Quản lý kinh doanh taxi ở Hà Nội: Mô hình... “lá lành đùm lá rách”?!

(PLO) - Dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội” bị hầu hết các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) kinh doanh taxi phản đối bởi sự vô lý đến bất bình thường. Thậm chí, nhiều luồng dư luận cho rằng, Hà Nội đang tính đến mô hình quản lý kinh doanh taxi theo kiểu “lá lành đùm lá rách”?
Hà Nội chuẩn bị “ngăn sông cấm đò” trong hoạt động kinh doanh vận tải taxi?
Hà Nội chuẩn bị “ngăn sông cấm đò” trong hoạt động kinh doanh vận tải taxi?

Lo phá sản vì bị gom vào “một rổ”

Theo dự thảo này, UBND TP Hà Nội sẽ giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp làm việc với Hiệp hội taxi Hà Nội về một trung tâm điều hành chung (dự kiến thành lập vào quý II/2018) nhằm giảm chi phí và điều hành hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp. Dự thảo còn đưa ra thông báo: “Nếu sau khi thành lập xong trung tâm điều hành chung, doanh nghiệp nào không tham gia, Sở GTVT sẽ đề nghị Cục Tần số cắt dịch vụ”.

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, với nội dung này, Hà Nội dự định sẽ xây một trung tâm và đưa tất cả các hãng về hoạt động cùng một địa điểm. Hiện Hà Nội có 80 hãng taxi, mỗi hãng trung bình có 20 nhân viên tổng đài. Nếu chia 3 ca làm việc thì bình quân mỗi ca có hơn 500 nhân viên cùng hoạt động. Các nhân viên này sẽ tiếp nhận toàn bộ các cuộc gọi và chuyển cuộc gọi đến các nhân viên bằng một hệ thống bộ đàm chung. 

“Điều này đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ phải xây dựng một trung tâm điều hành đủ lớn để cho hơn 500 người thường xuyên làm việc và sẽ phải thành lập thêm một bộ máy quản lý, điều hành trung tâm. Phần kinh phí này Hà Nội sẽ bỏ ra hay các hãng taxi phải phân bổ đều nhau?”, ông Bình đặt vấn đề. 

Tất cả đều hiểu rằng, trung tâm điều hành là một bộ phận quan trọng của các hãng taxi, là nơi tiếp nhận toàn bộ yêu cầu của khách hàng đến hãng, là nơi kiếm nguồn thu về cho hãng. “Lượng khách đặt hàng nhiều hay ít phụ thuộc vào từng hãng taxi nhưng Hà Nội lại đặt tất cả các hãng vào một trung tâm để quản lý. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN”, ông Bình khẳng định. 

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội còn tỏ ra băn khoăn về số tiền đã đầu tư vào các phần mềm, ứng dụng trong quản lý, điều hành xe. Ông cho biết,  hiện nay, các hãng taxi đều có các trung tâm điều hành hiện đại, sử dụng các ứng dụng, phần mềm gọi đặt xe riêng với giá trị rất lớn, số tiền đã đầu tư này, phần mềm đang sử dụng này sẽ xử lý ra sao? 

Việc đưa các DN về trung tâm điều hành chung có phải đưa mức cước phí về một giá chung không? Nếu chung thì đơn vị nào sẽ quyết định giá cước? Giá cước được xây dựng trên cơ sở nào cũng là những vấn đề mà đại diện các hãng taxi tỏ ra băn khoăn về dự thảo mới được đưa ra góp ý xây dựng. Hầu hết họ đều cho rằng, họ lo lắng, nếu dự thảo này được thông qua, nguy cơ phá sản các hãng taxi sẽ cực lớn.Bởi hầu hết đều khẳng định, số lượng khách hàng gọi đến tổng đài các hãng taxi hoàn toàn phụ thuộc vào thương hiệu, giá trị và chất lượng của từng hãng, được coi là tài sản riêng của các DN. Việc tập trung tất cả các cuộc gọi về một trung tâm như vậy bị coi là xâm phạm đến quyền tài sản của DN. 

