Ngày 5/11, ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, nước lũ lên nhanh khiến nhiều xã trong huyện bị ngập nặng. Theo đó, các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Liên ngập sâu từ 1m đến hơn 2m. Đường vào xã Hòa Liên bị chia cắt hoàn toàn. Phương tiện đi lại duy nhất là canô máy.
Tuyến đường Quốc lộ 14B nối huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và xã Đại Lộc (Quảng Nam) cũng đã bị phong tỏa. Hiện các lực lượng chức năng đang chốt chặn không cho người dân lưu thông để đảm bảo an toàn. “Tôi cùng các lãnh đạo huyện đang trực tiếp đến vùng rốn lũ để thị sát. Huyện đã chuẩn bị các phương án ứng cứu dân. Người dân ở vùng thấp trũng đang được di dời đến nơi an toàn”, ông Hành cho biết.
Tối ngày 5/11, nhiều thôn, xã ở huyện Hòa Vang bị chia cắt, người dân di chuyển bằng ghe máy |
Nhiều người dân huyện Hòa Vang cho biết, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã chia cắt vùng rốn lũ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) thành hai khu vực riêng biệt, nơi nước ngập sâu, nơi chưa có giọt nào. Thực tế, đợt lũ này nước lên nhanh ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương.
“Tuyến đường cao tốc ngăn đôi huyện Hòa Vang nên nước không thể thoát kịp. Các xã trước đây thường bị ngập nặng như Hòa Châu đến giờ này vẫn chưa thấy nước lũ. Nếu mưa tiếp tục lớn và thủy điện tăng cường xả lũ, các xã phía trên đập tiếp tục bị ngập nặng còn các xã phía dưới đập chỉ bị ngập nhẹ”, một người dân nhận định.
Tại Hội An, địa điểm tổ chức sự kiện Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 (VOF) và đón các đoàn phu nhân của 21 nền kinh tế thế giới tham quan, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, cũng đang đối mặt với tình trạng ngập nặng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch TP Hội An cho biết, từ chiều 4/11, nước lụt ở Hội An đã ở mức báo động 3 và nước lụt tiếp tục dâng cao.
Ban chỉ huy PCLB thành phố đã tổ chức họp bàn đối phó với lũ. Hiện tại, do mưa lớn kết hợp nước thượng nguồn đổ về nên một phần phố cổ Hội An đã ngập trong nước lụt. Cầu An Hội nối đôi bờ sông Hoài đã bị chìm trong biển nước. Toàn bộ người dân sinh sống trên 2 trục đường ven sông này đã dọn dẹp đồ đạc, sẵn sàng ứng phó với lũ.
Ngập lụt ở phố cổ Hội An |
Đáng chú ý, liên tiếp 3 ngay ngày nay, địa bàn huyện Đại Lộc, vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam giáp ranh với Đà Nẵng, đã có mưa to đến rất to. Ngoài ra, các hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198m3/s; thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349m3/s (1.416m3/s), hồ thủy điện Sông Bung 4 vận hành xả lũ trên dưới 1.000m3/s khiến nước sông lên nhanh. Hiện, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 9.54 m, trên mức báo động III 0,54 m và sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 8,69 m, dưới báo động III 0.09 m, gây ngập nhà dân và thiệt hại một số diện tích vùng đất màu ven sông của nhân dân đã và đang xuống giống sản xuất vụ Đông 2017.
Ngập tại huyện Đại Lộc |
Theo thống kê của huyện Đại Lộc, tính đền chiều 5/11, tại địa phương này đã có một người bị thương. Cụ thể, ông Đinh Văn Dưỡng (SN 1973, thông Đại Phú, xã Đại Nghĩa) bị điện giật trong lúc dọn lụt và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc (tỉnh Quảng Nam). Trên địa bàn huyện Đại Lộc có khoảng 24.000 hộ dân bị ngập lụt, trong đó có nhiều nơi bị ngập sâu, nước lũ cô lập. Đến chiều cùng ngày, các tuyến đường nước ngập sâu đã được các cơ quan chức năng cắt cử lực lượng rào chắn cấm người qua lại để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Khắp các thôn xóm, người dân tất tả dọn đồ đạc đưa lên những nơi khô ráo, nhiều người dùng ghe thuyện vận chuyển tài sản, vật nuôi đến những nơi cao hơn.
Một số hình ảnh người dân di chuyển ở phố cổ Hội An trong mưa lũ: