Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to.
Tại Hòn Ngư (Nghệ An) đã có gió giật cấp 7, Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió giật cấp 6.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, 15km/h, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Sau khi đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1h ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Trong chiều nay, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3m.
Trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9; ở Nghệ An và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của bão số 4, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to (phổ biến 150-250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50-100mm cả đợt).
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-8.
Tại cuộc họp trực tuyến về ứng phó với bão số 4, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triệu tập, sáng nay, 25/7, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã cấm biến từ 18h hôm qua, 24/7. Đến sáng nay, Hà Tĩnh đã kêu gọi hơn 6.200 tàu/17.000 lao động đã vào bờ neo đậu an toàn; các tàu khác đang trên đường trú tránh đều được giữ liên lạc thường xuyên.
Hà Tĩnh cũng đã di dời bà con trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Mở các cống tiêu thoát để bảo vệ 45.000 ha lúa và 10.000 ha màu.
Tỉnh Nghệ An cũng triển khai họp trực tuyến với các sở, ngành, huyện, thành phố để triển khai công tác ứng phó bão số 4, hoãn các cuộc họp không cần thiết đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực 24/24 giờ để ứng phó với bão.
Tỉnh đã tạm dừng việc tìm kiếm 2 thuyền viên còn mất tích trên tàu VTB26 bị chìm sau bão số 2, hoãn các cuộc họp để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Và đến sáng nay, Nghệ An còn 19 tàu với 95 tàu đang hoạt động trên biển, cơ quan chức năng đã liên hệ trên đường về. Toàn tỉnh có 625 hồ chứa, trong 263 hồ đầy nước, số còn lại là 60-70% dung tích. Các hồ đầy nước, phải theo dõi, để điều tiết nước đảm bảo an toàn. Hồ nào không đảm bảo an toàn thì không tích nước.
Tại Quảng Bình, đến sáng nay, không còn tàu cá nào của địa phương hoạt động trên biển. Rút kinh nghiệm bão số 2, tỉnh đã chỉ đạo trong việc sắp xếp, neo đậu tàu thuyền. "Đặc biệt, với tàu nhỏ gần bờ đã thông báo, kêu gọi, nếu cần sẽ cưỡng chế", ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết.
Quảng Trị đã cấm biến từ 14h hôm qua và kích hoạt kịch bản di dời dân vùng xung yếu, lũ quét, sạt lở đất. Hiện còn 18 tàu cá Quảng Trị chưa vào bờ, lực lượng chức năng cũng đã duy trì liên lạc, hướng dẫn các tàu này vào trú tránh ở Quảng Nam, Đà Nẵng.