Quảng Bình gấp rút chống bão số 4

(PLO) - Chính quyền địa phương và người dân tỉnh Quảng Bình đã triển khai công tác phòng chống bão số 4 rất khẩn trương từ trưa 25/7 và càng hối hả hơn về cuối ngày.
Tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu trên sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới (Quảng Bình).
Tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu trên sông Nhật Lệ, TP. Đồng Hới (Quảng Bình).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình -  ông Lê Minh Ngân cho biết, hiện tất cả các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển tỉnh Quảng Bình đã vào bờ neo đậu. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 2, tỉnh này đã khẩn trương chỉ đạo các cấp, ban ngành kiểm tra và hướng dẫn cách neo đậu thuyền cho ngư dân đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 9h sáng 25/7, đã có  3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ neo đậu, tránh bão an toàn. Hiện tỉnh này còn 97 tàu với 800 ngư dân đang hoạt động trên biển Đà Nẵng.

Ngư dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đội mưa neo buộc tàu cá chống bão.
Ngư dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đội mưa neo buộc tàu cá chống bão.

Các chỉ đạo phòng chống bão số 4 của UBND tỉnh Quảng Bình đặc biệt chú ý đến khu vực Cảng Hòn La, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Cách đây hơn 1 tuần, dù không nằm trong tâm bão số 2 nhưng như dân ở khu vực cảng này lại gánh chịu hậu quả rất nặng nề, thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện yêu cầu Sở NN-PTNT, Bộ chỉ huy BĐBP, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Công điện cũng yêu cầu chính quyền cấp huyện, thị, thành phố; Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình tổ chức kiểm tra, cử cán bộ trực tại các hồ chứa để thực hiện việc tích nước theo thiết kế và theo dõi bảo đảm an toàn hồ chứa, an toàn đập cũng như vùng hạ du; Kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, các khu vực thấp trũng để sẵn sàng triển khai khi cần thiết; Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị bố trí sẵn lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống để bảo đảm giao thông thông suốt.

Người dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chằng chống nhà cửa đón bão.
Người dân huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chằng chống nhà cửa đón bão.

Trưa 25/7, thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình cho biết, trong vòng 24 giờ tới tỉnh này sẽ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm cả đợt, có nơi trên 250mm).

Dự báo trong ngày và đêm 25/7, khu vực miền núi và đồng bằng ven biển đều có mưa to đến rất to và dông, đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh. Cụ thể, ở miền núi sẽ có gió bão cấp 6, giật cấp 7 – 8; ở đồng bằng ven biển, gió bão cấp 6 - 7, giật cấp 8 – 9; Vùng biển có gió bão cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao 2 - 4m, biển động rất mạnh.

Một ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) khẩn trương neo buộc tàu cá.
Một ngư dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) khẩn trương neo buộc tàu cá.

Theo ghi nhận của PLVN, từ sáng 25/7 từng đợt mưa lớn, gió mạnh đã xuất hiện trên hầu khắp các địa phương ở Quảng Bình. Ngư dân tại tỉnh này đang tích cực đội mưa, hối hả đưa các tàu, thuyền vào các điểm neo đậu nằm sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn.

Phía trong đất liền, người dân nhiều vùng xung yếu đã khẩn trương công tác gia cố, chằng néo nhà cửa và lên sẵn các phương án phòng chống với bão số 4.

Đọc thêm