Mọc nhanh như nấm sau mưa
Những ngày đầu tháng 4/2017, chúng tôi về vùng cát phía Đông tỉnh Quảng Nam và tận mắt nhìn thấy sự thay đổi của vùng quê này. Từ phố cổ Hội An đi về hướng Nam, qua hết cầu vượt biển Cửa Đại thì đến các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên), xã Bình Dương (huyện Thăng Bình).
Vùng quê ven biển này xưa nay cuộc sống nghèo nàn bởi chỉ toàn cát trắng, cây trồng nông nghiệp không cho năng suất cao. Nghề đánh bắt hải sản là nghề chính thì bấp bênh bởi hầu hết tàu thuyền đều nhỏ, không vươn ra được biển lớn.
Thế nhưng, thời gian gần đây, cuộc sống nhân dân nơi đây nhộn nhịp hẳn lên khiến ai cũng ngỡ ngàng. Dọc theo tuyến đường bê tông lớn chạy qua trước cổng UBND xã Duy Hải người dân đang tất bật xây dựng nhà cửa. Hai bên đường ngổn ngang những đống gạch, đá, cát sỏi, vật liệu thi công xây dựng.
Từ thôn Tây Sơn Tây đến Tây Sơn Đông (xã Duy Hải) những ngôi nhà mới dựng lên san sát nhau. Hàng rào cổng ngõ mới tinh cũng đua nhau “mọc” lên. Liền kề phía Nam của các xã Duy Nghĩa, Duy Hải là xã Bình Dương cũng đang diễn ra cảnh người dân ồ ạt xây dựng, cơi nới nhà cửa. Không khí “công trường” cũng tất bật không thua kém gì bên phía huyện Duy Xuyên.
Sẽ đáng mừng biết bao nếu đây là minh chứng sự “thay da đổi thịt” của miền biển nghèo này. Nhưng sự thật không phải như vậy. Một người dân xã Duy Hải cho biết, khoảng 2 tháng nay, tình trạng xây dựng ồ ạt bắt đầu diễn ra tại địa phương này. Họ xây dựng với tốc độ chóng mặt, có căn nhà hoàn thành phần thô chỉ sau 1 đêm. Những bức tường rào dài hàng trăm mét chỉ xây xong trong 1 buổi sáng.
Theo tìm hiểu được biết, hầu hết những căn nhà xây dựng ồ ạt nêu trên đều nằm trong vùng giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nam Hội An do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 5 nghìn tỷ đồng. Trong lúc dự án chưa triển khai đến, người dân nơi đây tranh thủ xây dựng chỉ để chờ… được đền bù.
Một người dân vừa mới xây xong căn nhà ở thôn Tây Sơn Tây cho hay, ông biết khu đất nhà mình nằm trong diện giải tỏa nhưng vẫn xây dựng nhà mới. Ông khẳng định, việc xây dựng nhà của ông là “không sai” vì “đây là đất của nhà tôi” và vì “chờ dự án thì biết đến bao giờ, tôi phải xây để có chỗ sinh hoạt”?!
|
Người dân tự ý xây dựng, cơi nới công trình trên phần đất quy hoạch dự án. |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải xác nhận tình trạng xây dựng trái phép trên khu vực đất quy hoạch dự án là có thật. Số liệu từ UBND xã Duy Hải và Duy Nghĩa cho thấy, có gần 400 trường hộ xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch. Xong đó riêng xã Duy Hải từ đầu năm đến nay đã phát hiện khoảng 300 hộ cơi nới, xây dựng mới nhà cửa trái phép.
Có nhiều trường hợp là đảng viên, cán bộ hưu trí, thậm chí có cả cán bộ thôn, xã. Người xây dựng thì một mực cho rằng “không sai”, trong khi chính quyền lên tiếng khẳng định xây dựng trong đất đã được quy hoạch cho dự án là “trái phép”. Thực tế các căn nhà trên cũng không được cấp giấy phép xây dựng.
Nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”
Theo lời ông Thống, sự việc bắt đầu từ khi có quy hoạch xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với diện tích hàng trăm héc ta đi qua địa bàn. Dự án ảnh hưởng đến các xã Duy Hải, Duy Nghĩa và xã Bình Dương với cả ngàn hộ dân.
Năm 2011, dự án này được công bố nhưng vì nhiều lý do nó không được triển khai như dự tính. Mặc dù vậy, mọi công tác liên quan đến quy hoạch, giải tỏa đã được thông qua. Năm 2016, dự án này được khởi động lại. Lúc này, các hộ dân được yêu cầu phải giữ nguyên trạng các công trình trên đất để chờ đền bù.
Thế nhưng, không hiểu bắt đầu từ đâu có thông tin rằng xây dựng càng nhiều công trình trên đất dự án sẽ được đền bù càng nhiều. Người này rỉ tai người kia lan truyền cả vùng, người này xây dựng, người kia bắt chước rồi đến hàng trăm hộ đua nhau xây dựng, bất chấp quy định. Đặc biệt, từ đầu năm 2017, khi dự án chính thức động thổ, hàng loạt máy móc công trình được đưa về để triển khai dự án cũng là lúc người dân ồ ạt xây dựng trái phép nhiều công tình, “chạy đua tiến độ” với dự án.
Một cán bộ UBND xã Duy Nghĩa cho rằng, những hộ dân vi phạm đều biết rõ quy định không được phép xây dựng trên phần đất quy hoạch. Tuy nhiên, sự việc khá phức tạp khi người dân đua nhau xây dựng trái phép. Họ lấy lý do là xây để tránh bão, xây để có chỗ cho con cái sinh hoạt.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết nhà các hộ dân xây lên là nhà tạm, kết cấu yếu, dựng tường gạch sơ sài rồi lợp tôn. Ngay cả người không có chuyên môn về xây dựng vẫn biết những ngôi nhà như thế không đủ công năng để ở chứ chưa nói đến chuyện để tránh bão. Hơn nữa, hầu hết những ngôi nhà trên xây xong rồi bỏ hoang.
Trước tình trạng xây dựng trái phép chờ đền bù, chính quyền các địa phương quyết tâm lập lại kỷ cương. Ông Hoàng Châu Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, khẳng định, chính quyền các cấp phải cứng rắn với các trường hợp xây dựng trái phép để tránh làm tình hình phức tạp thêm.
Theo Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, tinh thần chỉ đạo là phân loại những đối tượng vi phạm để xử lý dứt điểm, nhằm lấy lại nguyên hiện trạng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, để dự án được triển khai đúng tiến độ.
Thực tế này khiến hàng trăm hộ dân vi phạm đối diện với nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” nếu chính quyền “mạnh tay”. Nhiều hộ dân đang như ngồi trên đống lửa vì lỡ vay mượn cả trăm triệu đồng để xây nhà trái phép rồi ôm mộng đền bù.
|
Người dân tự ý xây dựng, cơi nới công trình trên phần đất quy hoạch dự án. |
Dấu hiệu tích cực
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các địa phương trong vùng dự án đã triển khai nhiều biện pháp tích cực như thành lập các tổ công tác đặc biệt về các địa phương, ngăn chặn những hành vi xây dựng nhà cửa và vật kiến trúc trái phép.
Chính quyền và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con nhận thức rõ việc xây dựng nhà cửa và vật kiến trúc trong vùng đã quy hoạch để chờ tiền đền bù là việc làm sai trái.
Chính quyền khẳng định sẽ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nếu xây nhà trái phép sẽ bị xử phạt, đồng thời sẽ không được nhận đền bù khi giải tỏa giao mặt bằng cho dự án.
Đối với những hộ xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép có người thân là cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng và chính quyền tổ chức họp, yêu cầu cán bộ, đảng viên làm gương trong việc chấp hành pháp luật.
Yêu cầu họ vận động gia đình dừng thi công nhà cửa và vật kiến trúc, tự giác tháo dỡ những hạng mục xây dựng trái phép để làm gương cho các hộ dân trong khu vực noi theo. Đối với những hộ cố tình chống đối và kích động những hộ khác không thực hiện việc tự tháo dỡ, chính quyền sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Những nỗ lực trên bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Ông Huỳnh Ngọc Bá, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hiện tại, tình trạng xây dựng nhà cửa và vật kiến trúc trái phép để chờ đền bù tại huyện Duy Xuyên đã dần lắng xuống.
Đến ngày 14/4, gần 20 hộ ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải đã tự giác tháo dỡ nhà cửa và vật kiến trúc xây dựng trái phép. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã bắt đầu nhận ra sai lầm khi ngang nhiên vi phạm pháp luật để mưu cầu lợi ích cá nhân không chính đáng.