử, các chất có thể dễ dàng cháy nổ không được trữ trong nhà... Sắp tới BQL sẽ tăng cường hơn nữa mật độ kiểm tra định kì các tòa nhà và tổ chức các buổi diễn tập PCCC cho đội ngũ BQL, nhân viên bảo vệ và đội ngũ vệ sinh tòa nhà”, bà Quỳnh cho biết.

Ngăn chặn “biến tướng” trong xây dựng nhà ở

Theo các chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu hiện nay không chỉ là truy trách nhiệm vụ cháy thuộc về ai, sai phạm thế nào, mà cần quan tâm đặc biệt đến tăng cường quản lý như thế nào để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm như vừa qua.

ThS. KTS Nguyễn Văn Châu, chuyên gia có kinh nghiệm tham vấn nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc đô thị tại TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội làm dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề PCCC nhưng thực tế vấn đề này đã ra “cơn địa chấn ngầm” trong giới kiến trúc lâu nay. Theo KTS Nguyễn Văn Châu, vấn đề lớn hiện nay chúng ta cần quan tâm đến là với dạng công trình cũ, khu dân cư đông đúc, biến tướng thì công tác PCCC được chủ đầu tư làm thế nào và cơ quan nhà nước có biện pháp quản lý ra sao.

Với các công trình này thì những vấn đề quan trọng liên quan đến PCCC cần quan tâm bao gồm: Sức chứa hiện có của công trình; Cấu trúc, bố trí nhà liên quan đến giao thông, thiết kế ban đầu còn giữ hay là đã bị biến tướng, thay đổi; Tình trạng nhà đã xuống cấp đến đâu; Hàng hóa, các vật dễ cháy đang chứa trong công trình: cản trở giao thông, gây thêm khó khăn với khói, lửa khi đám đông lao đi tìm lối thoát hiểm; Kỹ năng, kiến thức ứng phó khi có sự cố cháy nổ của người đang sinh sống và làm việc trong tòa nhà.

Việc người dân tập trung ở các khu trung tâm, đông dân cư để tiện cho việc học hành và làm việc là nhu cầu rất bình thường, đồng thời do chi phí sinh hoạt cao, áp lực về tài chính lớn nên chuyện “nhồi nhét” nhiều người vào trong một không gian để tiết kiệm chi phí là điều không tránh khỏi. Trong khi nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội còn nhiều vấn đề chưa tiếp cận được đến người có nhu cầu thật sự thì mô hình “chung cư mini”, nhà trọ giải quyết được “bài toán” đó. Và đây cũng là “bài toán” khó, cần đến sự phối hợp của nhiều cơ quan trong nhiều lĩnh vực.

Ở khía cạnh luật pháp, ThS. KTS Nguyễn Văn Châu trăn trở, ngoài các tiêu chuẩn về không gian, khoảng lùi, độ cao công trình… như hiện nay, nên chăng Nhà nước có những quy định liên quan đến số người ở và diện tích công trình. Nếu số người vượt quá quy định thì phải đáp ứng các điều kiện về PCCC,… Rà soát lại những công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được duyệt PCCC vì nhiều lý do (thay đổi công năng; quy định mới ban hành trong khi công trình theo tiêu chuẩn trước đó,…) và tìm hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư hoàn thiện các vấn đề còn bị vướng nhằm hoàn chỉnh hệ thống PCCC.

Ở khía cạnh văn hóa truyền thống, làm sao để phân biệt nhà có nhiều thế hệ ở và nhà có nhiều người thuê ở. Con số cụ thể thế nào cần các nhà làm luật, các ban ngành liên quan ngồi với nhau cân nhắc kỹ các thông tin để có được kết quả hợp tình, hợp lý và phù hợp với điều kiện hiện nay. Về kiến trúc, ThS. KTS Nguyễn Văn Châu cho rằng, các chủ đầu tư cần tuân thủ theo đúng công năng của giấy phép xây dựng. Các vị trí liên quan đến ô giếng trời, cầu thang, hành lang cố gắng mở nhiều cửa thông thoáng nhưng vẫn tuân theo quy định của pháp luật về khoảng cách được mở cửa và nhất là phải bảo đảm cho công trình phần an ninh, sử dụng không bị mưa, thấm,… Cần nghiêm ngặt quản lý các kho hàng, các loại vật liệu dễ cháy cũng như hàng hóa làm ảnh hưởng đến phần giao thông của công trình, nhất là khi có sự cố, cần thoát hiểm.

Cạnh đó, còn một số khía cạnh khác cũng rất cần quan tâm, đẩy mạnh như cách thức truyền thông đến dân, về giáo dục con người, nâng cao ý thức PCCC không chỉ tại các tòa nhà mà cả các khu dân cư, đặc biệt là khu dân cư đông đúc, hẻm chật hẹp.

Đọc thêm