Quản lý thuốc lá mới: Vừa đảm bảo sức khỏe người dân và nguồn thu cho ngân sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi 100% thuốc lá mới đều là nhập lậu.
Quản lý thuốc lá mới: Vừa đảm bảo sức khỏe người dân và nguồn thu cho ngân sách

Tại Tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hôm 19/10, các ý kiến đã nêu lên một nghịch lý là nhóm sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… hiện chưa được phép nhập khẩu nhưng các sản phẩm này lại vào Việt Nam qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng phổ biến trong xã hội, cộng đồng.

Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành Y tế và toàn xã hội nói chung.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam quả quyết, thuốc lá mới 100% đều là hàng nhập lậu.

Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường phòng chống buôn lậu thuốc lá mới song “tình hình vẫn diễn biến phức tạp”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ, thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi.

Song, điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang hướng đến giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả một điều tra lứa tuổi 13 - 15 cho thấy, có tới 60% các em trả lời đã được người khác cho, tặng thuốc lá điện tử lậu, 20% đi mua và 2% là mua từ chính các bạn của mình. Các sản phẩm lậu hướng tới đối tượng là trẻ, với mẫu mã đa dạng bắt mắt, hương vị hấp dẫn, thu hút. “Đây là thực trạng rất đáng báo động!”- ông Hạ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường.

Đồng thời việc cấm mặt hàng này cũng không khả thi về mặt thực tiễn. Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

100% thuốc lá mới nhập vào Việt Nam đều là nhập lậu.

100% thuốc lá mới nhập vào Việt Nam đều là nhập lậu.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, 28 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung là phần lớn đều áp dụng quy định theo Luật PCTHTL của nước sở tại…

Về phía Bộ Công Thương đã có 2 lần trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định này theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.

Dẫn Luật PCTHTL trong đó quy định phạm vi điều chỉnh là “về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL”, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Việt Nam vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu “điều kiện bảo đảm để PCTHTL” theo quy định của Luật.

Cùng với đó, quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, cần thiết phải có cơ quan chức năng để đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, môi trường sống, môi trường xã hội. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho dòng sản phẩm mới này.

Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có những biện pháp tức thời để kiểm soát ngay vấn đề giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá mới, chẳng hạn như kiểm tra độ tuổi, quy định chặt chẽ kênh bán lẻ, xử lý nghiêm minh các vi phạm đối với vấn đề nhập lậu, lưu thông sản phẩm không đúng luật...

Theo ông Hạ, dựa trên Luật PCTHTL, có thể áp dụng lệnh cấm đúng đối tượng, đúng mục đích, đó là cấm quảng cáo, mua bán, cho tặng đối với thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: “Tinh thần của Chính phủ đối với vấn đề thuốc lá mới là tôn trọng thực tế khách quan, nhưng vẫn có những biện pháp đồng bộ, vừa bảo đảm người dùng được dùng hàng chất lượng và bảo đảm không thất thu ngân sách của Nhà nước…”.

Ông cũng nhấn mạnh, bảo đảm quản lý được thuốc lá mới trên thị trường về giá để không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận và cuối cùng là bảo đảm yếu tố bao trùm là bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đọc thêm