Hiện nay, Việt Nam và thế giới vẫn còn đang có nhiều tranh luận về khoa học giảm thiểu tác hại của các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng). Thế nhưng, giới khoa học đang chứng kiến ngày càng có nhiều căn cứ chứng minh và công nhận của các quốc gia về hàm lượng các chất gây hại và có khả năng gây hại trong thuốc lá làm nóng ít hơn thuốc lá điếu.
Những minh chứng khoa học này đã được các chuyên gia y tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, kỳ vọng sẽ góp phần vào việc kiểm soát thuốc lá điếu cũng như cơ hội cho những người hút thuốc lá trưởng thành có được lựa chọn tốt hơn cho sức khỏe của họ.
Cai thuốc - nói dễ bỏ khó
Theo báo cáo gần nhất về xu hướng hút thuốc lá trên toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, mặc dù số lượng hút thuốc lá ở nam giới có giảm nhưng tiến trình đáp ứng mục tiêu toàn cầu các quốc gia đặt ra là giảm 30% tỷ lệ người hút thuốc lá vào năm 2025 vẫn không đạt được kết quả mong đợi. WHO cũng dự kiến, đến năm 2025 tổng số người hút thuốc lá vẫn giữ nguyên ở mức 1,1 tỷ người như hiện nay.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định, việc cai bỏ thuốc lá điếu bằng ý chí là điều rất khó. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp trong hàng chục năm nay nhưng tỷ lệ cai thuốc thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngay cả trong trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán bị ung thư phổi, họ vẫn tiếp tục hút thuốc dù được bác sĩ tư vấn rất kỹ và bản thân họ cũng hiểu thuốc lá độc hại như thế nào. Rõ ràng, việc cai thuốc là điều không dễ dàng.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương. |
Cùng ý kiến, BS Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV cho biết, có khoảng 90% người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc lá nhưng không bỏ được. “Lý do của việc không cai bỏ được hoặc tái nghiện thuốc lá là do hai yếu tố: nghiện nicotin và nghiện hành vi (động tác hút thuốc). Vì vậy, các liệu pháp thay thế nicotin trong dược phẩm (như miếng dán, kẹo ngậm, chai xịt nicotin…) vẫn thất bại”, BS Phương giải thích.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc nghĩ tới giải pháp giảm thiểu tác hại là cần thiết và cai hút thuốc cho đến nay vẫn là giải pháp tốt nhất. “Tuy nhiên đối với những nhóm không thể hoặc không muốn cai thuốc, chúng ta cần phải có biện pháp khả thi hơn cho họ, là ví dụ như giảm thiểu tác hại”, PGS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ thêm.
Thuốc lá điếu gây hại thì cần chấp nhận giải pháp giảm thiểu tác hại
Sự hiện diện của thuốc lá thế hệ mới đã làm thay đổi chiến lược quản lý thuốc lá của nhiều quốc gia. Đến nay, đã có nhiều quốc gia buông bỏ quan điểm “bỏ thuốc hay là chết” trong chiến lược kiểm soát thuốc lá điếu.
Thay vào đó, họ đưa thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử trở thành giải pháp giúp giảm thiểu tác hại cho nhóm người lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Ngoài ra, vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền kêu gọi cai nghiện với tất cả các loại thuốc lá và nicotin như WHO khuyến nghị.
Uruguay là quốc gia gần đây minh chứng rõ nét nhất cho việc cởi mở và chấp nhận khoa học giảm thiểu tác hại. Vào đầu năm 2021, Tổng thống Uruguay cùng tất cả các Bộ trưởng (bao gồm Bộ Y tế cộng đồng) đã ký đồng thuận việc thu hồi lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng trước đó. Để đi đến quyết định này, Chính phủ Uruguay nhận thấy cần phải có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng bằng cách tìm kiếm các công cụ và đưa ra giải pháp thực tiễn đối với vấn nạn hút thuốc lá, bao gồm các giải pháp, sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đốt cháy.
Thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh minh họa) |
Lý giải cho việc đưa thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là thuốc làm nóng vào quản lý một cách có hệ thống trong chiến lược kiểm soát thuốc lá, nhiều quốc gia đều đồng thuận với kết quả kiểm nghiệm thuốc lá làm nóng vì có đầy đủ căn cứ khoa học và thấy rằng những sản phẩm này làm giảm thiểu mức phơi nhiễm của người dùng với các chất độc hại so với hút thuốc lá điếu đốt cháy.
Chẳng hạn, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh như một sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ. Bên cạnh đó, FDA cũng công nhận các căn cứ cộng hưởng từ những quốc gia có nền khoa học tiên tiến như Anh, Nhật, Đức, Ý, Nga, Hà Lan…
Kết luận của FDA cũng nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế. “Giai đoạn bây giờ không phải là giai đoạn tuyên truyền về nhận thức và giáo dục tác hại của thuốc lá nữa, mà phải có chế tài hoặc tìm ra những biện pháp nhằm giảm nhẹ nguy hại cho người sử dụng thuốc lá. Đứng dưới góc độ chính sách đối với cộng đồng, cách tiếp cận đó phù hợp”, BS Lê Đình Phương nhận xét.
Với thuốc lá, nicotin không phải là nguyên nhân gây ung thư mà nguyên nhân chính là do các phân tử trong khói tạo ra từ quá trình đốt cháy thuốc lá điếu. Điều này đã được tuyên bố bởi Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe chất lượng cao Quốc gia của Anh (NICE).
“Từ góc độ của bác sĩ chuyên khoa ung thư, khi bệnh nhân hút thuốc, lượng chất gây ung thư phơi nhiễm với cơ thể càng lớn thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Theo công bố của FDA, khi cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh như là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ, sản phẩm thuốc lá làm nóng này có đầy đủ bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm phơi nhiễm của cơ thể với các chất độc hại”, PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết.