Sửa đổi Luật Đất đai mang tính cấp bách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đất đai là nguồn lực đặc biệt, do vậy sửa đổi Luật Đất đai mang tính cấp bách.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm tại một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016).

Theo dõi kết luận thanh tra nơi này, nơi khác, ở dự án này, dự án khác gần đây về quản lý, sử dụng đất đai cho thấy sai phạm không ít. Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn.

Nguyên nhân của những hạn chế được nhận định là do quan hệ quản lý, sử dụng đất đai có tính lịch sử, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần, trải qua nhiều thời kỳ nhưng không được giải quyết dứt điểm, đồng bộ nên khó khăn trong xử lý theo pháp luật tại thời điểm hiện tại. Một số quy định của Luật Đất đai còn bất cập, hạn chế; chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật hiện hành.

Chính vì bất cập của Luật Đất đai, cử tri nhiều tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục đề nghị sửa Luật Đất đai, đặc biệt các điều khoản liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng... Ngay tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội XV đang diễn ra, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2025.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước… Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa XV tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp Bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới, Thủ tướng nêu rất cụ thể.

Đọc thêm