Liên quan nội dung này, theo ông Lê Trí Thanh, cuối tháng 6 vừa qua, UBND huyện Núi Thành có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình các chủ tàu khai thác mực xà không tiêu thụ được sản phẩm. Ở nội dung báo cáo, huyện Núi Thành có 61 chiếc tàu khai thác mực xà với gần 2.000 lao động. Bình quân mỗi tàu câu mực đánh bắt được khoảng 20- 30 tấn mực khô/chuyến. Việc tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân chủ yếu thông qua việc thu mua của các tiểu thương và các tư thương xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Công văn "cầu cứu" của tỉnh Quảng Nam |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, phía Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Điều này yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc nên mực xà không xuất bán được. Chính việc thay đổi phương thức trên khiến ngư dân Núi Thành lâm vào tình cảnh điêu đứng với sản lượng mực khô chưa thể tiêu thụ lên tới 930 tấn. Trong đó, 800 tấn trên tàu ngư dân và khoảng 130 tấn trong kho của thương lái.
“Số lượng mực khô có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến cáo ngư dân cần bảo quản sản phẩm tại các kho mát để duy trì chất lượng”, ông Thanh nói.
Trước tình hình mực khô tồn đọng với số lượng lớn, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản xem xét, hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan trên đàm phán với Bộ ngành, Hải quan Trung Quốc để sản phẩm mực khơi khô của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Quảng Nam sẽ tra cứu thông tin liên quan đến những yêu cầu, điều kiện của Trung Quốc để hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch.