Quảng Nam: Hãy cứu sông Thanh Quýt

(PLO) - Sông Thanh Quýt chảy qua địa phận xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là con sông tự nhiên và được khơi nguồn, đào sâu từ thời nhà Nguyễn (1802). Nhưng hiện nay, dòng sông Thanh Quýt đã bị chặn dòng bởi một đập thủy lợi.
Dòng sông Thanh Quýt bị chặn dòng thành một ao tù lớn, nước sông vàng ố, môi sinh, môi trường tại đây bị đe dọa…
Dòng sông Thanh Quýt bị chặn dòng thành một ao tù lớn, nước sông vàng ố, môi sinh, môi trường tại đây bị đe dọa…

Sông Thanh Quýt nối với sông đào La Thọ, nhận thêm nước từ nguồn sông lớn Vu Gia (đoạn qua sông Yên), chảy vào sông Vĩnh Điện. Con sông này có cội nguồn nối với lạch Bình Long, rồi chảy thẳng ra Hòa Phước, Cẩm Lệ về sông Hàn (Đà Nẵng) rồi đổ ra biển Đông.

Dòng sông Thanh Quýt hiền hòa, chảy êm đềm ôm ấp làng quê, theo sông hàng hóa, thực phẩm từ mọi miền chở về bến Chùa, bến Chợ Vải. Cá, mực, tôm tươi từ miền biển lên chợ Chiều bằng ghe bầu “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên” nhộn nhịp, tấp nập, đông vui là thế.

Sông cũng là nguồn nước mang lại môi trường sinh thái thân thiện, cảnh quan thông thoáng, trong lành tắm mát cho bao con người và cả ruộng vườn xanh tươi tốt nữa, bởi lượng phù sa mà hàng năm con sông bồi đắp đem lại. 

Ngoài ra những bến sông quê như bến Quạ, bến Chùa cũng là nơi hẹn hò của những nam thanh, nữ tú, đặc biệt những đêm trăng sáng dòng sông đẹp lung linh, mềm như lụa…

Cả một làng quê yên ả, trù phú nhờ vào ưu thế của con sông này nhưng hiện nay, dòng sông Thanh Quýt bị chặn dòng bởi một đập thủy lợi cách làng hơn 1.000m về hướng Tây, làm nước dòng sông “đứng khựng”, biến giữa làng thành một ao tù lớn, nước sông vàng thẫm,  bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hệ sinh thái không còn nữa và dòng sông… đang chết dần. 

“Mục sở thị” dọc bờ sông, cảm nhận của chúng tôi là dòng sông đang “hấp hối” bởi nước đục ngầu, sông đầy rác, xác súc vật, đồ phế thải; ruồi, muỗi, côn trùng đang hoành hành vì không có dòng chảy; nước sông cạn kiệt về mùa khô khiến mực nước ngầm ở đôi bờ đã xuống thấp dẫn đến nhiều khu vườn thiếu nước khô khốc, các giếng nước trong khu dân cư đã bị ô nhiễm phèn, mặn không sử dụng được từ mấy năm nay. Còn về mùa mưa bão, đây là vùng hạ lưu của ba con sông lớn cho nên dòng chảy xiết, triều cường mạnh gây cuồng lũ, sụt lún, sạt lở đôi bờ sông, các lũy tre ngả đổ trôi theo dòng nước, nhiều mảnh vườn bị lũ cuốn phăng, đe dọa đến làng mạc, khu dân cư đang sinh sống ven sông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nhân (một người dân sống ven sông) bộc bạch: “Từ một con sông có dòng chảy ổn định, bị đập thủy lợi chặn dòng, làm nước sông tù đọng quanh năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường. Để cứu lấy dòng sông, trước mắt cần có kế hoạch, lịch xả nước hợp lý, định kỳ của ngành liên quan và phải có sự chỉ đạo của chính quyền. Về lâu dài nhất thiết phải mở dòng để con sông trở lại như xưa...”. 

Còn bà Lê Thị Hòa lo lắng: “Để chống nạn sụt lún, sạt lở của dòng sông, cần có biện pháp xây dựng kè chắn bê tông dọc bờ sông, vì thời tiết hiện nay ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu, mưa lũ, sạt lở đất ven sông, năm sau cao hơn năm trước và diễn biến thất thường của thiên tai. Tôi sinh sống ở ven sông rất lo lắng, khi hàng năm mùa mưa lũ đổ về. Có xây kè chắn đôi bờ sông, thì người dân mới yên tâm...”. 

Lão nông Nguyễn Văn Tuấn thì quan tâm đến nạn ô nhiễm môi trường khi nói “dòng chảy của sông bị chặn lại, nước màu vàng ố, bốc mùi, xác súc vật, đồ phế thải nằm ngổn ngang dọc bờ sông, làm mất cảnh quan gây ô nhiễm môi trường nặng. Muốn giải quyết tình trạng này, Nhà nước, các cấp và ngành chức năng liên quan lên lịch, xả nước định kỳ để cho nước dòng sông sạch…”.

Cây đa, bến nước, mái đình, con đò, dòng sông… là những hình ảnh thân thương là cội nguồn quê hương, là kỷ niệm êm đềm luôn lưu giữ mãi trong ký ức của mỗi con người, tên làng, tên sông là một và luôn gắn bó, ôm ấp, hòa quyện vào nhau như làng Thanh Quýt, dòng sông Thanh Quýt... Mong sao dòng sông Thanh Quýt trở lại như ngày xưa, để rồi mọi người cùng thỏa thích đắm mình tắm mát cùng dòng sông quê hương… 

Đọc thêm