Quản lý, sử dụng phải phát huy cao nhất nguồn lực đất đai cho phát triển

(PLVN) - Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo “Quan điểm và định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới" đều thống nhất khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý...

Tồn tại, hạn chế trong công tác đất đai chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Sáng 25/8/2021, tại Hà Nội, Ban Kinh tế TW và Hội đồng Lý luận TW đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Quan điểm và định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chủ trì Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Ban Chấp hành TW khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (gọi tắt là Nghị quyết 19-NQ/TW), tiếp tục khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước thống nhất quản lý, quyền sử dụng đất là một loại tài sản, là hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; xác định rõ hơn quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, cùng với nhiều vấn đề quan trọng khác, là cơ sở quan trọng để hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Đất đai 2013, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất như: Nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng, sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả, trong đó có một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường; tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tình trạng suy giảm chất lượng, ô nhiễm, thoái hóa đất, xâm thực diễn biến phức tạp... Cùng với đó, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Thống nhất nhiều quan điểm, định hướng, giải pháp đột phá

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được các đại biểu tham dự trình bày và thảo luận để làm rõ thêm một số vướng mắc, hạn chế và tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, đặc biệt là quan điểm, định hướng và một số giải pháp mang tính đột phá về quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế TW

Theo đó, nhiều ý kiến thống nhất khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Làm rõ nội hàm của Nhà nước thống nhất quản lý; quyền chủ sở hữu của người dân; Hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý đất đai; Phát triển thị trường bất động sản...

Đánh giá cao những ý kiến sâu sắc đã làm rõ, thống nhất một số quan điểm, định hướng lớn trong quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam trong bối cảnh mới, Trưởng Ban Kinh tế TW, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW Trần Tuấn Anh nêu rõ: Thống nhất nhận thức về một số vấn đề lý luận về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền sử dụng đất là một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là sản phẩm của lịch sử phát triển khách quan; Chủ thể lợi ích trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là Nhân dân; quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lực, vậy nên nhân dân bảo vệ đất đai và sẽ định đoạt lợi ích phải thuộc về Nhân dân trước hết, trên hết. Các quan hệ về thị trường trong lĩnh vực đất đai sẽ được vận hành thông suốt trên nền tảng sở hữu toàn dân về đất đai xét về cả lý luận cũng như thực tiễn.

Theo Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh mới, công tác quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam cần có theo định hướng làm rõ nội hàm của Nhà nước thống nhất quản lý; quyền chủ sở hữu của người dân; làm rõ tính tài sản của đất đai; các mối quan hệ lớn trong quản lý và sử dụng đất...

Hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới công tác quy hoạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất; Đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý đất đai;

Phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất thực sự trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả; kết nối, liên thông với thị trường các nhân tố sản xuất khác; phát triển minh bạch, ổn định; phát huy cao nhất nguồn lực đất đai cho phát triển.

Hội thảo tập trung thảo luận kỹ đối với 4 nhóm vấn đề trọng tâm gồm:

Một là, làm rõ nội hàm của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý;

Hai là, làm rõ sự khác biệt về quyền của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu với quyền của Nhà nước trong vai trò quản lý nhà nước về đất đai;

Ba là, đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến đất đai;

Bốn là, đề xuất các giải pháp phân định rõ các loại hình đất đai, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng.

Đọc thêm