Thậm chí, có đại diện còn đưa ra ý kiến “liệu đây có phải là cách kinh doanh “lá lành đùm lá rách” bởi đưa về một trung tâm điều hành đồng nghĩa với việc san sẻ lượng khách hàng đều cho các hãng, rõ ràng khiến DN đã có uy tín, nguồn khách hàng lớn sẽ thiệt hại nặng nề. Bù lại, DN nhỏ, mới, đầu tư ít sẽ hưởng lợi rất nhiều từ dự thảo này. 

“Việc xây dựng trung tâm điều hành chung là việc chiếm quyền điều hành của DN. Việc sử dụng trung tâm điều hành chung thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu từ các DN đã đầu tư rất nhiều năm mới có được để san sẻ cho các DN mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hậu quả là các DN sẽ không chịu đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ vì bất đồng giữa lợi ích - chi phí. Đề nghị bỏ quy định này” - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất. 

Phân vùng phục vụ của taxi là không khả thi 

Ngoài việc xây dựng một trung tâm điều hành chung, Dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội” còn bị cho rằng, Hà Nội đang quay trở lại với mô hình kinh doanh kiểu “ngăn sông cấm đò” khi đặt quy định về vùng phục vụ.

Theo quy định này, DN phải xây dựng phương án kinh doanh theo vùng để trình Sở GTVT phê duyệt. Phương án kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí: vùng phục vụ, biển số xe hoạt động theo vùng, mầu sơn, điểm đỗ, điểm dừng đón trả khách, địa điểm giao ca,… DN được đăng ký nhiều khu vực hoạt động trên mỗi vùng phục vụ. Trong một tháng, xe taxi phải đảm bảo thời gian phục vụ trong vùng đăng ký phục vụ 70%.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội taxi, việc phân vùng là không khả thi vì địa giới giữa các quận huyện không phải ai cũng nắm rõ và phân biệt được chính xác. Đại diện hiệp hội này cho rằng, mục tiêu hiện nay của taxi truyền thống là giảm số km rỗng (không chở khách), do đó quy định thêm về vùng phục vụ lại làm tăng số km rỗng này vì xe vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động mà không được đón khách ở vùng 2.

Chưa hết lo lắng về quyền kinh doanh có thể bị chiếm đoạt về việc bị “ngăn sông cấm đò” trong việc đón trả khách, các hãng taxi Hà Nội còn “méo mặt” với quy định về quyền khai thác kinh doanh và đấu giá quyền khai thác kinh doanh. 

Về nội dung này, mỗi xe taxi sẽ được cung cấp quyền khai thác trong vòng 8 năm. Sau khi hết thời gian trên, doanh nghiệp sẽ phải thay thế phương tiện mới và phải đấu thầu để mua quyền khai thác cho phương tiện. Trường hợp thay xe trước thời hạn thì thời hạn kinh doanh của xe chỉ được tính bằng quyền khai thác còn lại của phương tiện trước đó.

Từ góc độ DN, Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định, nếu thực hiện “đấu giá quyền khai thác kinh doanh” đối với taxi thì vô hình chung đẩy DN vào thế bị động, DN bị tước đi quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, quyền tự chủ kinh doanh. Thay vì được tự chủ thay đổi phương tiện thì các DN phải đấu giá mua lại “quyền khai thác kinh doanh” của chính chiếc xe mà DN vừa thay thế. Việc này làm gia tăng chi phí, khiến giá taxi tăng cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng và tạo sự bất an cho DN. 

Chiếm quyền điều hành của doanh nghiệp

“Việc xây dựng trung tâm điều hành chung là việc chiếm quyền điều hành của DN. Việc sử dụng trung tâm điều hành chung thực chất là lấy đi giá trị thương hiệu từ các DN đã đầu tư rất nhiều năm mới có để san sẻ cho các DN mới, quản lý yếu kém, ít đầu tư. Hậu quả là các DN sẽ không chịu đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ vì bất đồng giữa lợi ích - chi phí”. - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình 

Đọc thêm